Trong suốt 20 năm qua, có lẽ chưa bao giờ sân khấu kịch ảm đạm như bây giờ. Trong khi hoạt động văn hóa giải trí của thành phố đã trở lại nhộn nhịp sau dịch bệnh, thì sân khấu kịch lại rơi vào khủng hoảng.
Sân khấu (SK) Hoàng Thái Thanh công bố phương thức hoạt động mới: dừng dựng vở định kỳ và chỉ dựng theo từng thời điểm. Mỗi vở chỉ diễn một thời gian nhất định, không tái diễn. Ngay sau đó, SK Hồng Vân cũng thông báo ngưng biểu diễn định kỳ ở cả hai điểm diễn Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận và Thuận Kiều Plaza. Các điểm diễn hiện nay đã giảm 50%.
Thực tế cho thấy, sự ảm đạm của SK kịch là điều đã được nhiều người làm nghề dự báo từ rất lâu, bởi SK kịch thành phố tồn tại quá nhiều sự bất ổn.
Từng có lúc, giới làm SK cho rằng SK vắng khán giả do sự lấn sân của game show truyền hình. Nghệ sĩ xuất hiện liên tục ở game show làm khán giả nhàm chán. Không phủ nhận đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khán giả “lười” đến SK. Nhưng nếu nhìn nhận một cách thấu đáo thì lý do đó chưa thực sự xác đáng.
Khi SK bị cạnh tranh khốc liệt, thay vì nỗ lực giữ chân khán giả, thì một bộ phận người làm nghề càng khiến khán giả thất vọng nhiều hơn.
Chuyện diễn viên (DV) bỏ lịch tập trở thành “vấn nạn” khiến quản lý, đạo diễn than trời. Thời gian tập ngày càng ngắn. Nhiều vở chỉ tập một tuần, thậm chí bốn đến năm buổi tập. Vì muốn có vở mới, nên một vài SK đối phó bằng việc tập thay. DV “thế thân” tập trước với ê-kíp. Vở diễn sắp phúc khảo, DV chính mới có mặt. Nhưng sự có mặt của nhiều DV ở thời điểm này cũng chỉ là hình thức. Do vậy, SK ngày càng ít vai diễn để lại dấu ấn cho người xem.
Chưa hết, nhiều DV còn tùy tiện vắng mặt ở các suất diễn, dù họ đảm nhận vai diễn quan trọng. Để tránh bị động, lịch diễn của các SK thường được sắp xếp trước từ một đến ba tháng. Nhưng DV vẫn có trăm ngàn lý do để vắng mặt. Một vài SK quyết định trả vé nếu DV chính vắng mặt giờ chót, nhưng giải pháp này không được bao lâu, bởi DV có việc vẫn cứ vắng, chuyện còn lại là chuyện của SK. Né DV tên tuổi vì khó xếp lịch diễn, vài SK chọn thay thế bằng lực lượng trẻ. Nhưng thay vì chỉ đẩy một vài DV trẻ diễn chung với những nghệ sĩ có kinh nghiệm, thì bầu SK đẩy toàn bộ học viên vừa tốt nghiệp khóa đào tạo hoặc đang học lên SK. Vở diễn giống bài thực hành của DV mới ra nghề hơn một tác phẩm SK chuyên nghiệp.
Một thời gian dài, SK kịch thành phố còn báo động đỏ vì sự dễ dãi khi chọn kịch bản. SK tràn ngập kịch hài bông phèng hoặc những vở kinh dị chỉ để hù khán giả… Những sản phẩm SK thiếu chiều sâu, thông điệp, chỉ đáp ứng thị hiếu nhất thời của một bộ phận khán giả.
Là thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM, NSND Trần Minh Ngọc đã cảnh báo: “Đừng nghĩ mình chiều chuộng khán giả thì họ sẽ theo mình. SK phải đổi mới nếu không muốn người xem quay lưng”.
Câu chuyện đổi mới cũng là điều cần được lưu tâm. Khi phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại, SK đã rất thiệt thòi khi phải biểu diễn trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Khán giả sẽ càng nản hơn khi phải xem những bản dựng cũ kỹ không khác những vở diễn của 20 năm trước. Thái độ làm nghề dễ dãi dần kéo theo nhiều hệ lụy khiến SK ngày càng lao dốc.
“Thay vì đổ lỗi và đòi hỏi sự quan tâm, bản thân người làm nghề, đặc biệt là DV hãy tự nhìn nhận lại chính mình. SK cũng là một loại hình dịch vụ, khi bạn có dịch vụ không tốt, khi bạn không tôn trọng khán giả, thì đừng đòi hỏi khán giả phải lựa chọn và yêu mến dịch vụ của bạn. Nếu chỉ biết than trách và không thay đổi, tương lai của SK sẽ càng mờ mịt”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của SK Idecaf nhấn mạnh.
Theo Báo phụ nữ
https://www.phunuonline.com.vn/san-khau-kich-tp-hcm-ngo-cut-da-duoc-bao-truoc-a1463341.html