Ở thành phố Hồ Chí Minh, sân khấu đã mở cửa trở lại. Các “ông bầu”,”bà bầu” phấn khởi ra mặt vì vé bán hết sạch, còn diễn thêm buổi để đáp ứng nhu cầu khán giả. Còn ở Hà Nội, các nhà hát còn e dè chờ tình hình dịch bệnh lắng xuống.
Sau 1 năm “cửa đóng im lìm”, ngày mở cửa trở lại thật nhiều cảm xúc với người trong cuộc. Trước Tết, hầu hết các “ông bầu”, “bà bầu” của sân khấu miền Nam đều cảm thấy thấp thỏm vì không biết tình hình dịch bệnh sẽ ra sao. Công sức dựng vở, làm truyền thông bán vé có thể sẽ thành công cốc, nếu dịch bùng trở lại.
Nhưng may mắn, mọi việc lại “thuận buồm xuôi gió”. Vở nào dựng xong cũng bán hết vé, dù chỉ là 50% công suất rạp để đảm bảo giãn cách.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh mở cửa liên tục từ mùng 1 đến mùng 7 Tết với các vở “Bạch Hải Đường”, “Nửa đời ngơ ngác”, “Chờ thêm chút nữa”, “Sài Gòn có một ngã tư”, “Bông hồng cài áo”…
Đạo diễn Ái Như cho biết: “Sân khấu Hoàng Thái Thanh áp dụng bán vé giãn cách nên rạp 400 ghế chỉ bán 200 vé. Nhưng khán giả thương sân khấu lắm, đi xem nhiệt tình lắm. Suất nào cũng bán hết vé và đầy cảm xúc”.
Sân khấu Thế giới Trẻ kín lịch từ mùng 1 đến mùng 10 với loạt vở diễn như: “Lò võ tiếu lâm”, “Thâm cung nội chiến”, “Cuộc chiến sắc đẹp”, “Hồn ma cô đào hát”… Sân khấu này đại thắng với mỗi ngày 2 suất liên tục, bán sạch vé trước đó mấy ngày.
Trong khi đó, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM diễn chùm hài kịch “Sướng quá Xuân”. Các suất diễn đã tạo được hiệu ứng tích cực và nhận được lời khen ngợi của số đông khán giả trẻ.
Với sân khấu Phú Nhuận, dù “bà bầu” Hồng Vân đang ở Mỹ để đón cháu ngoại mới ra đời, nhưng dàn quản lý trẻ vẫn điều hành rất tốt, vé bán sạch từ trước Tết. Hầu như suất nào cũng gần kín rạp. NSND Hồng Vân cho biết: “Tôi cũng không ngờ sau dịch bà con mình vẫn còn sức để đến với sân khấu, đó là vì quá thương”.
Trái ngược với không khí tưng bừng của sân khấu phía Nam, sân khấu miền Bắc vẫn khá trầm lắng. Chỉ có Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mạnh dạn diễn liền 3 suất vở “Thượng thiên Thánh Mẫu” từ mùng 6 đến mùng 8 Tết. Buổi đầu lượng vé bán ra không như mong đợi nhưng từ buổi diễn thứ 2 đã hết vé. Khán giả còn e ngại do phải test nhanh trước khi vào rạp xiếc.
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, 2 đơn vị đã mạnh dạn và dám mạo hiểm để tổ chức 3 buổi biểu diễn lần này. Vì như mọi người đều biết, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội còn phức tạp. Nhưng Ban giám đốc đã quyết định sẽ triển khai chương trình khai xuân và kêu gọi các nhà tài trợ ủng hộ thiết bị y tế để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Khi đã vượt qua khó khăn thì niềm hạnh phúc rất ngọt ngào. Sau đêm diễn, không chỉ khán giả cảm thấy phấn chấn mà các nghệ sĩ cũng rất phấn khởi. Họ đã được sống cùng nghề sau một khoảng thời gian quá lâu không được biểu diễn trước khán giả. Đó là những tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của nghệ thuật sau đại dịch.
Hiện, các nhà hát khác trên địa bàn Thủ đô đang thực hiện các buổi biểu diễn phục vụ lễ hội, hoạt động văn hóa đầu năm. Dù không bán vé phục vụ khán giả và các buổi biểu diễn như thế thường có quy mô thu nhỏ nhưng những động đậy, nhúc nhích của đời sống nghệ thuật mang lại niềm lạc quan, tươi mới sau những ngày “ngủ đông” do đại dịch.
NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, lòng người phơi phới như thế ắt hẳn sẽ làm nên một năm thành công. Sân khấu đang từng bước hồi sinh. Dịch bệnh đang được kiểm soát. Việc cần làm bây giờ là bắt tay vào thực hiện các công việc tiếp theo, sốc lại tinh thần cho các nghệ sĩ, khắc phục những thiệt hại về kinh tế trong 2 năm vừa qua.
An ninh thủ đô
https://www.anninhthudo.vn/san-khau-mien-nam-dai-thang-dip-tet-san-khau-mien-bac-e-de-truoc-dich-benh-post494940.antd