Đến với Sơn La là đến với vùng cao nguyên trải dài vô tận, đến với những cánh đồng xanh bạt ngàn, và màu trắng muốt trời của hoa ban. Những lễ hội rộn ràng, những chén rượu ngô nồng ấm, những món ẩm thực của vùng núi rừng Tây Bắc đã làm nên một Sơn La đầy thơ mộng…
Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam với nhiều địa danh nổi tiếng nên thơ giữa phong cảnh núi non ngút ngàn. Những điểm đến đẹp mê mẩn như thác Yến, thác Chiềng Khoa, cùng những nét văn hóa đặc sắc như hang bia Quế Lâm Ngự Chế, hòa cùng hương chè Tà Xùa của xứ sở mây trắng, đã làm nên những nét đẹp rất riêng của một vùng Tây Bắc.
Sơn La cũng lưu giữ hơn 100 di tích lịch sử văn hóa và di chỉ khảo cổ. Bảo tàng Sơn La còn cất giữ những nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc và hàng trăm di vật từ thời kỳ tiền sử. Trong đó có gần 1.000 bản sách được ghi chép bằng chữ Thái cổ ở nhiều thể loại như: sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian… và nhiều vật dụng cầm tay bằng đá, sắt, hay trống đồng có niên đại nhiều nghìn năm.
Nhắc đến Sơn La, người ta cũng không thể không nhắc đến cao nguyên Mộc Châu, nhắc đến những lễ hội rộn ràng đa sắc màu của các dân tộc Tây Bắc, nhắc đến xứ sở hoa ban trắng và những câu chuyện tình yêu cảm động lòng người…
Cao nguyên mê mẩn lòng người
Cao nguyên Mộc Châu như một người thiếu nữ Tây Bắc dịu dàng, đẹp hiền hòa với những đồi chè xanh mướt trải dài và những bông hoa mận, hoa ban nở trắng rừng.
Tại Mộc Châu vào những ngày cuối đông đầu xuân, những bông hoa mận, hoa đào bắt đầu nở. Mận trồng thành những cánh đồng, có khi là phủ kín cả một bản làng, thung lũng.
Mùa xuân qua nhường chỗ cho những ngày hè. Khi đó, Mộc Châu sẽ là một điểm đến tuyệt vời để rời xa phố xá ồn ào, để tận hưởng không khí trong lành trên một thảo nguyên xanh bao la, để ngắm hoàng hôn về.
Đến tháng 10 – 12, những bông dã quỳ, hoa cải bắt đầu nở. Bông cải bạt ngàn phủ trắng đồi, như dải lụa điểm xuyết trên trang phục của cô gái vùng cao.
Đến với Mộc Châu một lần, dù mùa hạ hay mùa đông, dù ngày nắng trải vàng trên rừng mơ hay ngày lạnh sương mù trắng núi, người ta đều không thể quên được vẻ đẹp của vùng đất cao nguyên này.
Chuyện tình hoa ban
Truyền thuyết của người Thái kể rằng thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Nhưng cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng.
Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để cầu cứu. Nhưng khi đến nhà Khum thì nàng được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Ban bèn lấy chiếc khăn piêu của mình buộc vào nơi cầu thang rồi đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc. Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Chàng Khum khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Đi hết mường này bản khác, cuối cùng, chàng cũng kiệt sức ngã xuống. Khum hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang da diết như tiếng gọi người xưa năm nào.
Mỗi khi hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái Sơn La lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như Ban và Khum.
Rộn ràng những lễ hội Tây Bắc
Lễ hội Xên Mường: Còn gọi Lễ hội Hoa Ban, lễ hội này diễn ra tại bản Mé, xã Chiềng Cơi, thành phố Sơn La vào ngày 31/12. Trước đây bà con cứ 2 năm tổ chức 1 lần vào dịp năm hết, Tết đến, thu hoạch xong mùa màng, với mong muốn cầu cho vạn vật bảo vệ con người, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Tại lễ hội này có các trò chơi dân gian như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, tó má lẹ. Bên cạnh đó, người ta còn múa xoè bên đống lửa, tổ chức dân ca, thăm hỏi chúc tụng nhau. Kết thúc đêm hội, mọi người được hòa chung vòng múa, uống rượu cần trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng.
Lễ hội đua thuyền Quỳnh Nhai: Cộng đồng dân cư ở Quỳnh Nhai chủ yếu là người Thái, sinh sống bằng nghề chính là trồng lúa nước, khai thác lâm sản và đánh bắt cá. Bởi vậy từ bao đời nay, bà con rất gắn bó với sông nước. Và chèo thuyền trở thành công việc thường ngày, thành thói quen và nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt. Theo quan niệm của bà con, những ai giỏi chèo thuyền là người có khả năng chinh phục sông nước và thuận lợi hơn trong làm ăn, sinh sống. Từ đó, trong bản làng đã hình thành những cuộc đua thuyền quy mô nhỏ và dần dần trở thành những lễ hội văn hoá truyền thống của vùng đất này.
