Đến với phiên chợ vùng cao, du khách không chỉ được thưởng thức các sản vật độc đáo của địa phương mà còn được đắm mình trong sắc màu văn hóa của người Mông, Dao, Hà Nhì…
Vùng cao Lai Châu nói chung ít có chợ, nhưng những phiên chợ này đến nay vẫn còn lưu giữ được những mang nét nguyên sơ, độc đáo đầy bản sắc.
Ở Lai Châu nổi tiếng nhất là phiên chợ Dào San (huyện Phong Thổ) và chợ phiên Sìn Hồ. Chợ chính họp sáng Chủ nhật, nhưng từ chiều thứ Bảy đã rất tấp nập và náo nhiệt. Chợ San Thàng ở thành phố Lai Châu thì họp thêm một buổi vào sáng thứ Năm.
Các loại rau củ được rải bán trên lá chuối, tấm nilon trải trên mặt đất – Ảnh: Báo Lai Châu
Độc đáo nhất có lẽ là phiên chợ Sừng ở Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ). Chợ họp vào các ngày “con có sừng” (ngày Sửu, ngày Mùi) trong tháng. Chợ Sừng là phiên chợ vùng cao còn nhiều điều bí ẩn, lôi cuốn nhất vùng Tây Bắc…
Các chợ vùng cao họp rất muộn, thường phải 9 giờ sáng mới đông. Mặt hàng phổ biến nhất ở các phiên chợ vùng cao là rượu, rau quả, măng, nấm, thuốc nam và các mặt hàng thủ công.
Các loại rau củ được rải bán trên lá chuối, tấm nilon trải trên mặt đất hoặc đựng trong những chiếc gùi truyền thống. Những mặt hàng thủ công chủ yếu do người địa phương chế tác rồi mang ra chợ bán như lưỡi cày, thùng gỗ, ghế mây, rượu…
Văn hóa của người dân địa phương làm nên nét văn hóa đặc trưng tại các phiên chợ vùng cao. Thường thì nhìn vào trang phục là biết ai thuộc tộc người nào, nhưng ở phiên chợ thì còn có thể nhìn vào hàng hóa của những người bán hàng để biết thành phần tộc người của người đó.
Người Kinh thường bán những mặt hàng công nghệ mang từ Trung Quốc sang hoặc từ miền xuôi lên; người Mông hay bán các loại gừng, rau cải, bí ngô; người Hà Nhì bán măng, nấm, ớt; người Dao bán dâu da, dưa nương, các loại phong lan; người Thái bán bông, vải; người Giáy bán hương, bánh… Cách phân biệt này không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp nhưng cũng khá chính xác.
Một số hình ảnh về chợ phiên vùng cao Lai Châu
Một góc chợ phiên San Thàng
Khách du lịch trải nghiệm chợ phiên Sin Suối Hồ ở huyện Phong Thổ
Hàng hóa bày bán chủ yếu là sản vật địa phương
Đồng bào đi chợ không đặt nặng vấn đề mua bán, chủ yếu là đi “chơi chợ”
… và ăn uống, giao lưu
Biểu diễn văn nghệ tại chợ đêm San Thàng, thành phố Lai Châu
Một điểm đặc trưng là khác với chợ ở miền xuôi, người dân vùng cao đi chợ không đặt nặng vấn đề mua bán, mà chủ yếu là đi chơi. Hầu như ai đi chợ cũng mang theo một ít hàng, tuy nói là để bán nhưng chẳng quan trọng, nếu bán được thì lấy tiền đó làm tiền quà, nếu không bán được thì đem đổi lấy vài que kem, hoặc đổi lẫn cho nhau, hoặc gom lại đổi mấy bát thắng cố, bát đậu canh…
Chợ phiên Lai Châu là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc Tày, Mông, Dao, Giáy, Lự… Đến với các phiên chợ vùng cao, du khách không chỉ được thưởng thức các sản vật độc đáo của địa phương mà còn được đắm mình trong sắc màu văn hóa của các tộc người Mông, Dao, Hà Nhì… lẫn trong làn sương lạnh vùng cao và khung cảnh thiên nhiên tráng lệ của núi rừng trùng điệp…
Thế Vũ (Ảnh: Sở VHTT&DL Lai Châu)
Nguồn báo điện tử Công Luận
https://www.congluan.vn/sac-mau-cho-phien-vung-cao-lai-chau-post204679.html#p-0