Chính quyền Triều Tiên từ thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã xây dựng được một ‘phương pháp’ huy động nhân lực ‘miễn phí’ cho các dự án lớn, ngày nay, người cháu Kim Jong Un của ông vẫn duy trì cách thức đó nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Nhà báo Hyonhee Shin của Reuters hôm 1/2 đã có bài phân tích chi tiết về vấn đề này.
Vào tháng Một năm nay, hàng ngàn sinh viên Bắc Hàn đã tới Núi Bạch Đầu (Paektu) ngọn núi được xem là linh thiêng và nơi khởi nguồn của dân tộc Triều Tiên, nó cũng là nơi những người cộng sản thời Kim Nhật Thành trú ẩn trong các cuộc chiến, và hiện tại là nơi nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang xây dựng một trung tâm kinh tế lớn tại thị trấn Samjiyon thuộc khu vực ngọn núi.
Theo Reuters, đây là một trong những dự án xây dựng lớn nhất mà Kim đã đưa ra, giữ vai trò hạt nhân trong chiến lược phát triển một “nền kinh tế tự lực” trong khi ông tìm cách thuyết phục Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế tại hội nghị thượng đỉnh thứ hai vào cuối tháng này tại Việt Nam.
Nhà báo Hyonhee Shin cho hay, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã vẽ ra một bức tranh đầy cảm hứng về những sinh viên yêu nước, dũng cảm đương đầu với thời tiết khắc nghiệt, ăn cơm đã bị đóng băng, và dũng mãnh vượt lên trên những lo lắng của những người lãnh đạo cho sức khỏe của họ để làm việc chăm chỉ hơn trên công trường lớn.
Ông Kim đã đến thăm Samjiyon ít nhất 5 lần để kiểm tra công việc trong năm qua. Lãnh đạo tối cao của Triều Tiên dự định sẽ xây dựng nên một “thiên đường” ở đây với những căn hộ, khách sạn mới, một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và các cơ sở thương mại, văn hóa và y tế vào cuối năm 2020, chỉ 4 năm sau khi Kim ra lệnh hiện đại hóa “vùng đất thiêng của cuộc cách mạng”, cây viết thường trú của Reuters tại Hàn Quốc viết.
Những người đào thoát khỏi Triều Tiên và các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, số lượng lớn các “lao động nô lệ” này ở ngoài mặt đang cố gắng bày tỏ lòng trung thành của mình với chủ tịch Kim và Đảng Lao động. Họ không được trả lương, phải ăn đồ ăn kém dinh dưỡng và bị buộc làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày trong vòng 10 năm để tìm kiếm cơ hội vào đại học hoặc được kết nạp đảng.
Nhưng khi thị trường tư nhân bùng nổ và nhiều người dân quan tâm tới tài chính hơn vị thế chính trị, chính quyền Triều Tiên đã phải vật lộn để tuyển dụng lao động trẻ trong những năm gần đây, những người đào thoát khỏi Triều Tiên cho hay.
“Không ai đến đó nếu không phải là đảng viên hoặc những người đang ngồi trên ghế nhà trường, hành động xung phong này giúp họ có được một công việc tốt hơn. Nhưng hiện nay, họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ các thị trường”, ông Cho Chung-hui, một người đào thoát và cũng là một cựu lao động nói.
“Lòng trung thành là cơ sở để xây dựng nên chế độ nhưng họ [giới lãnh đạo] mong đợi gì từ những người coi trọng tài chính [hơn vị thế chính trị]?”, ông Cho đặt câu hỏi.
Huy động ‘nhiệt huyết sục sôi’
Năm ngoái, sau khi tuyên bố chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình đã hoàn thành, ông Kim đã chuyển sự tập trung sang nền kinh tế, nói rằng một cuộc sống tốt đẹp cho người dân là ưu tiên hàng đầu.
