Vài tháng nay câu chuyện học Ngữ văn để làm gì đã làm sôi động cộng đồng mạng và cơ quan truyền thông. Một tờ báo đưa tin một cô bé viết rằng học Văn chả để làm gì ngoài việc viết một cái đơn xin việc cho suôn sẻ. Không ít người đã tung hô chuyện này và chứng minh rằng chuyện học Ngữ văn ở phổ thông cũng na ná như học các môn phụ. Rồi lại một ông NCS ở nước ngoài về Giáo dục học cũng khuyên các nhà làm sách nên đưa “Chí Phèo”của Nam Cao ra khỏi chương trình PTTH. Có khá nhiều người đồng tình, trong đó có cả những người làm chuyên môn trong trường đại học.
Mấy năm trước là môn Lịch sử. Và bây giờ là môn Ngữ văn. Đó là những môn học nền tảng ở mọi bậc học của bất kỳ quốc gia nào vì nó gắn với truyền thống đất nước, nó giúp cho con người hiểu được mình là ai, đến với cuộc đời này để làm gì và biết yêu cái thiện, ghét cái ác, biết xấu hổ khi không giữ được liêm sỉ, biết phải làm gì để được coi là một người tử tế…Tất nhiên không phải chỉ có hai môn này nhưng trong đội quân góp phần xây dựng con người thành một nhân cách văn hoá thì hai môn học ấy là chủ lực. Thế mà hai môn này đang theo nhau rơi vào cảnh khốn cùng.
Nguyên nhân bởi đâu?
Tôi không đủ sức giải đáp câu hỏi quá khó này nhưng thấy mình cũng có trách nhiệm vì cả đời làm công ăn lương đã làm nghề dạy môn Ngữ văn và chắc là có góp phần làm cho môn này mất giá. Nhưng, liệu mọi lý do có nên quy cả cho nhà trường, cho những người làm nghề? Chúng tôi có lỗi, hiển nhiên, nhưng nếu không chỉ có chúng tôi thì cũng nên xem lại nguyên do của chuyện này. Tôi nghĩ chuyện này chưa gây chết người ngay tức khắc như đói ăn, bệnh tật, tai nạn…nhưng nó di hại cho nhiều đời, nó làm tiêu tan chính khí của một đất nước. Tôi nói thế không phải cường điệu môn mình dạy mà là người trong cuộc, tôi cảm nhận nguy cơ chuyện này và thấy đau lòng.
Chúng ta liên tục đổi mới chương trình đào tạo suốt mấy chục năm nhưng dường như cứ loay hoay chuyện đổi mà không thấy mỗi lần đổi ấy đem lại những cái mới nào, những tiến bộ gì, những ích lợi gì? Làm theo cách không giống ai, đi học khắp nơi, tốn bao nhiêu tiền của, công sức nhưng kết quả thế nào, cả xã hội đã biết. Chỉ những người không hiểu biết hoặc nhắm mắt lại mới dám khẳng định những thay đổi ấy đúng hướng, tiền của, công sức bỏ ra hiệu quả, đổi mới thành công. Xã hội lo lắng, bất an vì những sai lầm của giáo dục bởi giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi người. Ngoài những môn Ngữ văn, Lịch sử ra còn nhiều ngành khác, môn khác mà bằng chứng là mấy năm nay nhiều trường đã phải đóng cửa một số ngành. Những người dạy hai môn này thấy học sinh, sinh viên chán học và học những ngành này ra khó xin việc vô cùng.
Thời kinh tế thị trường các ngành trên với các ngành văn hoá, triết học, ngôn ngữ, các ngành liên quan đến nghệ thuật truyền thống… lộ hết sự yếu thế với các ngành kinh tế, luật, du lịch, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ, bác sĩ, dược sĩ, công an, thuế vụ v. v… Nhưng, chẳng lẽ những ngành học và những nghề không làm ra nhiều tiền, không thấy “tiền tươi thóc thật” thì bỏ mặc cho nó trôi nổi hoặc cũng bắt nó phải hạch toán lỗ lãi theo cơ chế thị trường? Nó ít tác dụng trong cơ chế thị trường nhưng nó góp phần giữ hồn cốt cho một dân tộc, một đất nước vì mất văn hoá, sẽ mất tất cả. Đây không phải là nói quá lên mà là điều có thực, ai cũng nói, thậm chí nói hay nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi thảm trạng này thì ít người quan tâm thực sự.
Là một người đứng lớp tôi xin kể chuyện đau lòng này: năm ngoái tôi dạy cho một lớp Sư phạm Ngữ văn. Lớp có 80 sinh viên. Tôi thấy tư duy văn chương của các em yếu quá mới hỏi có bao nhiêu em thi vào ngành này? Có 15 em giơ tay. Số còn lại thi vào Tin học, Kinh tế, Du lịch, Quốc tế học, Báo chí v.v… Họ trượt các ngành muốn học nhưng đủ điểm vào Sư phạm Văn. Đỗ rồi, chả lẽ không học? Họ đỗ là do điểm Toán, Ngoại ngữ cao nên không thích học Văn và cũng không có khả năng học môn này. Biết chuyện, chỉ còn thở dài cho ngành mình đã theo đuổi một đời. Như người đi lạc. Như người vỡ mộng.
Dù ai nói rằng văn chương hết thời rồi nhưng tôi không tin thế. Những gì làm cho con người trở thành tử tế không bao giờ cũ. Nó chỉ nhất thời mất giá khi cái vô sỉ tạm thời thắng thế liêm sỉ, sự độc ác, dối trá đang tạm thời thắng cuộc nhưng tôi tin có ngày gió sẽ đổi chiều bởi con người nếu không cảnh giác và bừng tỉnh sẽ sớm phải trả giá cho những sai lầm nhất thời. Tôi cũng hiểu rằng cần đổi cả chương trình và cách dạy nhưng xin có một kiến nghị đừng biến văn chương thành cái gì không phải là nó. Văn chương mãi mãi vẫn là văn chương và không bao giờ là vô bổ với con người. Dù có ít người học Văn nhưng không vì thế mà biến nó thành một môn na ná văn chương, đừng đuổi văn chương đích thực ra khỏi chương trình với lý do nó lạc thời. Đến đây tôi lại nhớ chuyện của Sekhop. Nhà văn Sekhop chỉ toàn viết về những cái vụn vặt, đời thường, nhàm chán nhưng lại làm cho người ta sau khi đọc tác phẩm của ông đều khao khát vươn tới những điều tốt đẹp. Ông cười buồn khi có người hỏi lý do, ông bảo: ” Các ngài hãy nhìn lại mình đi. Các ngài sống chán lắm, tầm thường lắm, các ngài ạ”.
Liệu môn này, có “cùng tắc biến, biến tắc thông” không?
Theo Phạm Quang Long/VHVN