Lễ hội đua thuyền Quỳnh Nhai là một hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng hết sức độc đáo, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên trong cuộc sống.
Lễ hội Mah Grợ của dân tộc Khơ Mú: Dân tộc Khơ Mú thuộc nhóm dân tộc thiểu số ở Sơn La, cư trú chủ yếu ở các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã. Người Khơ Mú xưa rất nghèo, chủ yếu làm nghề nông trồng lúa cạn. Lễ hội Mah grợ cùng với điệu múa Vêlr guông là một sản phẩm văn hóa tinh thần, tâm linh có nguồn gốc từ xa xưa của dân tộc Khơ Mú.
Bước sang tháng Tám, tháng Chín âm lịch, cây lúa đã trổ bông. Bà con chủ nương trong vai “Mẹ lúa” lên nương cắt những bông xanh làm cốm, bông vàng đem về luộc chín, phơi khô rồi mới giã, làm gạo luộc thóc non, cốm và gạo non để làm lễ dâng cơm, lúa non cho tổ tiên. Mah grợ là một lễ hội vui của bản. Tên gọi tuy mộc mạc, cổ xưa, ít dân tộc nào còn giữ được, nhưng đúng với bản chất của tộc người sống bằng nghề nương rẫy lâu đời.
Lễ hội Lộc Hoa của người Xinh Mun: Trên dải đất biên giới Việt – Lào ở Sơn La, ngoài các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú sinh sống còn có khoảng ba bốn vạn bà con Xinh Mun định cư lâu đời. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân sang, sau dịp tết Nguyên Đán, khi hoa đào đã vãn, hoa ban đã nở trắng sườn non, măng đắng đã mọc ngoài rừng, thì bà con Xinh Mun lại tưng bừng tổ chức lễ hội Ksai Sa Típ, hay lễ hội Lộc Hoa để cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc, cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi.
Sơn La còn có rất nhiều lễ hội khác như: lễ cầu an, lễ hội Mợi, Lễ hội Gội đầu… Đa số là cầu phúc cho dân làng mưa thuận gió hòa và được mùa màng bội thu, để dân làng được hạnh phúc và may mắn.
Ẩm thực Sơn La
Những sản vật từ cây rừng, từ ao vườn, từ ruộng đồng tại Sơn La, qua bàn tay khéo léo của người con gái bản đảm đang, đã trở thành những món ăn ngon khó mà quên được.
Một món ăn nổi tiếng ở Sơn La là cơm lam. Món này vẫn thường có trong các dịp lễ hội của nhiều dân tộc tại Sơn La. Nhưng với người Thái, nó còn có trong từng bữa ăn thường ngày. Cũng là từ hạt nếp nương, nhưng cơm lam được nướng trên than củi trong những ống nứa. Gạo nếp ngâm ủ qua đêm được cho vào từng ống nứa non có lớp vỏ lụa mỏng, thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối khô rồi đưa lên bếp đốt cho đến khi vỏ ống tre cháy sém. Sau đó phần cật nứa được chẻ tách chỉ còn lại lớp lụa mỏng bó chặt từng cây cơm trắng nõn nà. Trên lớp vỏ lụa trắng mỏng ấy có thoáng chút mặn, chút hương của rừng và của khói làm cho miếng cơm dẻo thật sự thăng hoa.
Hay như món cháo “mắc nhung” – một thứ quả màu xanh cùng họ với cà chua nhưng chỉ bé bằng hạt đu đủ chín, mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Sau mùa gặt, quả mắc nhung gieo vãi trên nương bắt đầu chín mọng. Bà con hái đem về rửa sạch, thêm gừng xả, trộn với gạo tấm, tưới ít nước đủ chín, túm vào lá chuối buộc chặt vùi trong tro bếp nóng, hoặc đồ xôi như món “mọ gà” của đồng bào dân tộc Thái. Chỉ 30 phút sau là có một món ăn sền sệt, ngăm ngăm đắng, thơm cay là lạ đầy hấp dẫn và chấm với xôi rất hợp khẩu vị. Ngày nay, cháo “mắc nhung” đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng.
Măng cũng là một nét văn hoá ẩm thực gây ấn tượng sâu sắc tại Sơn La. Măng chua chủ yếu dùng măng vầu, bương thái nhỏ hoặc giã cho vào hũ ủ lên men, càng để lâu càng chua. Măng chua thường để xào với các loại lòng lợn, gà và xào với thịt mỡ ăn đỡ ngấy. Măng khô thì thường hay được làm bởi bà con Thái Trắng, đồng bào Mông ở Mộc Châu, Bắc Yên. Măng khô làm từ măng chua vắt kiệt nước, phơi nhiều ngày cho khô quắt lại, đem đồ, rồi lại phơi thật khô, sau đó cho vào ống hay gói lá khô để dùng dần.
Tổng hợp