Sự sợ hãi

8:43 | 27/11/2018

Nhiều bài bình luận chĩa mũi dùi vào vấn nạn bạo lực. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó không phải là gốc của vấn đề. Bạo lực, từ khía cạnh tâm lý, nhìn chung, đều xuất phát từ sợ hãi. Sự sợ hãi sẽ luôn là động cơ của mọi xã hội con người. Nó là xăng dầu. Mỗi người chúng ta thử tự hỏi mình xem, nó đang cung cấp năng lượng cho chúng ta đi về đâu, ánh sáng hay bóng tối?


Một cô giáo ở Quảng Bình đã trừng phạt học sinh bằng cách ra lệnh cho cả lớp mỗi người tát bạn 10 cái, ai tát nhẹ sẽ bị bạn tát lại. Sự đau đớn thật không thể nào tả nổi, nhất là khi nhà trường và chính quyền xin gia đình không làm to chuyện vì ảnh hưởng đến thành tích.

Con người có sáu cảm xúc cơ bản: sợ hãi, giận dữ, kinh tởm, buồn, ngạc nhiên, và hạnh phúc. Sợ hãi là cảm xúc quan trọng nhất, nhạy cảm nhất, mạnh mẽ nhất. Nó như chiếc đầu tàu kéo theo những hệ quả của tức giận, ghê tởm, hay buồn đau.

Nghiên cứu về tội phạm học cho thấy những kẻ sát nhân hầu như đều ra tay vì một sự sợ hãi vô thức sâu xa mà chính họ cũng không hề biết. Đó có thể là nỗi sợ bị chối từ, bị khinh rẻ, bị coi là vô dụng, bị chà đạp. Đó có thể là lời đáp trả cho một tuổi thơ bất công, bị bố mẹ đánh đập, bị bạn bè ức hiếp. Sự buồn đau, kinh tởm và giận giữ là hệ quả của nỗi sợ hãi đó. Khi hội tụ thêm các yếu tố xã hội khác, bạo lực là cách để họ trừng phạt một cuộc sống không có lẽ phải.

Tương tự, bạo lực từ cha mẹ xuất phát từ nỗi sợ con coi thường mình và nỗi bất lực vì mình bảo mà nó không nghe. Bạo lực từ cảnh sát và chính quyền xuất phát từ nỗi sợ bị tiếm ngôi quyền lực. Bạo lực từ dân chúng xuất phát từ nỗi sợ mất lợi tức, nhân quyền và sinh nhai.

Trong lời trần tình, cô giáo sợ lớp mình bị xếp hạng cuối. Nhà trường sợ mất thi đua. Chính quyền địa phương sợ bêu tiếng xấu. Và những đứa trẻ phải tát bạn, chúng làm điều đó cũng vì sợ hãi: sợ bị lạc loài, sợ bị coi là cá biệt, nỗi khát khao được trở thành một con cừu ngoan ngoãn. Và trên nhất, là sợ cô giáo.

Trong tâm lý học có một thí nghiệm rất nổi tiếng của Milgram. Sau Thế chiến thứ hai, một câu hỏi đặt ra là liệu có phải người Đức bạo lực hơn so với phần còn lại của thế giới? Trong thí nghiệm của Milgram, một nhóm người được phép bấm nút sốc điện để trừng phạt học sinh của mình nếu trả lời sai. Các nút bấm cao nhất ở mức 30 có thể gây chết người. Phía bên kia bức tường, học sinh là những diễn viên được thuê để gào khóc van xin kẻ tra tấn mình dừng tay. Tuy nhiên, mỗi khi những người tham gia dừng tay, một người trong vai trò giáo viên đứng bên cạnh sẽ nhắc rằng: “Không, tôi yêu cầu anh tiếp tục”. Trong vụ việc ở Quảng Bình, khi một số học sinh hỏi cô giáo: “Cô ơi, còn đánh nữa không?”. Cô cũng có câu trả lời tương tự, yêu cầu các em tiếp tục tra tấn bạn.

Kết quả của Milgram làm cả thế giới bàng hoàng. 65% người tham gia, khi được giáo viên yêu cầu, đều tra tấn một kẻ không quen biết, chỉ vì trả lời sai, cho đến khi họ đớn đau gần chết. Người Đức hoá ra không bạo lực hơn kẻ khác. Họ đơn giản là sợ hãi. Sự sợ hãi đó tạo ra cả một xã hội, một thế hệ tàn ác. Họ cũng giống phần còn lại của nhân loại, một giống loài có khả năng ra tay sát nhân khi được người có uy quyền ra lệnh. Người có quyền lực đó là người lớn tuổi hơn, cha mẹ, chuyên gia, giáo viên, thầy tu, nhà cầm quyền, lãnh đạo nhóm và đảng phái, quân đội, và cảnh sát.

