TA VỀ CHO KỊP ĐỘ XUÂN SANG

18:37 | 21/01/2024

Đây là một trong hai câu thơ đề từ cho bài thơ “Ta về” của nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 – 2019) viết năm 1985, sau 10 năm “học tập, cải tạo” dưới chế độ ta vì cái chức “thiếu tá tâm lý chiến của Việt Nam Cộng hòa”. Sau này, ông còn bị đi “học tập cải tạo” thêm 3 năm nữa cho đủ con số 13 xui xẻo. Và đến năm 1995 ông cùng gia đình phải đi Mỹ theo dạng tỵ nạn chính trị ở Houston, tiểu bang Texas đến lúc mất nhưng tấm lòng và thơ ông luôn ở cùng đất nước…

Sau năm 2000, Tô Thùy Yên có về nước một hai lần. Tôi không có vinh dự được gặp nhà thơ lớn mà tôi hâm mộ. Nhưng nhà thơ Ngô Thế Oanh kể rằng khi ra thăm bạn bè ở Hà Nội, việc đầu tiên Tô Thùy Yên nhờ là liên hệ với Bộ Công an tìm cho ông được gặp để cám ơn một quản giáo ông coi là ân nhân trong những ngày ông bị cải tạo tại một tỉnh miền núi phía Bắc. Trong thời gian bị tù đày cực khổ do bị quy là một yếu nhân của bên thua cuộc, rơi vào cảnh khốn cùng của một kiếp người, Tô Thùy Yên vẫn giữ được sự “từ tâm” mà ông nói trong bài thơ “Ta về”, không bộc lộ một chút gì là oán thù căm giận. Ông vẫn giữ được sự trầm tĩnh, trân trọng và muốn truyền lại những nét đẹp bất diệt của con người trong những hoàn cảnh bi đát nhất. Tô Thùy Yên nhẹ nhàng chịu đựng và vượt qua tất cả vì cái câu hỏi sâu sắc day dứt nhiều năm trong ông: “Chẳng lẽ cả dân tộc Việt Nam tự mình lại còn muốn khuất thân tôi mọi nối dài thêm nữa một chương hồi lịch sử lầm lạc oan khiên, để tự mình đầy đọa lấy mình thêm nữa hay sao? Và cũng chẳng lẽ đã ba thập niên qua, thời gian của hơn một thế hệ trưởng thành, vẫn chưa đủ để chúng ta khựng tỉnh cơn hả hê hào khí ngất trời ngu muội và vô sỉ, vẫn chưa đủ để chúng ta giải trừ được lòng nghi kỵ cùng sự sợ hãi như những hội chứng tâm thần trước những phải trái cần phân minh, vẫn chưa đủ để chúng ta lương thiện lượng giá phẩm cách làm người của mình, để mà can trường hồi phục được hy vọng, niềm tin và ý chí phải có của một dân tộc hay sao?” (Trả lời phỏng vẫn của nhà thơ Phan Nhiên Hạo năm 2005).

Ý thức ấy làm cho “Ta về”, bài thơ được viết sau 10 năm đi “học tập cải tạo” nơi rừng thiêng nước độc của Tô Thùy Yên lại được cảm nhận như một cuộc trở về đầy hy vọng: “Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Một chút rượu hồng xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này”. Nhà văn Nhật Chiêu, phát biểu trong một cuộc tưởng niệm sau ngày Tô Thùy Yên mất năm 2019 tại TPHCM đã nhận xét rất đúng: “Sứ mệnh của thơ ca cũng chính là bếp lửa để mọi người đưa tay vào cùng hơ ấm. Thơ Tô Thùy Yên vượt qua mọi phía, phía này hay phía kia để đi tới “bếp lửa nhân quần” đó, đi trên một “con đường lớn” không có phân ly”.

