Sáng 2/11: Thủ tướng đồng ý ưu tiên xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; Các trường đại học không dễ mở cửa trở lại

9:00 | 02/11/2021

Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:

– Tính từ 16h ngày 31/10 đến 16h ngày 01/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.598 ca nhiễm mới, trong đó 03 ca nhập cảnh và 5.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 91 ca so với ngày trước đó) tại 49 tỉnh, thành phố (có 2.321 ca trong cộng đồng).

– Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP HCM (927), Bình Dương (682), Đồng Nai (657), Kiên Giang (469), Bạc Liêu (382), An Giang (215), Sóc Trăng (194), Bình Thuận (167), Đắk Lắk (164), Tiền Giang (163), Tây Ninh (157), Cần Thơ (149), Bà Rịa – Vũng Tàu (109), Long An (100), Hà Giang (98), Đồng Tháp (89), Trà Vinh (72), Bình Phước (72), Phú Thọ (70), Cà Mau (68), Ninh Thuận (62), Hà Nội (57), Vĩnh Long (50), Bắc Ninh (50), Hậu Giang (47), Bến Tre (37), Thanh Hóa (34), Kon Tum (29), Lâm Đồng (25), Hà Nam (23), Thừa Thiên Huế (22), Nghệ An (22), Khánh Hòa (21), Gia Lai (18), Quảng Ngãi (14), Quảng Nam (14), Quảng Bình (13), Nam Định (10), Bình Định (9), Bắc Giang (9), Phú Yên (5), Thái Nguyên (4), Lào Cai (4), Hà Tĩnh (3), Vĩnh Phúc (3), Quảng Trị (2), Tuyên Quang (2), Thái Bình (1), Hòa Bình (1).

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới

– Cả thế giới có 247.557.800 ca nhiễm, trong đó 224.207.750 khỏi bệnh; 5.016.975 tử vong và 18.333.075 đang điều trị (73.316 ca diễn biến nặng).

– Trong ngày số ca nhiễm của thế giới tăng 73.316 ca, tử vong tăng 110.111 ca.

Thủ tướng đồng ý ưu tiên xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Ngày 1-11, Bộ GTVT đã công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng phê duyệt. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, mà quy hoạch trước đây chưa từng đề cập.

Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó ưu tiên triển khai đầu tư trước đoạn Hà Nội – Vinh, Nha Trang – TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đây là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hiện đại để cạnh tranh với hàng không.

Trước đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo đề xuất, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.559 km chạy dọc hành lang Bắc – Nam, nối Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách, còn đường sắt quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.

Theo tính toán của tư vấn, tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội – Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội – TP.HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ nên tính cạnh tranh với đường hàng không khá cao.

Bộ GTVT đề xuất dùng 9.427 tỷ đồng để mua lại 7 dự án BOT giao thông

Sau hơn 2 năm được phép thu phí hoàn vốn nhưng doanh thu mỗi ngày chỉ đạt khoảng 15% phương án tài chính, nhà đầu tư Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà liên tục cầu viện các cơ quan chức năng.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất danh mục, cơ chế đầu tư phục vụ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Bộ GTVT cho biết là nếu không hoàn trả sớm trong năm 2021- 2022, kinh phí mua lại 7 dự án BOT sẽ tiếp tục tăng lên theo thời gian do các doanh nghiệp BOT tiếp tục phải chi trả lãi vay.

Với nhóm các dự án có thể hoàn thành vào năm 2024, Bộ GTVT đề nghị bố trí 17.582 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình cho 3 dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn ODA chuyển sang sử dụng vốn trong nước và 18 dự án là điểm nghẽn trong các chuyên ngành giao thông.

Đối với nhóm các dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, Bộ GTVT đề nghị bố trí 97.236 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình gồm: 3 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh, các dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và 4 dự án đường cao tốc khác…

Nhóm các dự án phải chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2025, Bộ GTVT đề nghị bố trí 65.659 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình chủ yếu cho các dự án đường cao tốc, trong đó có 7 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Khởi tố vụ án xe đầu kéo gây tai nạn trên Xa lộ Hà Nội

Sáng 2-11, Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt, Công an TP HCM cho biết đơn vị vừa ra quyết định khởi tố hình vụ tai nạn xảy ra trên đường Xa lộ Hà Nội vào trưa ngày 17-6.

Thời điểm này, ông T.H. (SN 1993, ngụ Kiên Giang) điều khiển xe đầu kéo lưu thông trên đường Xa Lộ Hà Nội theo hướng từ Khu Công nghệ cao đến Khu du lịch Suối Tiên.

Khi đến tại cây xanh số 902 Xa Lộ Hà Nội, thuộc phường Tân Phú, TP Thủ Đức, tài xế xe đầu kéo bất ngờ chuyển làn gây va chạm vào bên phải ô tô do ông L.H (SN 1975, ngụ tại TP HCM) điều khiển lưu thông bên trái cùng chiều. Hậu quả xe đầu kéo và chiếc ô tô đều bị hư hỏng.

Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, lời khai của các bên có liên quan và các tài liệu khác CSGT xác định nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông trên là do tài xế xe đầu kéo chuyển hướng không đúng quy định gây thiệt hại cho chiếc ô tô hơn 723 triệu đồng.

Ô tô bị thiệt hại hơn 723 triệu đồng

Tổng thu ngân sách của Hà Nội đạt 92,1% dự toán Trung ương giao

Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 18,2 nghìn tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán và tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020; thu nội địa là 197,3 nghìn tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán Trung ương giao (đạt 85,2% dự toán thành phố giao) và tăng 7,7%… Một số lĩnh vực thu chủ yếu gồm: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 49 nghìn tỷ đồng, đạt 98,5% dự toán pháp lệnh và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 19,9 nghìn tỷ đồng, đạt 96,9% và tăng 17,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 50,3 nghìn tỷ đồng, đạt 100,7%, tăng 31,6%…

Cũng theo Cục Thống kê Hà Nội, chi ngân sách địa phương 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 53,6 nghìn tỷ đồng, đạt 55,2% dự toán Trung ương giao (đạt 49,4% dự toán thành phố giao) và bằng 99,4% cùng kỳ năm trước.

Các trường đại học không dễ mở cửa trở lại

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho hay, sau khi tiêm vắc xin mũi 2 cho sinh viên, trường dự kiến mở cửa cho sinh viên học trực tiếp từ giữa tháng 11.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT, các địa phương mới ban hành tiêu chí mở cửa trường, chưa có quy định khi nào đóng cửa trường, ông Tùng nói. Các địa phương đang phòng chống dịch COVID-19 theo kiểu phát hiện học sinh mắc bệnh là lập tức đóng cửa trường. Với cách ứng phó với dịch như vậy, việc mở cửa lại trường ở Hà Nội, TPHCM là khó khả thi, ông nhận định.

Sinh viên năm cuối được nhiều trường ưu tiên cho học trực tiếp từ tháng 11 Ảnh: Như Ý

Theo ông Tùng, Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành 16 tiêu chí mở cửa trường là chưa đủ, vì thiếu 1 tiêu chí quan trọng nhất là không có học sinh nào là F0. Khi có F0, trường sẽ phải đóng cửa theo chỉ đạo của chính quyền, hoặc phụ huynh lo ngại không đồng ý cho con đến trường và khi đó, không cần tuân thủ các tiêu chí từ 1 đến 16 mà Sở GD&ĐT Hà Nội đã đưa ra.

Hôm qua, ĐH Bách khoa Hà Nội thông báo, sinh viên năm cuối và năm thứ tư sẽ được bố trí lịch đến trường sau ngày 25/11, sinh viên năm thứ ba và thứ hai sau ngày 15/12. Riêng sinh viên năm thứ nhất chưa được xếp lịch tới trường.

Đầu tháng 11, Trường ĐH Bách khoa TPHCM có thông báo tới người học liên quan việc cho sinh viên đến trường học trực tiếp các học phần thực hành, thí nghiệm và đồ án tốt nghiệp. Theo thông báo, trường đang lên các phương án kỹ càng cho việc dạy học trực tiếp.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Hà Nội có động thái sẵn sàng đón sinh viên trở lại học tập trung. PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường, dẫn đầu tổ kiểm tra cơ sở vật chất của trường để chuẩn bị cho việc này.

Công nhân trở lại TP.HCM làm việc, nhiều doanh nghiệp tăng ca chạy đơn hàng Tết

Sau thời gian dài phải hạn chế, thậm chí tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, tới nay nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã đón công nhân trở lại làm việc và bắt đầu tăng ca phục vụ các đơn hàng Tết.

Trở lại TP.HCM sau thời gian về quê tránh dịch, chị Trần Thị Linh (33 tuổi, quê Vĩnh Long) – nhân viên một công ty sản xuất bánh kẹo tại Khu công nghiệp Tân Tạo cho biết, chị rất mừng khi được quay lại công ty làm việc cho kịp đơn hàng cuối năm.

Ông Hoàng Minh Tuấn, giám đốc 1 công ty về bánh kẹo ở huyện Bình Chánh cho hay, công ty đã bắt tay vào sản xuất hàng Tết và hiện đang tăng tốc, sản xuất hàng liên tục. Hiện công ty có 55 lao động và đang kêu gọi công nhân quay trở lại để kịp tiến độ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho biết, sau gần 1 tháng tái sản xuất, có khoảng 1.500 doanh nghiệp, trong đó 1/3 là các doanh nghiệp FDI đã hoạt động trở lại. Ước tính, 60% doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất với quy mô lên tới 83%. Đây được xem là tín hiệu tích cực khi TP.HCM từng bước khôi phục nền kinh tế.

 

 

 ĐT/Tổng hợp

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Tân Chủ tịch nước Lương Cường: Nỗ lực hết sức mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

Thủ tướng: Mãi mãi tỏa sáng truyền thống vẻ vang, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam