Là một trong những hiện tượng nổi bật của sân khấu xã hội hóa phía Bắc khi luôn chứng minh được sức sống qua những vở kịch hấp dẫn, tạo cơn sốt vé và thu hút hàng ngàn khán giả tham gia. Trở lại sau đại dịch, sân khấu Lệ Ngọc cống hiến cho khán giả miền Nam những vở kịch “đã mắt, đã tai”.

Giữa bối cảnh cơ chế thị trường thay đổi, nhu cầu thưởng thức văn hóa – nghệ thuật của người Việt cũng chuyển mình liên tục, nhiều sân khấu Việt đối mặt với tình trạng vắng bóng khán giả, những vở diễn đến giờ công chiếu vé vẫn còn nguyên, kịch bản thiếu hấp dẫn, sân khấu Lệ Ngọc đã làm nên điều ngoại lệ khi cống hiến cho người xem những vở diễn mãn nhãn, lập kỷ lục số vé bán ra và số khán giả đến theo dõi. Lệ Ngọc là biểu tượng cho sức hút của sân khấu xã hội hóa phía Bắc.
Sau thời gian “ngủ đông” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đội ngũ sân khấu Lệ Ngọc không từ bỏ, tiếp tục trau dồi khả năng diễn xuất, ấp ủ những kịch bản giá trị, sẵn sàng cho ngày quay trở lại chinh phục người xem. Điển hình là từ ngày 14/3 đến 24/3 vừa qua, sân khấu Lệ Ngọc đã mang đến cho khán giả miền Nam 4 vở kịch đặc sắc là Làm Vua, Vang Bóng Một Thời, Nước Mắt Của Mẹ, Vụ Án Đốt Đền. Các vở kịch được diễn ra tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự quan tâm và theo dõi của một lượng lớn khán giả. Có thể trong suốt hơn 2 năm qua, khán giả thật sự “khát” những vở diễn hấp dẫn như thế, những phút giây giải trí, những hoạt động văn hóa – nghệ thuật chất lượng.

Những tràng pháo tay lớn từ phía khán giả, những tiếng hô hào cổ vũ, những nụ cười hạnh phúc và hài lòng là món quà quý giá nhất với những người nghệ sĩ của sân khấu Lệ Ngọc. Chia sẻ về 22 suất diễn quy mô lớn giữa thành phố mang tên Bác, NSND Lệ Ngọc không khỏi xúc động: “Hơn 40 năm cống hiến trong nghề, trải qua hàng trăm vai diễn, hàng ngàn lần bước lên sân khấu nhưng cảm xúc và nhiệt huyết trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Tôi diễn như lần đầu được diễn, tôi hạnh phúc như lần đầu được nghe những câu chúc, những tiếng vỗ tay từ phía khán giả. Trải qua bao thăng trầm của ngành sân khấu, những cản trở từ ngoại cảnh, tôi vẫn có niềm tin về sức sống của sân khấu Lệ Ngọc cũng như nền sân khấu kịch Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục truyền tải cảm xúc, giá trị văn hóa tốt đẹp, tri thức sống và giữ được cái thiện lương nơi người xem. Bản thân tôi cũng như đội ngũ sân khấu Lệ Ngọc không ngừng làm mới kịch bản, làm mới vai diễn cho phù hợp với bối cảnh và cống hiến cho khán giả những vở kịch chất lượng”.

Trên cương vị là khán giả, NSND Thu Hiền chia sẻ niềm vui với các đồng nghiệp: “Tôi háo hức như một đứa trẻ khi có cơ hội gặp lại những người bạn, người đồng nghiệp thân yêu giữa thành phố mang tên Bác trong một show diễn ấn tượng của sân khấu Lệ Ngọc. Ngồi ở vị trí khán giả, tôi nhận thấy sự ấm áp và tình cảm trân trọng mà khán giả Phương Nam dành cho các vở diễn của sân khấu Lệ Ngọc. Tôi hy vọng sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục phát huy, không chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh mà còn lan tỏa khắp Đồng Bằng Sông Cửu Long và đến nhiều nơi hơn nữa.
Khán giả Ngọc Trinh xúc động sau khi xem vở diễn: “Tôi ấn tượng nhất với vở kịch Nước Mắt Của Mẹ. Đã rất lâu rồi tôi mới có dịp xem kịch tại sân khấu, mọi thứ diễn ra thật tuyệt vời và xúc động, các nhân vật phác họa chân thực và thể hiện xuất sắc vai diễn, nội dung sâu sắc và mang tính giáo dục cao”.

Còn khán giả Trần Ngọc Đính – Phó chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn dệt may thời trang Thái Tuấn cho biết: Từ ngày 14/3 đến ngày 24/3, tôi đã đến sân khấu Lệ Ngọc theo dõi những vở kịch và cảm nhận được từng vở thể hiện rõ nét văn hóa của Việt Nam, tôi cảm thấy rất phù hợp với ngành nghề mà bên tôi đang kinh doanh đó chính là cung cấp vải và thiết kế trang phục. Đặc biệt, chúng cũng được góp phần trong sân khấu Lệ Ngọc với những bộ trang phục dành cho các diễn viên trong mỗi đêm diễn đều do tập đoàn Thái Tuấn thiết kế.

Đạo diễn Tây Phong cho biết thêm: “Tôi thích nhất là vở Làm Vua, vốn được xem là vở kịch lấy chất liệu cảm tác từ lịch sử, song Làm Vua còn ánh lên màu sắc của một tác phẩm hài hòa giữa lịch sử và nghệ thuật. Kịch bản của tác phẩm được chắp bút bởi Tiến sĩ Đăng Chương, “Làm Vua” mang lên sân khấu chuyện xưa, nhưng bằng cách kể của đương đại. Cái khó của những vở hơi hướng lịch sử, sẽ khó để hấp dẫn và thu hút được khán giả. Thế nhưng, vở Làm Vua được thực hiện lại không rập khuôn, không gây nhàm chán mà còn hấp dẫn từ sự kết hợp chặt chẽ giữa tính huyền thoại, sử thi, ngôn ngữ dàn dựng hiện đại, hiệu ứng âm thanh ánh sáng độc đáo, tạo nên một tổng thể hài hoà, cuốn hút”. Tôi rất thích vở này.

Tựu chung, các vở diễn toát lên tinh thần “dấn thân” của một đơn vị sân khấu tư nhân có phần sinh sau nở muộn. Giới chuyên môn đánh giá cao sự bứt phá của một sân khấu xã hội hoá phía Bắc như sân khấu Lệ Ngọc, dám vươn mình ra ngoài khuôn khổ truyền thống, cố hữu lâu đời.
Nhật Hoàng – Vô Phương