Mùa hè đến cũng là lúc các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi bước vào mùa cao điểm. Hè 2022, trở lại sau thời gian dài dịch bệnh, dù còn vài điều chưa được như kỳ vọng, nhưng nhìn chung, sân khấu cho thiếu nhi đã có những tín hiệu đáng mừng…
Đa dạng “thực đơn” hè 2022
Sau hai mùa hè chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là hè 2021 “ai ở đâu ở yên đó”, một số nhà hát đã khởi động chương trình nghệ thuật thiếu nhi hè 2022 từ giữa tháng 5, khá sớm. Sau đó, hàng loạt chương trình, vở diễn sân khấu và các hoạt động hấp dẫn, ăn khách đã được các đơn vị biểu diễn “bung lụa” vào dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Tại Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ “chào hè” 2022 bằng dự án nghệ thuật đặc biệt “Mùa hè yêu thương” với 3 tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi gồm nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” và hai vở kịch “Cuộc chiến Virus” và “Vaxilixa và phù thủy độc ác”.
Đây là những vở diễn có nội dung sâu sắc, đối thoại hài hước, được Nhà hát Tuổi trẻ dành “khung giờ vàng” vào 20h thứ bảy hằng tuần để biểu diễn phục vụ các khán giả nhí. Không chỉ có không gian nghệ thuật lung linh, rực rỡ, phục trang đẹp mắt, các em nhỏ còn được giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng; các đêm diễn đã để lại cho các em những ấn tượng khó phai.
Cũng trong dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” với chủ đề về lòng nhân ái và tình đoàn kết tạo nên sức mạnh. Vở diễn do NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo sản xuất; NSND Tống Toàn Thắng là tác giả và đạo diễn, cùng ê-kíp là các nghệ sĩ, diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện.
Với không gian sân khấu được dàn cảnh ấn tượng, âm nhạc sinh động, “Chúa tể rừng xanh” dẫn dắt các em thiếu nhi hòa mình vào thế giới cảm xúc qua cuộc hành trình thú vị cùng các nhân vật đáng yêu trong rừng. Vở diễn truyền đi thông điệp phải luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, phải lấy rừng làm ngôi nhà chung và phải biết bảo vệ rừng…
Nhà hát Kịch Hà Nội cũng “góp mặt” với vở “Hai viên ngọc thần” (còn có tên khác là “Sự tích Dã tràng”) trong dịp này. Thể hiện dưới hình thức sân khấu kịch nói sống động, học mà chơi, chơi mà học, vở kịch đưa các em du ngoạn đại dương, gặp gỡ và khám phá thuỷ cung đáy biển – đất nước của Long Vương…
Ở đó có những câu chuyện ly kỳ về các con vật nhưng là những ẩn dụ thú vị về con người. Sự hóa thân của các nghệ sĩ Thanh Hương, Thiện Tùng, Tiến Lộc, màn khuấy động của NSƯT Quang Thắng… trên sân khấu rực rỡ, hiện đại đã tạo nên sức hấp dẫn cho vở diễn.
Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đem đến với khán giả “nhí” hai vở “Húc – Cuộc chiến thuyền trưởng” và “Ngọc rồng”. Trong đó, “Ngọc rồng” là phiên bản sân khấu của tác phẩm truyện, phim đình đám “Bảy viên ngọc rồng” được thể hiện dưới kịch bản hài hước của NSND Tự Long, cách dàn dựng dí dỏm của NSƯT Xuân Bắc.
Đặc biệt, hai nghệ sĩ Xuân Bắc – Tự Long lại là những vai chính của vở diễn, cùng các bạn nhỏ đến từ CLB Nghệ Thuật XB, CLB Kỹ năng Can Kids đã mang đến những phút giây thư giãn, những tiếng cười nghiêng ngả cho các bạn nhỏ và cả các vị phụ huynh.
Ở phía Nam, từ giữa tháng 5, Nhà hát kịch 5B đã ra mắt vở kịch thiếu nhi “Bộ lạc nanh trắng”, diễn vào sáng thứ bảy, chủ nhật hằng tuần với giá vé rất hợp lý, chỉ khoảng 70.000 đồng/vé.
Sân khấu Kịch Idecaf cũng trở lại với chương trình “Ngày xửa ngày xưa” sau hai năm vắng bóng vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sự trở lại lần này, Idecaf quy tụ lực lượng diễn viên hùng hậu, gồm các gương mặt được khán giả thiếu nhi yêu thích nhiều năm qua như: NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, các nghệ sĩ Bạch Long, Đình Toàn, Lê Khánh, Tuấn Khải, Don Nguyễn…
Tuy nhiên, do năm nay đến 30/6 học sinh ở TP. HCM mới nghỉ hè, nên lịch diễn “Ngày xửa ngày xưa” sẽ lùi lại, dự kiến bắt đầu từ 1/7 tới.