Trong những ngày rét đậm rét hại ở phía Bắc gần rằm tháng chạp Quý Mão, nhớ Tô Thùy Yên chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ kiệt tác “Ta về” để được sưởi ấm bằng ngọn lửa thiêng trong thơ ông, nhà thơ uyên bác nhất, lớn nhất, thuyết phục nhất của tinh thần hòa hợp dân tộc, của tình tự Việt Nam, để đón xuân Giáp Thìn với cơ sở vững chắc nhất đem lại cho chúng ta miền tin về tương lai một Việt Nam nhân văn và thịnh vượng, một Việt Nam thực sự bắt đầu công cuộc hóa rồng.

NGUYỄN THẾ KHOA

Bài thơ TA VỀ (của Tô Thùy Yên)

Tiếng biển lời rừng nao nức giục

Ta về cho kịp độ xuân sang

Ta về – một bóng trên đường lớn

Thơ chẳng ai đề vạt áo phai…

Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?

Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

Mười năm, mặt xạm soi khe nước

Ta hoá thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá

Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín

Đời im lìm đóng váng xanh xao

Mười năm, thế giới già trông thấy

Đất bạc màu đi, đất bạc màu…

Ta về như bóng chim qua trễ

Cho vội vàng thêm gió cuối mùa

Ai đứng trông vời mây nước đó

Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước?

Núi lở sông bồi đã lắm khi…

Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

Mười năm, cổ lục đã ai ghi?

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

Làng ta, ngựa đá đã qua sông

Người đi như cá theo con nước

Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội

Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

Ruột mềm như đá dưới chân ta

Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

Người thức nghe buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ

Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời

Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

Tội tình chi lắm nữa, người ơi!

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ

Mười năm, người tỏ mặt nhau đây

Nước non ngàn dặm, bèo mây hỡi

Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng

Chấp chới trôi buồn với nắng hanh

Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng?

Phải, ôi vàng đá nhắn quan san?

Lời thề truyền kiếp còn mang nặng

Nên mắc tình đời cởi chẳng ra

Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ

Mười năm, ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán

Trong cõi hoang đường trắng lãng quên

Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách

Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ

Nhà thương khó quá, sống thờ ơ

Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ

Khách cũ không còn, khách mới thưa…

Ta về khai giải bùa thiêng yểm

Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!

Hãy kể lại mười năm mộng dữ

Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn

Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà

Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?

Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá

Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu

Mười năm, con đã già như vậy

Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu…

Con gẫm lại đời con thất bát

Hứa trăm điều, một chẳng làm nên

Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn

Hạt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng

Rau mác lên bờ đã trổ bông

Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng

Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa

Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu

Ta nghe như máu ân tình chảy

Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất

Khắp thế gian này để gặp em

Đau khổ riêng gì nơi gió cát…

Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa

Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!

Tình xưa như tuổi già không ngủ

Bước chạm khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí

Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui

Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng

Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ

Hãy sống, đương đầu với lãng quên

Con dế vẫn là con dế ấy

Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen

Ta về như nước tào khê chảy

Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ

Thân thích những ai giờ đã khuất?

Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ

Đêm buồn, ai nữa đứng bờ ao

Khóc người, ta khóc ta rơi rụng

Tuổi hạc, ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi

Lục lại thời gian, kiếm chính mình

Ta nhặt mà thương từng phế liệu

Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây, nền cũ nhà hương hoả

Đọc lại bài thơ buổi thiếu thời

Ai đó trong hồn ta thổn thức?

Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ

Một thuở trần gian bay lướt qua

Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

Đành không trải hết được lòng ta

(7-1985)


Cùng chuyên mục

Sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi cực Bắc Tổ Quốc.

Sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi cực Bắc Tổ Quốc.

Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 Nghệ An – Hà Tĩnh gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Đại đoàn Đồng Bằng – Sư đoàn 320 Nghệ An – Hà Tĩnh gặp mặt kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo thông tin góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

QUẢNG TRỊ: Rực rỡ sắc màu Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Quảng Bình: Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Vũ Thị Minh Thuý đăng quang Hoa hậu Nhân ái tại Miss Asian 2024

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình