Sa Vĩ – Thế núi dáng sông

13:49 | 23/03/2022

Đậu Minh Hằng là người Phủ Diễn (Nghệ An), làm ăn, lập nghiệp ở Móng Cái, Quảng Ninh. Minh Hằng mấy lần mời tôi về Móng Cái. Chị khoe, “Móng Cái nhỏ nhắn, hiền hoà, nép mình bên bờ sông Ka Long, xinh đẹp lắm anh”. Cám ơn “bà chủ” của một doanh nghiệp nơi biên ải. “Đang cô vít, cô veo, không biết đến lúc nào đi được”, tôi trả lời Minh Hằng. Lòng trào lên thương nhớ.


Đến Móng Cái, đến Sa Vĩ, ngắm dòng Ka Long nổi tiếng một lần, không ai là không có cảm xúc đặc biệt.

Mũi Sa Vĩ còn gọi là mũi Gót, là mũi đất ở cực Đông Bắc Việt Nam, ở tọa độ 21°29’33” bắc, 108°4’5″ đông, thuộc phường Trà Cổ, TP Móng Cái. Ở đây có bức phù điêu hình 3 ngọn thông vươn thẳng lên trời, trên đó ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “…Từ Trà Cổ rừng dương/ Đến Cà Mau rừng đước…”. Chỉ bình dị vậy thôi nhưng cũng đủ khiến ai đặt chân đến đây đều cảm thấy khoảng cách giữa miền Đông Bắc và cực Nam của Tổ quốc như ngắn lại, trách nhiệm với đất nước, chủ quyền như lớn lao hơn. Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3.260km, là Tổ quốc. Sa Vĩ là địa đầu Tổ quốc.

Đến Sa Vĩ, tôi nhớ câu thơ của nhà thơ, trung tá biên phòng Phạm Vân Anh: “Hồn nước dọc miền lau trắng / Quốc kỳ lộng gió biên cương” và trăn trở “Dòng sông trườn bước trăn gió / Những buổi chiều thành dấu hỏi”, (Trường ca Sa Mộc), khi ngắm dòng sông Ka Long.

Sông Ka Long trước kia có tên là sông Mang, hay còn gọi là sông Bắc Luân, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy theo hướng Đông Nam đổ vào vịnh Bắc bộ tại cửa Bắc Luân. Dòng sông “Nhất giang lưỡng quốc” này đã tạo thành biên giới tự nhiên dài 60km giữa thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Tại địa phận Móng Cái, dòng Ka Long chia thành hai nhánh: một nhánh chảy theo hướng nam xuyên qua thành phố ra biển; một nhánh tiếp tục đi dọc theo biên giới đổ ra vịnh Bắc Bộ tại cửa biển Bắc Luân, phía đông bắc phường Hải Hoà. Sa Vĩ, bên dòng sông này chính là điểm đầu tiên để chấm nét bút vẽ nên hình chữ S trên bản đồ Việt Nam. Giữa muôn trùng sóng biếc, cột mốc 1378 sừng sững, hiên ngang giữa đất trời.

Sông Ka Long mang trong mình giá trị lịch sử, chính trị quan trọng, là niềm tự hào của người dân Việt Nam, không riêng Móng Cái. Dòng Ka Long là hình ảnh thân thương, quen thuộc, được ví như người mẹ với tình thương bao la mà mỗi người con Móng Cái đều nhớ về khi xa xứ. Dòng sông mạnh mẽ, nước xiết quanh năm giúp bồi đắp phù sa cho hai bên bờ, mang lại cuộc sống ấm no, phồn thịnh cho người dân Móng Cái.

Bắc qua nhánh chảy trong thành phố Móng Cái có hai cây cầu là cầu Ka Long và Bắc Luân I, Bắc Luân II. Bắc Luân I, có lịch sử từ năm 1898, đến năm 1957 thì được xây dựng lại. Bắc Luân II mới có tuổi đời ba năm, được “khai sinh” do nhu cầu giao thương giữa hai nước.

Sau khi cầu Bắc Luân I được khánh thành ba năm, ngày 19/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm tỉnh Hải Ninh (cũ). Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống khu vực sân bay đất (xã Hải Xuân, Móng Cái ngày nay), Bác Hồ đã đến thăm trạm Hải quan cửa khẩu Bắc Luân và sang thăm thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc). Dấu chân Người, in dấu trên mảnh đất này nhắc nhở.

Trong ba cầu bắc qua sông, Ka Long nổi tiếng hơn, bởi nó là một phần lịch sử.

