Suy ngẫm về trò chơi dân gian

23:29 | 16/10/2018

 

Nét đẹp truyền thống

Từ thuở xa xưa trò chơi dân gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nước Việt như các trò chơi của người Kinh: Chơi ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, đánh đu, kéo co, đấu vật, đánh cờ tướng, hô bài chòi…Bên cạnh đó, các tộc người thiểu số cũng có các trò chơi dân gian khá đa dạng, thú vị như: Múa xòe, giã bánh dầy, tung còn, đánh tu lu, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo…tất cả tạo nên nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, nhất là được diễn ra trong các dịp lễ tết, hội hè.

Tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt gắn liền với những cánh diều bay bổng, trẻ mục đồng nông thôn chăn trâu thổi sáo trên những cánh đồng bát ngát, an lành. Đối với cư dân miền biển từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, trò chơi dân gian đậm tính đặc trưng của vùng biển như: thi bơi biển, đua thuyền trên cát, lắc thúng, chạy tiếp sức trên bãi biển hay thi gánh cá, đan lưới…luôn gắn bó với cuộc sống của những con người cùng chung sống trên các vùng miền Việt Nam.

Hầu hết các trò chơi dân gian không chỉ rèn luyện thể chất mà còn đậm tính giải trí lành mạnh, đạt tới trình độ nghệ thuật cao và có giá trị thẩm mỹ cao, khơi gợi trí thông minh, tài ứng đáp, phản xạ linh hoạt của con người, đồng thời nêu cao tính cộng đồng, thu hút mọi người cùng tham gia vui chơi trong tinh thần cộng cảm. Những trò chơi dân gian này luôn được lưu giữ trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt cộng cư dọc miền duyên hải Việt Nam.

Có thể nói, các bậc tiền bối của cư dân ba miền Bắc Trung Nam đã sáng tạo ra nhiều trò chơi dân gian cùng với những sinh hoạt truyền thống khác, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo của văn hóa truyền thống dân tộc. Các trò chơi thường được tổ chức, phục dựng nghiêm túc, diễn ra trong khuôn khổ các lễ hội dân gian hoặc hiện đại, tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu, làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của cư dân vùng biển Việt Nam.

Trong đó, một bộ phận của trò chơi dân gian là đồng dao, vừa chơi vừa hát. Đây là một hình thức sinh hoạt của trẻ thơ trong lúc vui chơi, nhằm thỏa mãn tính hiếu động và nhu cầu phát triển tâm – sinh lý tuổi thơ, đồng thời nội dung câu hát giúp các em hiểu biết thêm về thiên nhiên, xã hội. Trẻ em nước ta ngày xưa cứ hồn nhiên lớn lên cùng những trò chơi dân dã rất có ý nghĩa trong quá trình vừa chơi vừa học, để dần dần vun dắp tâm hồn trẻ thơ và hình thành nhân cách sống khi trưởng thành.

Bên cạnh các trò chơi đồng dao trẻ thơ, còn có các trò chơi dành cho người lớn được tổ chức với hình thức các cuộc thi đậm tính đặc trưng của cư dân sống trên mỗi vùng đất nhằm khích lệ người chơi tham gia. Trong các lễ hội dù là dân gian hay hiện đại, cùng với phần lễ thì phần hội luôn thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách bốn phương, do các trò chơi khá phong phú, tạo hứng khởi cho người chơi và người xem. Ngoài việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, còn thể hiện sự thông minh, khôn khéo của người chơi, gắn kết tình nghĩa xóm làng, nâng cao tinh thần cộng cư của người dân nước Việt.

Có những trò chơi đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là tiền thân của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống sau này. Trong đó, trò chơi dân gian hô bài chòi cũng là khởi đầu cho loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo là kịch hát bài chòi.

Nếu trẻ em vùng cao chơi các trò: đánh khăng, chi chi chành chành, trốn tìm, đánh cầu lông gà, vật chân. Người lớn có trò chơi: đánh đu, kéo co, đấu vật, đi cà kheo… thì ở vùng đồng bằng và miền biển, ngoài các trò chơi của trẻ em với các bài đồng dao như: rồng rắn lên mây, tập tầm vông, oánh tù tì… Thông qua các trò chơi dân gian, mọi người cũng có thể hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt đặc trưng, tiêu biểu nhất đang diễn ra trên vùng đất mình sinh sống. Qua đó nâng cao thể chất, ý chí phấn đấu rèn luyện của con người, giáo dục được ý thức cộng đồng, bản sắc và truyền thống văn hóa của vùng miền, nơi cộng cư của bao thế hệ và có thể từng bước phát triển, nâng cấp các trò chơi dân gian trở thành môn thể thao yêu thích đậm tính văn hóa bản địa.

Trò chơi dân gian dành cho trẻ em thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần ngắn gọn, truyền miệng của trẻ thơ luôn gắn liền với trò chơi khá độc đáo của dân tộc. Đó là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần tự do, có thể ngắn hay dài tùy theo tính chất của trò chơi hoặc lặp đi lặp lại không dứt, diễn ra như một bức tranh sinh động của cuộc sống, đưa nét đẹp văn hóa dân gian vùng biển Việt Nam đến khắp năm châu, bốn biển.

