Thế là đã có một King Lear của riêng Sân khấu Lệ Ngọc. Nhà hát Lớn trong đêm tổng duyệt 13/3 đông nghẹt khán giả như hai đêm sơ duyệt trước ở Đại Nam, trong gần 3 giờ mọi người đã rất hào hứng theo dõi kiệt tác hàng đầu của Sechxpia, tác phẩm tuyệt vọng nhất để đem lại niềm hy vọng lớn nhất cho con người của nhà viết kịch vĩ đại nhất mọi thời đại.
Lệ Ngọc đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng để Vua Lia được đông đảo khán giả VN hôm nay chấp nhận. Trung thành với tín điều sân khấu của mình, họ chia tay vị đạo diễn trẻ rất nghiêm cẩn người Nhật Sugiyama để chọn đạo diễn tinh ranh lão làng người Việt Lê Hùng cũng là điều dễ hiểu. Thay vì một Vua Lia chỉ dành cho các khán giả hàn lâm cổ điển, họ có một Vua Lia của tất cả người xem hôm nay. Trang trí ấn tượng, phục trang đẹp, quy tụ thêm lực lượng nghệ sĩ tài năng (hai NSND Tuấn Hải, Thu Quế, diễn viên trẻ Thu Thủy) bên cạnh NSND Lệ Ngọc, NS Văn Hải và dàn diễn viên quen thuộc của SK Lệ Ngọc. Chưa mạnh dạn thu gọn kịch Sechxpia xuống dưới hai giờ diễn như nhiều sân khấu hiện đại Âu Á đã làm, Vua Lia của Lệ Ngọc tuy chưa bề thế bằng Vua Lia của Nhà hát kịch VN 40 năm trước nhưng lại gần gũi hơn với người xem VN qua bản dựng của NSND Lê Hùng. Ns Văn Hải ở tuổi 66 với một vai diễn nặng như Vua Lia tuy chưa thể bằng một NSND Trọng Khôi tài năng sung sức ở tuổi 40 cũng trong vai này 40 năm trước nhưng đã đem đến cho ta một Vua Lia chân thật và đầy cảm xúc.
Kịch Sechxpia, nhất là Vua Lia, như nhận xét của NSND Nguyễn Đình Nghi, người đã dựng Vua Lia rất thành công những năm 1980 ở VN, bao giờ cũng rất thời sự, cũng rất cập nhật ở bất kể nơi nào, thời gian nào trên thế giới. Tuy vậy, nó luôn là thách thức lớn nhất với các nghệ sĩ sân khấu. Tất nhiên, chỉ trong thời gian chưa đến hai tháng trời dàn dựng, thời gian vật chất chưa đủ để tạo nên sự nhuần nhuyễn của một tác phẩm lớn như Vua Lia nên dễ thấy khá nhiều điều chưa tới trong vở diễn của SK Lệ Ngọc. Tuy vậy, với SK Lệ Ngọc, việc dựng Sechxpia không chỉ nhằm khoe mẽ rồi cất kho như một số đơn vị sân khấu công lập, tin rằng quá trình thử thách trước khán giả sẽ là quá trình hoàn thiện tác phẩm như với trường hợp Thị Nở Chí Phèo, Làm vua, Vụ án người đốt đền, Lá đơn thứ 72…mà tôi đã được chứng kiến.
Dám chơi và chơi được Sechxpia để tự nâng mình lên, SK Lệ Ngọc đã có một bước tiến mới đáng mừng.
Ta đã có thể chúc mừng sự dũng cảm của đơn vị sân khấu ngoài công lập thành công nhất hiện nay.
Cứ say mê học hỏi rèn luyện, bền bỉ, thành tâm lao động sáng tạo hết mình thì không có gì là không thể, phải không các bạn…
Nguyễn Thế Khoa (VHVN)