Vậy nếu bản chất con người là có xu hướng nghe theo uy quyền, hoá ra các em học sinh tàn nhẫn với bạn kia chỉ là việc bình thường thôi sao?

Như mọi vấn đề khác của xã hội, điều quan trọng không phải là có hay không, mà là mức độ. Về cơ bản, chúng ta đều là những sinh vật có thể bị u mê trước uy quyền, nhưng mức độ ấy ở những xã hội phát triển sẽ ít hơn. Trong thí nghiệm của Milgram và các thí nghiệm tương tự, luôn luôn có những giáo viên từ chối đưa ra yêu cầu tiếp tục tra tấn, luôn luôn có những người tham gia từ chối tiếp tục nhấn nút tra tấn. Đặc biệt, khi họ phải cầm tay nạn nhân đặt vào đĩa điện tra tấn thì tỷ lệ vâng lời giáo viên một cách mù quáng chỉ còn 10%. Tức là, đáng lẽ ra, khi tự tay tát bạn, sẽ chỉ nên có 10% đám học sinh nỡ ra tay. Trong thực tế của vụ ở Quảng Bình, một trăm phần trăm đánh bạn đến mức nhập viện.

Có thể tưởng tượng một thí nghiệm ở nhiều trường học trên toàn thế giới, thử đoán xem có bao nhiêu trường học sinh vì sợ giáo viên mà 100% tra tấn nhục hình bạn mình đến như vậy? Liệu chúng ta có thể nhìn vào đó và tìm ra mức độ của sự sợ hãi, quyền lực của sự sợ hãi trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người trưởng thành?

Chân dung 3 đối tượng hành hung nữ tiếp viên hàng không ở sân bay Thanh Hóa

Liệu chúng ta có thể nhìn vào đó và nhận ra nỗi khiếp đảm của chính mình trước những đòi hỏi của cha mẹ, trước lời chê bai từ giáo viên dành cho con cái, trước quyền uy của sếp ở công ty, trước lời phán của thầy bói lẫn thầy tu, trước sự ngang nhiên của những tỷ phú bắt tay với công quyền để vi phạm pháp luật, trước sự lạm quyền và bạo lực của lực lượng hành pháp, trước sự xấu xa của một số kẻ trong bộ máy công quyền?

Liệu chúng ta có thể nhìn vào đó và nhận ra nỗi khiếp đảm của chính mình khi chọn im lặng trước oan khuất của người khác, khi ném đá theo mưa để khỏi bị lạc đàn, khi thấy mình bị kẻ có uy quyền đối xử bất công nhưng chặc lưỡi cho là ai cũng nạn nhân, khi thấy người xung quanh gù lưng thì mình cũng tự khom lưng để biến bản thân thành dị tật; khi không phân biệt nổi giữa uy quyền và cường quyền?

Bạo lực không phải là vấn đề đau đớn nhất ở đây. Đó phải là sự sợ hãi. Cách giải quyết không phải là thủ tiêu sự sợ hãi, mà là xác định lại đối tượng của nó. Sợ hãi uy quyền một cách u mê có thể khiến ta thoái hoá và tàn nhẫn với bản thân và đồng loại. Nhưng sự sợ hãi vì đi ngược lại lẽ phải sẽ khiến ta cất lên tiếng nói phản kháng, góp phần làm cuộc sống của chính mình và xã hội tốt đẹp hơn.

Theo Nguyễn Phương Mai

Video hay

Cùng chuyên mục

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

Vụ nữ Chủ tịch UBND huyện bị lừa đảo: Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc

“Troussier Out!”

“Troussier Out!”

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

Quảng Bình: Gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

GIÁO SƯ VIỆN SĨ HỒ SỸ VỊNH, NHÀ VĂN HÓA HỌC TÂM HUYẾT, SÁNG TẠO

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

HÀ TĨNH: Việc “phát hiện” và di chuyển 41 sắc phong ra khỏi Chùa Am đã “hé lộ” nhiều vấn đề bất cập

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm Thục Phán An Dương Vương

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm Thục Phán An Dương Vương

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

Chuyện về phát hiện 41 sắc phong ở Hà Tĩnh

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương

Giới trẻ háo hức check-in tại Ligi Sa Đéc nhân ngày khai trương