Samjiyon là trung tâm trong kế hoạch kinh tế mới của ông, nó được mệnh danh là “mô hình của thành phố miền núi hiện đại làm thế giới phải ghen tị”, bên cạnh một dự án đang được triển khai để tạo ra một điểm nóng du lịch ở thành phố ven biển Wonsan.
Các đơn vị lao động, thường gọi là dolgyeokdae hoặc đoàn thanh niên, được hình thành từ ý tưởng của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành nhằm tìm kiếm lực lượng lao động cho các dự án xây dựng đường sắt, đường bộ, mạng lưới điện và các dự án cơ sở hạ tầng khác sau khi bán đảo Triều Tiên thoát khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản (1910-45).
Open North Korea, một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Seoul, ước tính vào năm 2016, tổng số người của các đoàn thanh niên là 400.000 người. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc về nhân quyền Triều Tiên năm 2014 ước lượng có khoảng 20.000 đến 100.000 người thuộc các đoàn thanh niên trên mỗi tỉnh, thành phố ở Triều Tiên, tùy thuộc vào quy mô của tỉnh hay thành phố đó.
“Làm thế nào để Kim tập hợp nhân lực và tài nguyên cho rất nhiều chương trình xây dựng lớn bất chấp lệnh trừng phạt? Đơn giản là, bất cứ cái gì bạn cần, hãy lấy nó từ dân”, Kwon Eun-kyoung, người đã phỏng vấn hơn 40 cựu đoàn viên, cho biết.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền trong tháng qua kêu gọi thanh niên cống hiến ‘nhiệt huyết sôi sục’ của họ để cải tạo Samjiyon, trong khi đó ông Kim tuyên dương những người đã ủng hộ tài chính, nhu yếu phẩm và vật liệu xây dựng cho các đoàn thanh niên.
Các bài báo và hình ảnh của các cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy các nhà máy, gia đình và cá nhân đóng gói áo khoác mùa đông, dụng cụ, giày dép, chăn và bánh quy thành các hộp để gửi tới Samjiyon.
Nhà nước chỉ cung cấp một lượng vật liệu hạn chế bao gồm xi măng và sắt, còn sỏi và cát sẽ là phần việc của các đoàn thanh niên, họ lấy chúng về từ các dòng sông, ông Cho và Kwon nói.
Một bộ phim tài liệu dài 60 phút trên truyền hình nhà nước, đã phát sóng 10 lần kể từ tháng 12/2018, cho thấy các nam thanh niên vận chuyển đá trong tuyết dày và làm công việc xây dựng trên một giàn giáo cao mà không có bất kỳ thiết bị an toàn rõ ràng nào.
Tháng trước, tờ Rodong Sinmun (Lao động tân văn), cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, đưa tin, hàng ngàn sinh viên đại học đã tạo ra những đống sỏi cao 100 mét chỉ bằng dụng cụ cầm tay trong ngày đầu tiên làm việc.
“Thời tiết lạnh quá, cơm giống như những viên đá, nhưng chúng tôi không muốn lãng phí một giây quý giá để làm nóng nó. Tôi nghĩ đến những liệt sĩ cách mạng chống Nhật của chúng ta đã phải nhai cơm đông lạnh trong khi chiến đấu”, bài báo của Rodong Sinmun trích dẫn nhật ký của một sinh viên.
Truyền thông nhà nước thường phóng đại những lời cam kết về lòng trung thành của công dân đối với các nhà lãnh đạo như là một phần của nỗ lực xây dựng một giáo phái riêng xung quanh họ, nhà báo Hyonhee Shin bình luận.
Nhưng Cho, một người đào thoát, nói rằng các bài báo của nhà nước Triều Tiên đã “phản ánh sai thực tế”, hầu hết các công nhân thậm chí không nhận được mũ bảo hiểm và điều kiện lao động rất khó khăn khiến nhiều người bỏ chạy.
