Sân khấu Lệ Ngọc & Bí kíp “bê” khán giả đến rạp

13:55 | 04/01/2023

Sân khấu Lệ Ngọc là mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội. Những năm gần đây, khi các nhà hát công lập gặp rất nhiều khó khăn vì khán giả quay lưng thì Sân khấu Lệ Ngọc vẫn có lịch diễn với mật độ “đỏ đèn” liên tục, tạo thành “hiện tượng” trong giới sân khấu.


Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với NSND Lệ Ngọc để nghe bà “bật mí” về những “bí kíp” thành công của mình.

Tìm mọi cách “bê” khán giả đến rạp

+ Thưa bà, trong những năm qua, sân khấu Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc kéo khán giả đến rạp, rồi còn xảy ra “sự cố” dịch bệnh. Trong bối cảnh ấy, Sân khấu Lệ Ngọc có bị ảnh hưởng nhiều không?

– Không nói chắc anh cũng biết, sân khấu thì lúc nào cũng khó khăn, kể cả lúc không có dịch bệnh. Bây giờ tất cả mọi thứ truyền thông nó ngay đầu giường rồi, sân khấu rất ít người xem, có ai muốn đi xem kịch, xem chèo đâu. Thế nhưng mình phải lạy lục, tìm mọi cách, mọi động lực để làm thế nào “bê” được khán giả đến rạp. Bây giờ ai cũng khó khăn cả, nhưng sức chịu đựng của mỗi đơn vị, mỗi người là khác nhau và mình phải biến hóa những khó khăn ấy để tồn tại. Cho nên chỉ có cách vượt lên mà làm thôi.

NSND Lệ Ngọc trong vai Hoàng hậu Duơng Vân Nga – vở diễn “Làm vua”.

Riêng với Sân khấu Lê Ngọc, chúng tôi tự hào vì đã “sống được” từ năm 2013 đến bây giờ. Trong lúc các nhà hát khác diễn rất ít, có khi cả tháng chẳng được buổi nào thì chúng tôi khán giả lúc nào cũng nườm nượp. Không phải chúng tôi tự nói hay về mình mà được đâu. Trong nhiều cuộc giao ban 14 nhà hát, Bộ trưởng đã đặt thẳng câu hỏi rằng, tại sao NSND Lệ Ngọc không có gì, chị ấy vẫn làm được mà các anh các chị không làm được, trong khi các anh các chị có tất cả? Ngẫm lại, tôi thấy sân khấu của tôi quả là “vĩ đại” thật. Kể cả trong lúc dịch bệnh, gần như tất cả hoạt động sân khấu phải tạm hoãn thì chúng tôi vẫn khởi công vài vở mới, chúng tôi vẫn diễn từ Bắc vào Nam ba bốn mươi buổi.

Bây giờ, ai cũng “cơm áo gạo tiền”, giữ được khán ngồi hai tiếng đồng hồ ở Sân khấu Lê Ngọc không phải là đơn giản. Chắc chắn vở diễn phải hấp dẫn, không hấp dẫn họ “ngủ” ngay hoặc lấy điện thoại ra chơi.

Tôi cũng nói thêm, ở Sân khấu Lệ Ngọc, thù lao cho nghệ sĩ bao giờ cũng phải bằng từ 5 đến 10 lần các nơi khác. Không như nhiều nhà hát khác, chỗ chúng tôi các cháu diễn đủ 30 buổi thì thu nhập đã được 30 triệu đồng rồi. Ở đây, nghệ sĩ còn được đào tạo chính quy, được đi thi, đi biểu diễn ở nước ngoài để nâng cao tay nghề, thành đạt trong sự nghiệp. Đây là điều mà các nhà hát khác không có được. Do đó, Sân khấu Lệ Ngọc quy tụ được nhiều nghệ sĩ có tiếng và diễn viên giỏi.

+ Vậy thưa bà, bí quyết gì để Sân khấu Lệ Ngọc có được những thành công ấy?

– Có lẽ chẳng có bí quyết gì đâu, chúng tôi cứ hy sinh, đóng góp cho xã hội thôi. Mình phải nhiệt tình hết mức, hy sinh hết mức có thể thì khán giả mới không quay lưng, khán giả mới đến với mình. Và tác phẩm của mình phải thật tốt, phải có tính giáo dục, phải có nghệ thuật, phải có tính nhân văn…

Tôi thiết nghĩ, tất cả đều có thể làm được hết, nếu như có sự đam mê và một sự hy sinh cho nghề đúng nghĩa. Bất kỳ một nhà hát nào, một lãnh đạo cũng phải chấp nhận sự hy sinh, thậm chí sự hy sinh đó phải trả bằng máu. Còn nếu chỉ buông thả, vật vờ, chỉ dựa vào cái nghề này để tồn tại thôi thì không thể nói đến thành công được.

“Làm mới” những câu chuyện cũ

+ Những điều bà vừa nói không mới, có lẽ là ai cũng biết, tuy nhiên có điều là có thực hiện được hay không thôi. Vậy cách làm cụ thể của Sân khấu Lệ Ngọc là như thế nào?

– Chúng tôi không đứng yên đợi khán giả. Khán giả bây giờ, nhất là người trẻ có quá nhiều thứ thu hút, kéo họ đi chậm lại, để họ quan tâm đến những giá trị đã cách xa họ cả thế kỷ là điều không dễ dàng. Vì vậy, các kịch bản lịch sử từ Đinh, Lê, Lý, Trần – là những kịch bản khó xem nhất thì chúng tôi đều phải làm mới chúng.

