Vào ngày 30/11, Vượt Sóng – nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Talk show “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?”. Đây là một chương trình thiết thực, ý nghĩa đối với việc gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống.
Áo dài từ lâu đã là một biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong suốt tiến trình lịch sử, áo dài không ngừng biến đổi về kiểu dáng và chất liệu, phụ kiện để phù hợp với thị hiếu cũng như nhu cầu của người sử dụng. Trong những năm gần đây, bên cạnh áo dài truyền thống, áo dài cách tân đã trở thành xu hướng thời trang của nhiều người. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.
Vì lý do đó, nhóm Vượt Sóng đã tổ chức Talk show “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?” với mong muốn đem đến cho khán giả một cái nhìn khách quan và đa chiều hơn từ những chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Talk show có sự góp mặt của Host, khách mời: TS. Trịnh Lê Anh; nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình; nhà văn Nguyễn Trương Quý; nhà thiết kế Nguyễn Huyền và nhà thiết kế Jalani Ngọc.
Với câu hỏi “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?”, các khách mời đã có những chia sẻ, quan điểm thẳng thắn của bản thân. Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý: “Đây là tùy vào cảm nhận văn hóa của bản thân mỗi người tiếp nhận mẫu áo dài cách tân nào đó hay không. Thời trang phụ thuộc vào những yếu tố khác, không chỉ riêng chức năng sử dụng mà còn vào tính thẩm mĩ và nhu cầu ở mỗi thời kỳ”.
Đối với nhà thiết kế Huyền Nguyễn, chị chia sẻ: “Áo dài cách tân luôn luôn phải giữ được những nét truyền thống. Tôi nghĩ chúng ta thường cứ nghĩ cách tân là phải cách tân về kiểu dáng. Trong làng thiết kế áo dài, ngay cả với những nhà thiết kế có tên tuổi lớn như anh Sỹ Hoàng, anh vẫn đưa những đường nét hội họa truyền thống vào áo dài, hoặc với nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam thì anh đã đưa cả những di sản, làng nghề của Việt Nam lên trên áo dài. Đấy chính là ý nghĩa văn hóa mà các nhà thiết kế muốn truyền tải qua những tà áo dài. Từ đó có thể bảo vệ, lưu giữ và phát triển trang phục này nói riêng và những nét văn hóa của Việt Nam nói chung. Đây có thể gọi là sự mới lạ của áo dài hay còn gọi là cách tân trong áo dài”.
Cùng quan điểm với nhà thiết kế Huyền Nguyễn, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình chia sẻ: “Tôi ủng hộ sự cải biến của áo dài hiện đại, phụ nữ ngày nay có quyền được thể hiện vẻ đẹp của bản thân trong mắt mọi người thông qua tà áo dài, nhưng làm sao vẫn phải giữ được nét kín đáo và không “tục” quá! Những bộ áo cách tân được coi là lố thì không thể gọi là áo dài, đó chỉ là những bộ đồ thời trang trình diễn mang lại sự mới lạ”.
Bên cạnh đó, nhà thiết kế Jalani Ngọc cũng cho biết: “Tôi đã được tiếp cận rất nhiều các bạn trẻ thường xuyên sử dụng áo dài. Điều này cho thấy việc các bạn trẻ rất yêu thích áo dài, và việc cách tân trở nên thật sự cần thiết. Để các bạn trẻ sử dụng thì phải có sự phù hợp. Chỉ khi các bạn mặc nhiều, yêu thích và dành nhiều đam mê hơn cho bộ trang phục này chúng ta mới có thể truyền được tình yêu áo dài truyền thống đến cho thế hệ trẻ một cách gần gũi, dễ dàng hơn”.
Từ đó, Host Trịnh Lê Anh đã khép lại câu hỏi “Giới hạn nào cho áo dài cách tân?” rằng: “Áo dài có thể cách tân để trở nên phù hợp với nhu cầu, thẩm mỹ, công năng sử dụng nhưng nó nên theo cái giữ được những nét giá trị của tà áo dài truyền thống”.
Buổi Talk show mang đến một cuộc bàn luận ý nghĩa về những giới hạn cần thiết để sự sáng tạo, làm mới áo dài trở nên phù hợp với số đông, phù hợp với thuần phong mỹ tục, hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét đẹp của dân tộc. Đồng thời, Talk show cũng truyền tải thông điệp, khơi dậy tinh thần yêu áo dài, yêu văn hóa Việt Nam của giới trẻ.
PV