Tái hiện lễ Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu Thừa Thiên Huế

11:41 | 23/08/2022

Mừng lúa mới là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người Cơ Tu. Lễ hội thể hiện sự biết ơn với các thần linh đã che chở, mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.


Trong chương trình Ngày hội văn hóa dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông, ngày 21/8, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Cơ Tu xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ xa xưa đồng bào Cơ Tu đã luôn gắn bó với núi rừng, nương rẫy và gắn kết với cây lúa. Do điều kiện canh tác khó khăn, người Cơ Tu luôn mong ước về sự no đủ, đó là lý do ra đời Lễ hội Mừng lúa mới.

Du khách trải nghiệm và cùng vui ngày hội Mừng lúa mới với đồng bào Cơ Tu. Ảnh: BTC

Lễ hội Mừng lúa mới, trong tiếng Cơ Tu là “Cha Ha Ro Tơ Me”. Theo Già làng A Lăng Kơ Lói (xã Thượng Long, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế), Mừng lúa mới là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người dân đồng bào Cơ Tu huyện Nam Đông. Lễ hội thể hiện sự biết ơn với các thần linh đã che chở mang lại cuộc sống ổn định, bản làng được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Để chuẩn bị cho Lễ hội, các chàng trai, cô gái cộng đồng đồng bào Cơ Tu đã chuẩn bị từ sáng sớm. Những cô gái đi tuốt lúa và lúa được gùi về bản. Sau đó, người rang lúa, người giã gạo, người cắt lá dong, người lấy nước, nướng gà, nướng cá… dâng lên và tạ ơn thần linh.

Lễ mừng lúa mới bao gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, đặc biệt nhất là nghi lễ đâm trâu. Con trâu là vật nuôi gần gũi với đời sống thường ngày và cũng là loài vật quan trọng, bởi đó chính là vật tế Giàng trong những ngày trọng đại. Trâu là biểu hiện quyền lực của làng bản.

Lễ đâm trâu là lễ hội độc đáo mà người dân tộc Cơ Tu còn lưu giữ và thường được tổ chức vào những ngày trọng đại như: Mừng lúa mới, mừng nhà Grươl mới hay đám cưới…

Để chuẩn bị cho một cuộc đâm trâu cũng phải mất 2 ngày 1 đêm, tùy vào lễ lớn hay nhỏ. Việc chính là dựng cây nêu rất công phu và tỉ mỉ. Dân làng đến để chuẩn bị cúng tế lên Giàng báo với thần linh và mời các ngài về chứng giám cuộc đâm trâu.

Sau nghi lễ đâm trâu, các chàng trai cô gái chia nhau làm các món ăn để bày trong mâm cúng lễ. Nam giới sẽ nướng cá, hấp cá, gùi cá ống, nướng thịt, luộc thịt, gùi ống thịt lợn, nướng gà, luộc gà, nướng đọt mây, hui ống ếch, hui cơm lam, rót rượu cần, rượu trắng, làm mọi thứ được phân công trong lễ hội.

Nữ giới làm tất cả gia vị, bóp gia vị cho các món ăn theo từng loại, ngâm gạo, nấu xôi, luộc sắn, luộc ngô, luộc khoai, nấu canh, xào rau; rửa chén, đũa, mâm ly, chuẩn bị chu đáo các loại món ăn.

Sau khi mâm cúng đã được chuẩn bị, là lúc các già làng, người lớn tuổi, có uy tín trong bản thực hiện nghi lễ cúng. Theo nghi lễ truyền thống, già làng sẽ khấn vái và mời các thần linh, thần lúa, thần trời, thần sông suối, thần cây cối về dự lễ để tạ ơn trong một năm được mưa thuận gió hòa.

Một số hình ảnh Lễ Mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu được tái hiện tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: ĐĐK):

Chương trình tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của người dân đồng bào Cơ Tu đến từ huyện Nam Đông

Cây lúa là lễ vật không thể thiếu trong lễ Mừng lúa mới

Các cô gái đi tuốt lúa từ sáng sớm, theo sau là các chàng trai gùi lúa về bản

Lúa được sấy khô, sàng sẩy thành gạo

Nghi thức cúng lúa mới được các già làng thực hiện

Nghi lễ đâm trâu trong Lễ hội Mừng lúa mới (trâu được làm tượng trưng)

Sau nghi lễ đâm trâu, các món ăn được dâng lên mâm cúng

Sau phần lễ là đến phần hội. Trong ảnh: Màn múa Tung tung da dá – điệu múa dâng trời của đồng bào Cơ Tu

Giữa hai bên mâm cúng là hình ảnh dệt Zèng (thổ cẩm) và đan lát của các mẹ các chị. Nghề dệt Zèng của người Cơ Tu với lối liên kết cườm độc đáo đã có truyền thống từ ngàn xưa.

Zèng vừa là lễ phục không thể thiếu trong các nghi lễ, sự kiện quan trọng trong các ngày hội; cũng là vật trang trọng trao tặng, cũng là vật làm tin của cộng đồng người dân đồng bào Cơ Tu.

Nét độc đáo của Zèng là kỹ thuật dệt đan cài các hạt cườm vào sợi để tạo hoa văn trên vải. Hình ảnh được chọn để tạo hình thường quen thuộc và gắn bó với đời sống của người vùng cao như: Núi, sông, mặt trời, muông thú… với nhiều màu sắc khác nhau.

Sau khi phần lễ đã được thực hiện, phần hội bắt đầu. Nhạc vang lên có sự kết hợp của tiếng cồng chiêng, tiếng trống của các chàng trai và điệu múa Tung tung da dá của các cô gái. Các chàng trai, cô gái Cơ Tu với những điệu múa khỏe khoắn càng làm tô đậm thêm màu sắc rực rỡ và đầy tính truyền thống của Lễ hội Mừng lúa mới.

T.Toàn

Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/tai-hien-le-mung-lua-moi-cua-dong-bao-co-tu-thua-thien-hue-post210101.html#p-7

 

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024