Chẳng hạn vở “Làm vua” hay “Huyền tích chùa Một Cột”, vẫn nói về những nhân vật lịch sử như Dương Vân Nga, Đinh Bộ Lĩnh… và những câu chuyện của thời ấy nhưng chúng tôi đưa vào đó những thông điệp thời sự, những triết lý sâu sắc, “lấy xưa nói nay” để làm sao người xem không có cảm giác “kịch” hay diễn viên lên gân.

Tác phẩm dù có kinh điển, dù có cách xa chúng ta bao nhiêu năm thì vẫn phải mang được không khí của thời đại bây giờ. Nói cách khác là chúng tôi biết cách kể một câu chuyện cũ theo cách mới.

NSND Lệ Ngọc trong vai bà Ba – vở diễn “Chí Phèo Thị Nở”.

Về chuyên môn, tôi là người cực kỳ khó tính, bắt đầu từ khi chọn kịch bản. Sân khấu Lệ Ngọc có một Hội đồng nghệ thuật để chọn kịch bản. Chúng tôi không dễ chọn vở như các nhà hát khác, phải rất nhiều vở mới chọn được một vở. Cùng với kịch bản là lựa chọn đạo diễn, chúng tôi coi đây là hai khâu then chốt nên rất khe khắt. Với họa sĩ nữa, ba người này phải phối hợp chặt chẽ, chắt chiu để làm nên thành công một vở diễn. Sau đó, chúng tôi tiến hành làm rất nhanh. Trong thời gian tập thì cũng triển khai làm âm thanh, ánh sáng, trang trí… Vì vậy, chỉ trong 20 ngày, cùng lắm là một tháng là chúng tôi xong một vở.

Các vở diễn của chúng tôi cũng không sa vào kể lể dài dòng mà chú trọng các hành động. Chẳng hạn vở “Vụ án người đốt đền” trước đây dựng 7-8 tiếng, diễn mấy tập thì nay chúng tôi làm gọn lại còn có 2 tiếng thôi. Có những đoạn kịch bản dài 4 trang giấy, nay cắt đi chỉ còn có 3 dòng.

Ngoài ra, chúng tôi có nhiều vở cho nhiều đối tượng, chẳng hạn như “Tấm Cám”, “Thị Nở Chí Phèo”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Vang bóng một thời”. Với một thực đơn phong phú, đầy đủ khẩu vị cho nên sân khấu của chúng tôi hấp dẫn được nhiều khán giả.

+ Bà từng gắn bó nhiều năm với một nhà hát của Nhà nước, bây giờ là một đơn vị xã hội hóa. Vậy theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất cho thành công của một đơn vị biểu diễn, người đứng đầu hay là tiền?

– Thời ở Nhà hát Kịch Việt Nam tôi không phải nghĩ đến tiền, chuyện đó có người khác lo. Tôi chỉ quyết định đến chất lượng vở diễn, quyết định vở đó “sống” hay “chết”. Bây giờ thì khác, tôi phải lo toàn bộ mọi thứ, một mình tôi làm đủ các việc, từ dựng vở, từ đi thuê nhà hát đến lo ngoại giao, lo tổ chức “trận đánh” cho một vở diễn. Vì vậy, tôi không có thời gian, không có một chút kẽ hở nào…

Như chuyến đi Hà Giang 5 ngày tới đây, tôi phải đi trước mấy ngày để khảo sát chiến lược makerting ở vùng đó thế nào, kiểm tra các công việc chuẩn bị, âm thanh ánh sáng ra sao. Bây giờ mà giữ kiểu làm việc quan cách, đến ngày diễn mới lên thì làm sao mà thành công được.

Nhân vật vợ Ðỗ Minh do NSND Lệ Ngọc thủ vai trong vở “Lá đơn thứ 72”.

Về kinh tế, tôi vẫn cho rằng làm nghệ thuật thì đừng nghĩ đến tiền nhưng bây giờ là tiền của mình, mỗi năm bỏ ra mấy chục tỷ, mình phải lo chứ. Nguyên tắc của chúng tôi là chi cho nghệ thuật không được cắt nhưng mua sắm thì phải chặt chẽ, chi tiết. Chẳng hạn về trang phục, tôi phải làm việc với đạo diễn, với họa sĩ thiết kế, vở này mua sắm thế nào, mẫu mã ra sao, số tiền bao nhiêu… tất cả phải hạch toán rõ ràng vì đó là tiền của mình.

Tôi nghĩ vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, họ cần có đầu óc tổ chức, có sách lược, chiến lược rõ ràng, đúng đắn để làm thế nào đội quân của mình “trăm trận trăm thắng”. Đồng thời, đã làm nghệ thuật thì họ cũng phải là người hiểu về nghệ thuật. Sân khấu Lệ Ngọc đã làm được điều này, đó là chưa từng có vở diễn nào thất bại, không ăn khách. Nếu thất bại chúng tôi đã không làm.

+ Xin cảm ơn NSND Lệ Ngọc!

Thế Vũ (Thực hiện)

Nguồn Báo Công luận 

https://www.congluan.vn/san-khau-le-ngoc–bi-kip-be-khan-gia-den-rap-post229127.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam