Dung dị, mộc mạc, hồn hậu nhưng không kém phần độc đáo là những gì tôi nhận thấy khi đọc ‘Tôi kể chuyện làng’. Tập tản văn hơn 300 trang của nhà giáo, nhà văn, nhà ngôn ngữ học TS Lê Hữu Tỉnh thực sự đã để lại những dư vị rất riêng về hồn làng, hồn nước của người Việt.
Dư vị từ vẻ đẹp của làng quê
Ngôi làng mà tác giả nói tới là làng Hạ Mỗ – một làng Việt cổ như nhiều làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ khác. Có lẽ chính điều này đã khiến cho người Việt nào đọc “Tôi kể chuyện làng” cũng thấy bóng hình làng xóm, quê hương mình ở trong đó.
Quê hương tuổi thơ trong hoài niệm của Lê Hữu Tỉnh là những vẻ đẹp thân thuộc của lũy tre làng, của cây cầu đầu làng, giếng nước, dãy ao, bể chứa nước mưa, con mương… Đây là những vẻ đẹp mang hồn sắc của làng quê Việt thế mà người đọc vẫn thấy những nét riêng khó trộn lẫn.
“Ngõ tre xanh ngút ngát lối đi ra giếng được gọi là “chổ”… Rặng tre ở hướng đông nam, hướng đón gió, nên lúc nào cũng tràn ngập gió, các cụ gọi là “quạt giời” [tr12] “Cầu đầu làng là một ngôi nhà nhỏ ba gian lợp ngói; quá giang, xà ngang, rui mè đều bằng gỗ tốt; rộng chừng hai nhăm mét vuông; chỉ xây tường gạch ở hai đầu hồi; trước hiên là mấy cây cột; gian giữa có bục cao lát gạch có thể trải chiếu nằm kềnh cang đón gió” [tr19].
Cảnh quê đã vậy, người quê và những nếp sống văn hóa của họ cũng theo dòng kí ức được hồi nhớ vô cùng sinh động. Nghe đài ở nhà bác Nhiếp, theo mẹ đi cất vó tôm, hái trộm bưởi nhà cụ Dư, bắt cá trên ruộng nước, sinh hoạt đội Thiếu niên Tiền Phong… những mẩu chuyện nho nhỏ gắn với tuổi thơ của tác giả đã khiến người đọc thêm hiểu, thêm yêu những nét văn hóa của làng Hạ Mỗ trong con mắt của cậu bé Lê Hữu Tỉnh.
Tuổi thơ của con trẻ không thể không nhắc đến bóng hình của cha mẹ – những người đầu tiên nâng giấc cho con trẻ bước vào đời. Có lẽ vì thế, những dòng Lê Hữu Tỉnh viết về mẹ, về cha luôn là những dòng chữ chất chứa nghĩa tình sâu nặng.
Người mẹ tảo tần cần cù, chịu khó “âm thầm làm lụng, chắt chiu, cả đời lặng lẽ hi sinh vì con cái” [tr110] rồi bóng dáng người cha tuy chỉ còn nhớ được một vài nét nhưng không lúc nào tác giả không thôi nhớ thương.
Hình ảnh của mẹ gắn liền với những ngày đi cất vó tôm, gắn liền với hơi ấm của tấm đệm rơm mềm mại, ấm áp, gắn liền với nghề nuôi tằm bận bịu, khó nhọc, nghề làm “ren” nổi tiếng của làng Hạ Mỗ; rồi bán đàn vịt ở chợ Bưởi… bố thì có cái thú nuôi chim câu để tham dự hội thi…
Những con người sinh thành đã vất vả nắng mưa để rèn đúc một Lê Hữu Tỉnh của ngày hôm nay. “Công việc viết lách công việc làm sách mà tác giả gắn bó quá nửa cuộc đời” [tr110] như tác giả chia sẻ là cũng chịu ảnh hưởng từ sự cẩn thận, cẩn trọng của mẹ của cha.
Đọc “Tôi kể chuyện làng”, chắc khó ai có thể cưỡng nổi sự thu hút của những nếp văn hóa ở làng Việt cổ Hạ Mỗ của tác giả. Đó là văn hóa về nhà cửa: Nhà gianh mái lợp rạ, nhà giang đi với vách đất.
Đó cũng là văn hóa về ẩm thực thôn quê “nhà em có vại cà đầy”, “bánh gio làng Hạ”, món cháo se “món cháo ăn bằng đũa”, béo bùi đậu phụ, bánh “nổ nén”, món bánh gai “không phải ăn lấy no, mà ăn cho vui miệng, cho đỡ thèm”…
Rồi văn hóa của đời sống người dân làng Hạ Mỗ như bện chổi rơm, thổi cơm thi trên thuyền, thi thả chim bồ câu, tục “ăn xóm”, “cúng xóm”, họp chợ quê… Tất cả những nét xưa của làng xóm người Việt cứ ngỡ như đã “lùi vào cổ tích” một lần nữa đã được Lê Hữu Tỉnh thể hiện bằng cái tình của một người con nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy.
Càng đọc “Tôi kể chuyện làng” người đọc càng thấy cái hồn làng, hồn Việt đang phảng phất đâu đây. Nó khiến chúng ta như được sống lại với tuổi thơ một thuở, được ngẫm nghĩ về những thay đổi trên con đường hiện đại hóa của đất nước, của con người. Nói như nhà văn Nguyễn Trí Huân là cuốn sách đã “đánh thức hồn quê, hồn làng” – những vẻ đẹp xưa cũ đang bị “phiêu bạt” trong xã hội ngày nay.
Dư vị của ngôn từ
Vẻ đẹp của làng quê cứ vấn vít người đọc bằng những con chữ của xúc cảm chan chứa. Chữ mộc mạc, chẳng màu mè, trang điểm, ấy thế mà người đọc lại cứ bị thu hút. Tác giả có tài miêu tả sự vật, miêu tả cụ thể, kĩ càng lắm mà đầy ý vị, thân thương.
Miêu tả về chổi rơm, tác giả viết “chổi rơm được đan bện, xe kết từ những sợi rơm vàng. Sợi rơm ấy được rút nhẹ ra từ những thân lúa – lúa nếp cái hoa vàng. Sợi rơm nếp cứng cáp, dẻo dai, vàng ươm, óng mượt, nồng nàn hương lúa” [tr136].
Miêu tả về hương vị của rượu ngon làng Hạ, tác giả dường như cũng đang say cùng thứ đồ uống mà từ xưa được gọi là “cao gạo” “Rót thứ rượu trong vắt, tinh khiết, sánh đặc… ra từng chén nhỏ. Hương rượu càng tỏa ra nồng nàn ngào ngạt.
Khứu giác đánh thức vị giác, vị giác đánh thức cảm hứng dạt dào được thưởng thức những gì gọi là tinh hoa, tinh túy của lúa gạo cỏ nội hương đồng” [tr 197].
Miêu tả về món đậu phụ thành phẩm mà tác giả chỉ coi là “một thôn nữ áo nâu chân đất mộc mạc làng quê”, tác giả cũng viết với niềm say mê của mình “Bìa đậu thành phẩm, có màu trắng ngà, mềm mịn, thoảng thơm mùi đậu nành, ăn béo ngậy, tạo cảm giác an lành và thanh khiết” [tr 232]…
Những con chữ khéo léo, tinh tế chẳng nức hương, gọt giũa đâu, mà cứ cựa quậy sống động khiến người đọc cứ miên man không dứt về làng quê Việt, văn hóa Việt tự bao đời.
Là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, tác giả Lê Hữu Tỉnh cũng thể hiện những biệt tài của mình trong việc phân tích một cách thấu đáo về những sự vật mà ông tìm hiểu.
Nói về thứ rượu ngon làng Hạ, tác giả dùng ống kính quan sát từ xa đến gần, từ ấn tượng ban đầu khi nhâm nhi chén rượu đến những cảm giác cụ thể của sắc rượu, hương rượu, rồi cách nấu rượu vào giỗ chạp, tết nhất, lễ lạt.
Tưởng như những gì tác giả viết về cái thú văn hóa này đã đủ đầy lắm rồi, đủ đầy đến mức người đọc khó có thể có những chêm xen hơn nữa. Nói về thứ bánh “nổ nén”, Lê Hữu Tỉnh cũng giúp người đọc có những hình dung khá tỉ mỉ về một món ăn đặc trưng của làng Hạ Mỗ: Từ nguyên liệu đến cách chế biến rồi thành phẩm, khâu nào tác giả cũng “say sưa” miêu tả như một nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực đích thực.
Hãy cùng đọc những dòng tác giả viết “Đổ nước mật còn nóng rẫy vào đống bỏng cốm trên nong, trộn đều, gấp gáp, để mật kịp kết dính các hạt bỏng với nhau, rồi dàn nhanh ra mặt nong. Hai ba người xúm lại, dùng vỏ chai thủy tinh lăn đi lăn lại trên bề mạt đám bỏng đang đông kết, dát mỏng đều khoảng ba phân, dùng dao sắc cắt thành từng miếng đều đặn, đẹp mắt.” [tr165, 166]. Viết kĩ như vậy đủ thấy tác giả thực sự am hiểu về những điều tác giả nói. Viết kĩ như vậy trong văn chương bây giờ kì thực quý lắm thay!
Những mẩu chuyện nho nhỏ về chuyện làng nhưng cũng ẩn chứa cái thú chơi của người làm từ ngữ. Tôi thực sự ưa thích điều này vì tôi cũng rất say mê với từ ngữ của người Việt.
Nói về lũy tre làng, tác giả giới thiệu từ địa phương của làng quê là “chổ”. Nói về bánh nổ nén, tác giả cũng lí giải tên gọi của loại bánh “hai chữ nổ nén tương ứng hai hoạt động, hai thao tác cơ bản trong quá trình chế biến. Đó là nổ (nổ thóc thành bỏng) và nén (lèn các hạt bỏng thành bánh).” [tr 168].
Rồi nói về chùa Hải Giác của làng, tác giả đã có những phân tích chữ nghĩa cụ thể: “Thời đạo Phật, người ta gọi chùa làng là “tiêu danh lam”. Thật thú vị, trong chữ “danh lam” ở đây thì “lam” có nghĩa là “ngôi chùa”; “danh” nghĩa là “đẹp”, “có tiếng”; “danh lam” là “ngôi chùa đẹp”.
Đến khoảng thế kỉ XIV, người ta dùng chữ “tự” để chỉ chùa… [tr 218]… Tên chữ của ngôi chùa làng tôi là “Hải Giác tự”. Trong chữ “Hải Giác”, “Hải” nghĩa là “biển cả”, “Giác” nghĩa là “biết”, “tỉnh ra”, “tỉnh ngộ”; “Hải Giác” có nghĩa là “sự hiểu biết, sự thức biến, sự giác ngộ rộng như biển cả” [tr 221]. …
Việc giải nghĩa từ luôn luôn được tác giả sử dụng trong những mẩu chuyện của mình “Ngoài việc cày sâu bừa kĩ, người nông dân còn phải phát bờ, cuốc góc. Phát bờ là dùng con “dao phát” cán dài, lưỡi dài, sắc lẹm để vung lên chém mạnh vào hai bên bờ ruộng cho sạch cỏ.
Cuốc góc là dùng cuốc để cuốc đất ở góc ruộng” [tr 154] “Đầu tiên là bộ ghế bành trong nhà khách. Đây là loại ghế to, lòng rộng, có lưng tựa và hai tay vịn, giống như bành voi” [tr 188]; “Mót là nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót… Nhặt nhạnh là thu nhặt, gom nhặt từng ít từng ít, một cách cần cù, nhẫn nại, năng nhặt chặt bị, kiến tha lâu đầy tổ” [tr 286]…
Rồi việc mở rộng từ ngữ trên cơ sở từ ngữ phản ánh sự vật: Nói về tre là lũy tre, rặng tre, bờ tre, khóm tre, bụi tre, đọt tre… [tr 16]; nói về rượu, người sành rượu thì phải nói đến tri kì vị, tri kì hương, tri kì ảo, tri kì linh [tr196], nói về đậu phụ làng thì sẽ nhắc đến đậu bìa, đậu miếng, đậu nước, đậu cái, đậu sữa, óc đậu… [tr 233]; nói đến ren là nói tới: Mạng đặc, mạng thưa, mạng hoa dâu, mạng tuyn; bọ, bô đê, lược; ren lụa, ren hoa nổi… nói đến thêu có các từ ngữ thêu nối đầu, thêu bó hạt, thêu đâm xôi, thêu cài răng lược, thêu bạt, thêu bỏ, thêu màu… [tr 266].