Định hướng khôi phục và phát huy, không để lãng quên

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra quá mạnh mẽ với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ làm mất dần không gian của trò chơi truyền thống và thay vào đó là các trò chơi điện tử vô cùng hiện đại, trẻ em không còn yêu thích các trò kéo co, nhảy dây, ô ăn quan, rồng rắn lên mây… nữa mà say mê lao vào các trò chơi giải trí trên mạng internet, game online…. Ngay cả các bạn trẻ cũng hoàn toàn bị quyến rũ. Đáng cảnh báo là theo kết quả thống kê gần đây thì thời gian trẻ em nước ta sử dụng thiết bị truyền thông không dưới 120 phút/1 ngày. Vì thế, các trò chơi truyền thống của Việt Nam dần dần bị lãng quên, mai một. Ngay cả ở vùng nông thôn, các quán internet mọc lên nhan nhãn, các em truy cập rất dễ dàng trò chơi giải trí trên mạng do công nghệ kỹ thuật tiên tiến đem lại, nó thật sự hấp dẫn, mới lạ, muôn màu muôn sắc làm choáng ngợp lớp trẻ. Nhưng rồi dần dần nó cũng phơi bày ra những hạn chế và tác hại đến nỗi các bậc phụ huynh phái kêu thán, oán trách và nhiều quốc gia đã lên tiếng cảnh báo với các bậc phụ huynh, cũng như quyết liệt đưa ra các biện pháp cai nghiện game. Nhiều trẻ em nghiện trò chơi điện tử vừa tổn hại sức khỏe, vừa ảnh hưởng tiêu cực tới học tập và tư cách đạo đức như: cận thị nặng, bắt chước những hành vi xấu xa.

Những trò chơi mang tính bạo lực đang đầu độc, vắt kiệt sức lực lớp trẻ, mang đến hậu quả tệ hại như:  trộm cắp, đánh nhau, chửi bới, công kích nhau, có lúc dẫn tới xô xát, gây thương tích, án mạng, thậm chí kẻ xấu còn lợi dụng mạng xã hội để phát động phong trào tự tử đang trở thành vấn nạn của một số quốc gia có đời sống kinh tế cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… Do đó, đồng thời với việc tổ chức quản lý tốt các trò chơi hiện đại để công nghệ giải trí phát triển lành mạnh thì việc phục hồi các trò chơi truyền thống có ý nghĩa sâu sắc.. Trò chơi dân gian dần dà chỉ còn là hoài niệm không phải vì nó cũ kỹ và kém thu hút mà chủ yếu là do chưa được lưu tâm phục hồi và phát huy trong cuộc sống hiện đại.

Lớp người đi trước, tuổi ấu thơ và thời niên thiếu được vui chơi các trò chơi dân gian nay đã là những bậc trung, cao niên, còn lớp trẻ, nhất là thanh thiếu nhi rất hiếm khi được tiếp xúc với trò chơi dân gian, có nhiều em khi được hỏi đến, không khỏi ngỡ ngàng và không hình dung nổi trò chơi đó diễn ra như thế nào. Nếu trò chơi dân gian không để thiếu văng trong thời gian dài, được thường xuyên tổ chức thì không đến nỗi xảy ra tình trạng đáng buồn như thế.

Thực tế cho thấy một số địa phương hoặc tại các lễ hội dân gian cũng như hiện đại khi khôi phục lại các trò chơi dân gian thì có rất đông người, nhất là trẻ em hưởng ứng, thích thú. Phải biết kết hợp để trò chơi hiện đại và trò chơi dân gian không chống đối nhau mà cùng song hành, bổ sung cho nhau làm cho sân chơi giải trí càng phong phú và đa dạng, giàu sắc thái, đáp ứng nhu cầu vui chơi của các lứa tuổi khi cùng hướng tới mục tiêu giải trí lành mạnh.

Những năm gần đây tại một số địa phương trò chơi dân gian lại được phục hồi tại các lễ hội, các cấp thẩm quyền cũng bắt đầu chú ý đến việc tổ chức các trò chơi dân gian, nhà trường được khuyến khích tổ chức các hoạt động ngoài trời trong giờ sinh hoạt ngoại khóa với các trò chơi dân gian mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp của ông bà xưa, nhiều đơn vị sản xuất đồ chơi truyền thống thay thế dần đồ chơi ngoại nhập và đạt được kết quả tích cực…

Một khi trò chơi dân gian được thường xuyên tổ chức thì nét đẹp văn hóa truyền thống này sẽ không bị mai một và chìm khuất vào quá khứ. Thực tế cho thấy mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em đều vui thích. Người lớn thì tìm thấy những kỷ niệm tuổi thơ vô tư, sôi nỗi qua các trò chơi dân gian. Thiết tưởng cần phải đưa các trò chơi dân gian vào nội dung sinh hoạt tại các trường học, các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, Nhà thiếu nhi, Câu lạc bộ… Việc đầu tư không tốn nhiều chi phí. Đối với từng trò chơi chỉ cần cung cấp các vật dụng đơn giản như thi kéo co thì cần sợi dây, thi bịt mắt bắt dê thì cần chiếc khăn…