Quyền được sống cao hơn việc trung thành
Các công nhân chưa được đào tạo, cùng với quân đội, là lực lượng lao động chủ yếu thực hiện các dự án xây dựng mà lãnh đạo Kim muốn hoàn thành.
Nhưng nguy cơ phản kháng của người dân đối với việc huy động sức lao động và tài nguyên miễn phí có thể gây ra rắc rối cho tham vọng biến đổi Samjiyon của Kim, những người đào thoát và quan sát viên đánh giá.
Ông Cho kể lại các cán bộ hứa cho ông kết nạp đảng và được tuyển thẳng đại học nếu ông phục vụ ba năm cho đoàn thanh niên. Ông nói rằng họ đã kéo dài cam kết đó lên tới tám năm trước khi ông được đề nghị nhận ‘phần thưởng’ vào năm 1987 cho những nỗ lực lao động của mình.
Không phải tất cả các lời hứa đều được thực hiện. Anh Lee Oui-ryok, 29 tuổi, nói rằng anh đã phục vụ trong đoàn thanh niên trong ba năm, bắt đầu từ năm anh mới 17 tuổi, anh đã trốn sang miền Nam vào năm 2010 sau khi nhận ra rằng anh sẽ không bao giờ được kết nạp đảng do lý lịch của mình.
Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm nhân quyền luôn tồn tại trong các đoàn thanh niên khiến nhiều người phải trốn chạy hoặc tự làm mình bị thương để né tránh lao động, ông Cho, người đào thoát vào miền Nam năm 2011 và hiện là một doanh nhân ở Seoul, cho biết.
Hiện nay, những người có tiền đã khéo léo từ chối tham gia đoàn thanh niên bằng cách ủng hộ hiện vật cho đoàn thanh niên, trả tiền cho người khác thay mình tham gia nghĩa vụ hoặc mua chuộc các thủ lĩnh đoàn thanh niên để họ nhắm mắt làm ngơ, Cho và Kwon, nói.
Hầu hết các thành viên mới thuộc các đoàn thanh niên đều thuộc các gia đình nghèo nhất, bất mãn với chính quyền, Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới, cho biết.
“Họ sẽ đưa ra những tuyên truyền về các dự án này và sự yêu thương của Kim Jong Un thúc đẩy mọi người làm việc, nhưng thực tế là những hình phạt đang chờ đợi những người từ chối”, ông Robertson nói.
“Hiện tại, những người nghèo nhất trong khu vực, những người có ít quan hệ và không có khả năng trả tiền hối lộ, là những người bị [nhà cầm quyền] nhắm đến”.
Khi được yêu cầu bình luận về vấn đề này, phái đoàn Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York đã im lặng không trả lời, theo Reuters.
Vào cuối năm 2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã mô tả việc huy động hàng loạt lao động cưỡng bức là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền của Triều Tiên, đồng thời đưa vào danh sách đen nhân quyền 7 cá nhân và 3 thực thể, bao gồm 2 cơ quan xây dựng của Bắc Hàn.
Sự phát triển của thị trường và sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với lao động cưỡng bức đã làm giảm chất lượng lao động tại hầu hết các đoàn thanh niên trên toàn quốc, những người đào thoát nói.
Kang Mi-jin, một người đào cho biết một số hạng mục xây dựng tại Samjiyon đã bị tạm dừng vào tháng trước do vấn đề an toàn lao động.
“Không thể tin rằng [chính quyền] Triều Tiên có thể hoàn thành một dự án lớn như vậy mà không có các đoàn thanh niên này, họ không có cách nào để huy động đủ lực lượng lao động cần thiết, đó là lý do tại sao họ cố gắng kêu gọi lao động thông qua truyền thông nhà nước”, ông Cho nói.
“Tuy nhiên, họ sẽ chỉ tiếp tục thấy nhiều người bỏ chạy và nhiều vết nứt trong các tòa nhà. Đó là thực tế”, ông Cho kết luận.
Theo ĐKN