Khoảng 35 tranh sơn dầu và 25 tranh bột màu của danh họa Bùi Xuân Phái sắp ra mắt công chúng. Trong số này, đa số các bức tranh chưa từng được công bố.
Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bùi Xuân Phái (1/9/1920 – 24/6/1988) – dự kiến khai mạc ngày 1/9/2020, nhưng vì đại dịch Covid-19, nên phải hoãn lại cho đến nay. Triển lãm sẽ mở cửa từ ngày 24/6 đến 4/7/2022 tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1 (Tân Bình – TPHCM).
Triển lãm được mong đợi
Ngoài nhiều tác phẩm lần đầu công bố, triển lãm cũng trưng bày những ghi chép, phác thảo, kỷ vật của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Qua đây, công chúng có thể hiểu thêm tâm tư, tình cảm và cả sự chuẩn bị cho việc hình thành các tác phẩm mà danh họa ấp ủ.
Sinh thời, Bùi Xuân Phái chỉ có một triển lãm cá nhân vào năm 1984. Sau khi ông qua đời, gia đình và giới nghệ thuật làm triển lãm tranh Bùi Xuân Phái khoảng 15 lần. Trong đó, số lần gia đình làm với các nhà sưu tập như Phạm Văn Bổng, Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí… là 9 lần, đều có tên là “Triển lãm những tác phẩm chưa trưng bày”.
Và đây là lần thứ 10, với tên triển lãm được thay đổi “Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái”. Triển lãm trưng bày khoảng 35 tranh sơn dầu và 25 tranh bột màu, thuộc bộ sưu tập của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái và Trần Hậu Tuấn. Trong số này, đa số các bức tranh được công bố lần đầu tiên.
Nhân sự kiện này, 2 cuốn sách “Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi”, do Trần Hậu Tuấn viết, dày hơn 180 trang, gồm 12 tùy bút, in kèm rất nhiều tranh Bùi Xuân Phái. Cuốn thứ hai là “Bùi Xuân Phái – Con mắt của trái tim”, gồm 25 bài viết của 14 nhà nghiên cứu và phê bình, nhà sưu tập tranh, văn nghệ sĩ như: Văn Cao, Nguyễn Tuân, Thái Bá Vân, Dương Tường, Ngô Văn Tao, Nguyễn Quân, Nguyễn Thụy Kha, Phan Cẩm Thượng, Bùi Thanh Phương, Nguyễn Bá Đạm, Hoàng Anh, Feffrey Hatover, Francois Thierry.
Từ khi qua đời 1988, tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái được giới sưu tập gom góp. Tuy nhiên, sau đó và cho đến ngày nay, tranh của ông bị làm giả rất nhiều. Thậm chí, như nhận định của GS Ngô Bảo Châu mới đây viết trên Facebook: “Tranh của cụ Phái trôi nổi đa số là tranh giả không ai thẩm định được”.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cũng nhận xét rằng: “Bút pháp của Bùi Xuân Phái thường ngọt ngào, uyển chuyển, mỗi nhát cọ đều rất nhuyễn, không do dự, thấy rõ sự thích thú trìu mến khi vẽ”.
Tuy nhiên, trong bức “Phố” (được cho là giả) mà nhà Larasatti ở Indonesia mang ra đấu giá, điều dễ thấy nhất là những nét viền đều, cứng nhắc. Những mảng màu “tô” gượng gạo (vì sợ hỏng) chứ không phải là vẽ.
Vì trên diện tích rất nhỏ, Bùi Xuân Phái vẫn dùng cọ to, đặt từng nhát vào đúng chỗ, mà dân trong nghề gọi là “tút tát”, rất điệu nghệ. Sau khi đã dùng nét đen phác hình khu nhà, đường phố, khi đặt màu vào cũng bằng một cây cọ to sẽ có chỗ chồng lên nét, có chỗ không chạm nét, tạo ra sự mềm mại.
Phố Phái bất tử
Trong triển lãm “Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái”, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, công chúng đón chờ những tác phẩm chưa từng được thưởng lãm. Với sự “góp tranh” của nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, triển lãm là cơ hội để quảng bá phong phú hơn các tác phẩm của Bùi Xuân Phái.
Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân từng nhận định: “Bùi Xuân Phái đã thấm đẫm cái hồn cốt tạo hình của Hà Nội xưa. Một Hà Nội của hội họa với tất cả những thâm trầm, đạm bạc của những góc phố ngơ ngác, những mái ngói rêu phong, những mảng tường xiêu vẹo, những cột đèn trơ trọi, những khung cửa sổ không mở ra không gian mà mở vào thời gian”.
Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn cũng cho rằng: “Chúng ta vẫn còn đó một danh họa Bùi Xuân Phái của phố cổ Hà Nội, nhưng ông không độc quyền đề tài này, cũng như sẽ không độc quyền bất kỳ một mảng cảm xúc nào. Ông chỉ độc quyền tài năng của chính ông, thứ mà mọi biến cố lịch sử, mọi dòng lũ quét của thời gian cũng không hủy hoại được hay thay thế được. Vì thế, phố Phái là bất tử, cũng như nghệ thuật là bất tử”.
Đã có nhiều suy tư về phố của Phái và Phái của phố. Người ta so sánh Bùi Xuân Phái với Maurice Utrillo (1883 – 1955) và phố Phái với Paris của Montmartre hay Latin Quarter trong tranh Utrillo. Nhưng Paris cũng vậy, không chỉ có Utrillo mà còn rất nhiều tài năng khác, ngay cả Paris trong tranh Guy Dessapt sặc sỡ kiểu “bờ hồ”, cũng mang đến một đằm thắm rất riêng cho kinh đô ánh sáng.
Điều thú vị là, người ta có thể trầm trồ về một Hà Nội “rất Bùi Xuân Phái” cũng như một Paris “rất Utrillo”, chứ không phải là một Bùi Xuân Phái rất Hà Nội, hay một Utrillo rất Paris. Bởi đơn giản, con người mang lại tâm hồn cho cảnh vật và xứ sở, chứ không phải xứ sở mang lại tâm hồn cho con người.
Chính những đặc sắc “rất Phái” ấy mà tranh của ông trở thành “miếng mồi” ngon để sao chép, làm giả. Trong “bộ tứ” Nghiêm – Liên – Sáng – Phái, thì Bùi Xuân Phái được công chúng bình dân biết đến nhiều hơn, một trong những lý do là vì tranh của ông bị/được chép, nhái, in… nhiều hơn.
Bởi vậy, nhà nghiên cứu nghệ thuật Lý Đợi cho rằng, tranh chép chỉ có giá trị giải cơn khát tạm thời, chứ không phải là nguồn nước tinh khiết cho cơ thể. Tranh của Bùi Xuân Phái dù bị chép nhiều, nhưng chỉ khi người xem thấy một bức tranh do ông vẽ, mới cảm nhận được hết những tinh túy hội họa.
Theo GD&TD