Các trò chơi càng mang tính thi thố lành mạnh thì càng thu hút nhiều người tham gia và đông đảo người xem cổ động, hưởng ứng. Qua đó nêu cao tinh thần cộng cảm, gắn bó đồng đội. Khi khôi phục lại các trò chơi dân gian ở thành phố, khu đô thị, vùng nông thôn, ven biển thì trò chơi dân gian là nhu cầu hết sức thiết thực trong tình hình kinh tế phát triển dồi dào, bên cạnh trò chơi hiện đại xuất hiện nhiều thì việc phục hồi trò chơi dân gian là rất cần thiết để sinh hoạt văn hóa cộng đồng phát triển hài hòa trong thời kỳ hội nhập, trong đó đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam lại được lan tỏa và phát triển rộng rãi đến mọi lứa tuổi.

Trong những năm gần đây, đối với các vùng ven biển miền Trung, trong các lễ hội như lễ cúng lăng ông, lễ cầu an, cầu ngư, lễ hội đình làng, văn hóa biển, ngoài phần lễ, phần hội cũng được tổ chức tốt với những trò chơi dân gian đa dạng, phong phú thu hút người dân mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi tham gia, như các trò chơi: vừa đi vừa nấu cơm, đập om, bịp mắt bắt dê, kéo co, ô ăn quan (ông làng). Đặc biệt gần đây trong Cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á – Thái Bình Dương (ABU Robocon) do Việt Nam đăng cai  tổ chức lấy chủ đề “Ném còn”.

Có thể nói trong bối cảnh những nét văn hóa đang dần mai một khi xã hội ngày càng phát triển, ý tưởng về chủ đề luật thi Robocon 2018 được hình thành dựa trên trò chơi dân gian quen thuộc mang tên “Ném còn” thật sự có ý nghĩa…Nhìn chung, những trò chơi dân gian đã gợi lại ký ức một thời tuổi thơ sôi nỗi, hồn nhiên của người lớn tuổi, đồng thời giáo dục rèn luyện cho con cháu bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của ông cha. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích học sinh các trường học bậc tiểu học và trung học cơ sở tham gia các trò chơi dân gian trong các ngày lễ hội và các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc ngoại khóa của nhà trường. Điều đáng mừng là hiện nay trong các giờ giải lao giữa các tiết học, các em thỉnh thoảng vẫn chơi các trò chơi dân gian đơn giản như: nhảy dây. lò cò, ô ăn quan (ông làng), trốn tìm, chuyền thẻ, bắn bi…

Điều này minh chứng rằng việc khôi phục và phát triển các trò chơi dân gian là hết sức cần thiết, các trò chơi này không tốn kém về tài chính, song có ý nghĩa sâu sắc đối với xã hội. Các trò chơi dân gian đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân nước Việt, dù là cư dân miền núi, vùng đồng bằng hoặc cư dân miền biển, bởi nó không chỉ giúp cho người chơi rèn luyện thể chất, sự khéo léo và sức bền bỉ, chịu đựng mà còn góp phần giáo dục về tinh thần kỷ luật, tính tập thể, ý chí, khát vọng vươn lên giành chiến thắng.

Trong những thăng trầm suốt chiều dài lịch sử dân tộc, trò chơi dân gian là cốt cách, là truyền thống tạo nên nét đẹp sâu sắc của văn hóa. Khi đã trưởng thành, trò chơi dân gian là ký ức êm đềm gắn bó với những tháng ngày trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng. Chính những giá trị văn hóa truyền thống ấy mới tạo nên nền tảng, nguồn gốc cho sự phát triển bền vững, trường tồn.

Trước hiện trạng này thì ngành văn hóa cần phải phối hợp với các ngành chức năng có thẩm quyền chuyên môn liên quan để định hướng và xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của trò chơi dân gian, cần phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của các cấp các ngành và toàn xã hội. Đáng mừng là hiện nay trò chơi dân gian bắt đầu hiện diện trong các ngày hội văn hóa tại một số địa phương và cơ quan ban nghành, thu hút nhiều người tham dự ./.

 

Văn Thu Bích/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

Trao học bổng cho trẻ em nghèo tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh

NEU INTERNSHIP DAY 2024: TÌM KIẾM CƠ HỘI THỰC TẬP CHO CÁC BẠN SINH VIÊN

NEU INTERNSHIP DAY 2024: TÌM KIẾM CƠ HỘI THỰC TẬP CHO CÁC BẠN SINH VIÊN

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Chàng trai 2k3 thắng giải của Apple với ứng dụng về rối loạn tăng động

Chàng trai 2k3 thắng giải của Apple với ứng dụng về rối loạn tăng động