Thay vì dùng ngọc như các vị vua và các thành viên hoàng tộc khác, Võ Tắc Thiên ngậm một miếng gỗ trong miệng khi chết. Điều này khiến nhiều người vô cùng tò mò.
Trong thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc, phong tục an táng của hoàng đế, phi tần và các thành viên hoàng tộc, quý tộc vô cùng phức tạp. Trong số này có việc sau khi chết, thi hài của người quá cố thường cho vào miệng một miếng ngọc bội hoặc ngọc trai đen. Hoàng đế Càn Long, Từ Hi Thái hậu đã làm như vậy. Tuy nhiên, Võ Tắc Thiên đã có sự lựa chọn khác.
Theo sử sách, sau khi chết, trong miệng Võ Tắc Thiên có đặt một miếng gỗ thay vì ngọc bội hoặc ngọc trai như mọi người. Các nhà nghiên cứu cho rằng Võ Tắc Thiên là người duy nhất đưa ra lựa chọn như vậy. Từ đây, họ tò mò tại sao vị nữ hoàng này lại làm chuyện như vậy?
Do đó, các chuyên gia tiến hành nghiên cứu để làm sáng tỏ bí ẩn này. Người xưa tin rằng việc đặt ngọc và ngọc trai đen vào miệng người chết sẽ giúp người đã khuất tiếp tục có cuộc sống sung túc ở thế giới bên kia. Ngoài ra, những viên ngọc trai đen được đặt trong miệng của người chết được cho là sẽ giúp cơ thể người quá cố không bị phân hủy. Phải chăng Võ Tắc Thiên không theo điều này là do không muốn tiếp tục cuộc sống vương giả ở thế giới bên kia?
Các chuyên gia cho rằng, lý do Võ Tắc Thiên làm ngược lại mọi người có liên quan đến tấm bia không chữ được đặt trước lăng mộ của bà.
Cuộc đời Võ Tắc Thiên được coi là vừa có công vừa có tội. Trong thời gian nắm quyền, vị nữ hoàng này vấp phải nhiều ý kiến khen – chê trái chiều. Vì vậy, trước khi qua đời, Võ Tắc Thiên đã cho làm một tấm bia không chữ để người đời sau tự phân xử đúng sai. Xuất phát từ việc này, miếng gỗ đặt trong miệng Võ Tắc Thiên sau khi bà qua đời cũng mang ý nghĩa tương tự.
Các sử liệu sơ khai của Trung Quốc được viết trên “mu độc” (thẻ tre) và “trúc” (thẻ gỗ). Vì vậy, miếng gỗ trong miệng Võ Tắc Thiên mang tác dụng như một tấm thẻ gỗ.
Sau khi chết, Võ Tắc Thiên ngậm thẻ gỗ trong miệng và sang thế giới bên kia với ngụ ý để ma, thần tự đánh giá và viết công hay tội vào đó. Đây được cho là khí phách và bản lĩnh của nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Đ.Tuyến/Scienceinfo