Nói như vậy là để khẳng định chính cái phẩm chất của một nhà nghiên cứu từ ngữ đã khiến cho văn chương của Lê Hữu Tỉnh nhuốm màu ngôn ngữ, văn hóa hòa trong cái xúc cảm về chuyện làng, chuyện đời.
Dư vị của cái tình làng, hồn nước
Văn chương quan trọng là hồn vía. Tôi nghĩ điều này luôn đúng. Văn có hồn thì câu chữ cũng có hồn, sự vật hiện lên cũng có hồn. Cái hồn ấy xuất phát từ đâu? Từ tâm cảm của nghệ sĩ chứ từ đâu.
Cái hay của “Tôi kể chuyện làng” ngoài dư vị của ngữ ngôn còn là dư vị của tình làng, hồn nước. Tác giả đã tâm sự “Qua việc tái hiện khung cảnh làng quê Đồng bằng Bắc Bộ vào những năm 60 của thê kỉ trước, với cảnh quê, người quê, phong tục tập quán, cách làm ăn, các thú chơi tao nhã của người dân quê, người viết mong muốn tái hiện lại phần nào không gian văn hóa của làng quê Bắc Bộ nói riêng, làng quê Việt Nam nói chung.
Từ đó, giúp độc giả có tuổi thì hồi nhớ, hoài niệm, sống lại với những vẻ đẹp thuần khiến của làng quê xưa; độc giả trẻ tuổi thì hiểu hơn về gốc tích, nguồn cội, đồng cảm hơn với các thế hệ trước. Đánh thức, khơi dậy tình yêu làng quê Việt, tình yêu quê hương xứ sở vốn tiềm ẩn trong đáy sâu tâm thức của con người” [tr 9].
Vì thế, sự vật nào, kỉ niệm nào được hoài niệm qua những câu chuyện cũng được tác giả đối sánh với cái nhìn của thực tại. Dù còn, dù mất nhưng hình ảnh về làng quê, người quê, thú quê… vẫn khó có thể phai mờ trong kí ức của tác giả. Nó đã trở thành địa chỉ tinh thần để tác giả tiếp tục hành trình sống của mình qua những niềm vui, nỗi buồn, hi vọng, để tác giả có được “một cuộc sống an lành, bình dị như ngày hôm nay” [tr 162].
“Tôi kể chuyện làng” là một món quà đầy ân tình, ân nghĩa mà tác giả Lê Hữu Tỉnh muốn tặng làng quê của mình. Món quà ấy giản dị thôi mà ăm ắp những xúc cảm được thể hiện qua những trải nghiệm, kỉ niệm của tác giả. 39 mẩu chuyện, 39 kỉ niệm kì thực rất trân quý.
Trân quý với lớp trẻ hiện đại khi được tiếp cận với mạch nguồn của cha ông. Trân quý với lớp người đã đi vào nửa cuối của cuộc đời để tiếp tục ngẫm nghĩ về những giá trị, những nét văn hóa đã bồi đắp nên văn hóa Việt. TS Lê Hữu Tỉnh xứng đáng là một nhà văn, nhà nghiên cứu “chắt chiu, gom nhặt, gìn giữ những vẻ đẹp làng quê một thuở” (Trần Đăng Khoa).
Chuyện làng chuyện nước đã xa
Chắt chiu, gom nhặt giữ gìn nét son.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/suc-hap-dan-cua-toi-ke-chuyen-lang-post599209.html