Điều đáng nói là hầu như tất cả các chương trình, vở diễn của các nhà hát đều bán hết vé hoặc kín suất diễn. NSƯT Mỹ Uyên của Nhà hát kịch 5B cho biết, nhờ việc đẩy mạnh quảng bá qua mạng xã hội, “Bộ lạc nanh trắng” đã thu hút được lượng khán giả khá đông và ổn định. Không chỉ các em nhỏ háo hức mà phụ huynh cũng hồ hởi không kém khi cùng gia đình đến điểm hẹn mỗi cuối tuần tại Nhà hát kịch 5B.
Chia sẻ với NB&CL, NSND Tống Toàn Thắng cho hay, chỉ trong vòng 2 tuần vở xiếc “Chúa tể rừng xanh” đã có tới 23 suất diễn, trong đó có ngày có tới 4 suất, nhiều hôm không còn vé để bán.
Đại diện Nhà hát Tuổi trẻ cũng tiết lộ, có hôm Nhà hát phải chạy 5 suất diễn, một số buổi diễn vào thời gian cao điểm kín chỗ… Đối với Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, dù số vở diễn có ít hơn nhưng tần suất diễn trong dịp 1/6 cũng khá dày và được khán giả nhiệt tình đón nhận.
Thiếu vắng vở diễn mới
Mặc dù có sự khởi đầu khá tốt, nhưng đáng tiếc là sau dịp cao điểm 1/6, một số nhà hát đã tạm ngưng các chương trình phục vụ khán giả nhỏ tuổi. Trong đó, Nhà hát Kịch Việt Nam sau 5 buổi diễn khá “hot” đã không còn công bố các kế hoạch biểu diễn cho thiếu nhi hè 2022.
“Hiện chưa có kế hoạch cho chương trình thiếu nhi nào trong mùa hè này do Nhà hát còn đang bận một số chương trình kịch chính luận, tâm lý xã hội” – đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam thông tin với NB&CL.
Tương tự, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng gửi lời chào tạm biệt các khán giả nhí trên fanpage sau buổi diễn “Hai viên ngọc thần” tối 1/6. Đại diện Nhà hát cho biết, do tháng 6 Nhà hát bận rộn với việc chạy các chương trình dành cho người lớn nên các chương trình cho thiếu nhi đã phải gác lại.
“Tuy nhiên, Nhà hát đã chuẩn bị để tháng 7 tới sẽ triển khai tiếp hai vở “Nữ hoàng băng giá” và “Điệp vụ tiên hắc ám”. Như vậy, cùng với “Hai viên ngọc thần”, Nhà hát sẽ có 3 vở để phục vụ các em nhỏ vào nửa cuối hè và Tết Trung thu”, đại diện Nhà hát Kịch Hà Nội cho hay.
Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là sự thiếu vắng của các tác phẩm mới phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của thiếu nhi. Hầu hết những vở diễn vừa rồi đều ở dạng “bình mới rượu cũ” – vốn được dàn dựng, biểu diễn từ một vài năm trước.
Theo nhà phê bình sân khấu – TS. Cao Ngọc, ở phía Bắc, chỉ có Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ thường có đầu tư bài bản và mới mẻ để phục vụ các khán giả “nhí”, còn nhiều sân khấu khác vẫn chủ yếu là dùng chương trình, vở diễn cũ.
TS. Cao Ngọc cho rằng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả nhí rất cao, sau thời gian dài phải “nhốt” mình vì dịch bệnh, vì thế, các nhà hát vẫn sẽ bán hết vé hoặc kín suất diễn. Nhưng để thực sự tạo ra luồng gió mới cho sân khấu thiếu nhi thì vẫn cần sự tìm tòi, đầu tư dài hơi của các nhà hát.
Tuy nhiên, việc các sân khấu luôn “đỏ đèn” sau đại dịch là tín hiệu vui cho cả nghệ sĩ, các em nhỏ cũng như các bậc phụ huynh. Đặc biệt, các em nhỏ có thêm “món ăn” tinh thần sau thời gian dài thiếu sự tương tác xã hội vì dịch bệnh và áp lực từ những chương trình học online bí bách.
Theo Công luận
https://congluan.vn/san-khau-danh-cho-thieu-nhi-he-2022-hao-hung-tro-lai-sau-hai-nam-tat-den-post198398.html