Phi công Jeff Wise tuyên bố, các mảnh vỡ của máy bay MH370 đã bị làm giả nhằm che đậy việc không tặc đã cướp chiếc phi cơ chở 239 người mất tích bí ẩn năm 2014.
Các mảnh vỡ thuộc về MH370 được tìm thấy đã bị làm giả?
Jeff Wise, một phi công kiêm tác giả chuyên viết về khoa học, công nghệ và hàng không từng gây sốc khi nêu ra giả thiết rằng, MH370 mất tích ngày 8.3.2014 cùng 239 người trên khoang đã bị không tặc đưa đến Kazakhstan.
Jeff nói với tờ Daily Star Online rằng, một số mảnh vỡ được xác định là thuộc về MH370 trôi dạt vào bờ biển đã được làm giả vì tuổi đời của các sinh vật biển bám trên những mảnh vỡ này quá ít, không phù hợp với thời gian phát hiện chúng cũng như thời gian MH370 biến mất.
“Các mảnh vỡ được cho là đã chìm nổi trong nước biển khoảng 2 năm. Tuy nhiên, các sinh vật biển được phát hiện trên những mảnh vỡ này như thể chỉ mới được một tháng tuổi. Những điều này đã được ghi lại trong báo cáo cuối cùng của Malaysia liên quan đến cuộc điều tra MH370. Điều đó chứng tỏ các mảnh vỡ đã bị làm giả”, ông Jeff nhận định.
Sinh vật biển bám trên mảnh vỡ MH370 được cho là bằng chứng chứng tỏ các mảnh vỡ đã bị làm giả
Cục An toàn Giao thông Úc cũng tin rằng, các sinh vật biển được tìm thấy trên mảnh vỡ MH370 trôi dạt vào đảo Reunion và Rodrigues, Mauritius cũng như trôi nổi trên Ấn Độ Dương đều có tuổi đời ít hơn 1 tháng tuổi.
Giáo sư Sinh học biển tại Đại học Plymouth, Jason Hall-Spencer cũng bình luận rằng, ông đã cho rằng sinh vật biển sẽ sinh trưởng mạnh hơn trên các mảnh vỡ của MH370.
“Tôi đã nghĩ rằng, nếu (các mảnh vỡ) trôi nổi lâu trên biển, sẽ có nhiều sinh vật biển sinh trưởng hơn trên đó. Nhưng dường như đã có chuyện gì đó xảy ra với vật thể đó”, ông Jason tuyên bố.
Tuy nhiên, vị giáo sư cũng cho rằng, có thể năng lượng mặt trời ở Ấn Độ Dương đã giết các sinh vật biển bám trên các mảnh vỡ.
Theo Minh Nhật (Dân Việt)