Ngày 2/12, tại huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), Vườn Quốc gia Cúc Phương tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (1962 – 2022) và đón Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị thừa Uỷ quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân Chương Lao động hạnh Nhất cho vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Đây là lần thứ hai đơn vị được nhận phần thưởng cao quý này. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, các đơn vị đối tác cùng nhiều cán bộ và nhân viên của Vườn đã dự.
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng cán bộ, nhân viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương đã được nghe thư chúc mừng của Chủ tịch nước nhân dịp kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Vườn Quốc gia Cúc Phương; đồng thời, biểu dương, đánh giá cao những thành tích đáng tự hào của đơn vị qua 60 năm thành lập, phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã luôn chú trọng nhiệm vụ bảo vệ rừng bằng các giải pháp đồng bộ. Nơi đây cũng là môi trường nghiên cứu, cái nôi đào tạo cho nhiều thế hệ cán bộ khoa học, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Lâm nghiệp. Các sản phẩm khoa học và thành quả hợp tác quốc tế của Vườn Quốc gia có ý nghĩa cả về lý luận và định vị giá trị bảo tồn với quốc tế như: bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, bảo tồn các loài thú ăn thịt và tê tê, bảo tồn các loài rùa…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị thừa Uỷ quyền của Chủ tịch nước trao tặng Huân Chương Lao động hạnh Nhất cho vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn, thời gian tới, Vườn Quốc gia Cúc Phương tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng để triển khai toàn diện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng đến mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng; quan tâm, chú trọng hơn nữa việc ứng dụng các tiện ích của công nghệ và phần mềm ứng dụng trong tuần tra, bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học; làm tốt các hạng mục được nhà nước đặt hàng dịch vụ công.
Vườn Quốc gia Cúc Phương cần tích cực, chủ động mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; coi trọng nghiên cứu, cứu hộ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu; sớm có giải pháp tái thả tại Vườn một số loài quý hiếm đã thành công trong cứu hộ…
Cùng với đó, Vườn cần khẩn trương xây dựng Đề án du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp nhằm huy động đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế tạo nguồn thu ổn định, bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc để viên chức, người lao động yên tâm công tác, cống hiến.
Giám đốc vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính báo cáo về công tác quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn quản lý địa bàn rộng, hiểm trở, bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi. Xung quanh vùng đệm có tới hơn 90.000 người dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường; đời sống khó khăn, nhiều người sống phụ thuộc vào rừng. Không ngại khó, lực lượng kiểm lâm của Vườn luôn thực hiện tốt phương châm sát dân, bám rừng để quản lý ranh giới và bảo vệ rừng tận gốc. Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn chính là bảo vệ rừng, Vườn đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, cứu hộ, bảo tồn động thực vật, phát triển du lịch xanh…
Tại Lễ kỷ niệm, 6 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen 3 tập thể, cá nhân.
Đức Phương (TTXVN)
Nguồn Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/xa-hoi/sat-dan-bam-rung-phat-trien-du-lich-xanh-tai-vuon-quoc-gia-cuc-phuong-20221202140119357.htm