Khi Lớp học Cao cấp chính trị của chúng tôi về Sa Vĩ, các hướng dẫn viên du lịch kể rằng, cột mốc 1378 quá đặc biệt nên xây dựng lên nó cũng quá đặc biệt. Quá trình xây dựng, thuỷ triều lên xuống thất thường, phải dựa vào con nước, dựa vào thuỷ triều. Thời gian thi công vì thế  dài ngày hơn, vất vả hơn. Từ chân đế, thuỷ triều những lúc nước lên to ta không thể xây dựng được chân đế. Lực lượng thi công phải đợi lúc thuỷ triều rút…

Tất cả nghe, lắng đọng, tự hào. Cột mốc thiêng liêng lắm, không chỉ với những người lính biên phòng, mà thiêng với bất cứ ai là con dân nước Việt. Trong tiếng gió rì rào, hơi mát từ sông, từ biển nơi biên cương của Tổ quốc, chúng tôi còn được nghe anh em kể về sự góp sức của bà con giáo dân xứ Trà Cổ trong việc xây dựng. Bà con giáo xứ Trà Cổ luôn luôn kề vai, sát cánh cùng bộ đội, từ việc tham gia chở xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng…đến việc lo bữa cơm, nước uống để cho các anh xây dựng cột mốc đúng tiến độ mà cấp trên giao cho.

Không phải bây giờ “hàng xóm” mới khó ở, câu chuyện từ trong lịch sử luôn có giá trị nhắc nhở. Năm 1887, thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh – Trung Quốc ký các Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ với Trung Quốc; năm 1895 thì ký Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới. Công ước năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh về hoạch định biên giới hai nước là văn kiện quan trọng, quá trình đàm phán rất phức tạp và kéo dài. Riêng về phân định cửa sông Ka Long diễn ra không mấy trôi chảy.

Người ta kể lại rằng, hai đoàn đàm phán cùng đi trên một chiếc tàu thuỷ để giải quyết trực tiếp việc phân định trên thực địa. Buổi trưa hôm ấy, Đoàn Trung Quốc mời Đoàn của Pháp (bao gồm cả quan chức Việt Nam) ăn bữa cơm thân mật. Họ chiêu đãi rất thịnh soạn, liên tục mời uống rượu. Mọi người vui vẻ, ăn uống ngon lành và say sưa. Ăn xong và trở lại làm việc, viên sĩ quan Pháp mặt đỏ bừng, hồn phách lâng lâng. Phía Trung Quốc lợi dụng lúc này để hành động. Đáng lẽ chiếc tàu đi thẳng theo luồng xuống cửa sông Ka Long thì họ lại cho tàu rẽ về phía sông Lục Lầm (một nhánh của sông Ka Long). Nếu ý định đó thành hiện thực thì cửa sông Lục Lầm sẽ là điểm phân định biên giới hai nước, chứ không như bây giờ. Rất may, vị quan chức Việt Nam đã kịp thời đánh thức vị sĩ quan Pháp để tỉnh táo làm việc. Ngay lập tức, ông này yêu cầu phía Trung Quốc cho tàu quay lại dòng chính Ka Long, và đương nhiên, cửa sông Ka Long trở thành điểm phân định biên giới giữa hai nước.

Cuộc đàm phán cách đây một trăm năm đã phức tạp thì cuộc đàm phán để có Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1999 càng phức tạp hơn rất nhiều. Cuộc đàm phán nhiều lúc trở nên căng thẳng bởi có một số điểm tranh chấp gay gắt. Trong số đó có điểm phân định ở cửa sông Ka Long. Cuối cùng, hai bên cũng đi đến một thoả thuận rất công phu và chi tiết nằm trong Hiệp ước hoạch định biên giới mới ký năm 1999.

“Đất này không thể mất / Cho kẻ giành sông giật núi đã quen / Có đội quân nào sặc sỡ hơn / Khi đỏ, cam, chàm, tím, nâu, đen cùng vào trận / Nơi biên viễn anh em thành đồng chí”, (Sa Mộc). Nhà thơ, thiếu tá Biên phòng Phạm Vân Anh đã có những câu thơ xúc động về người lính, về tình quân dân, về truyền thống bất khuất xưa nay của người Việt. Một tấc đất sông núi Tổ tiên để lại giá trị vĩnh hằng.

Đứng trên mảnh đất này, không ai quên được ký ức mùa Xuân năm 1979. Nằm lại đây, không chỉ có hồn cốt các liệt sỹ mùa Xuân năm 1979, mà đã còn có hồn cốt 22 liệt sỹ Việt Nam tham gia “Chiến dịch quân sự Thập Vạn Đại Sơn”, diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949. Họ ngã xuống thời chung lý tưởng. “Nếu xương máu là tài sản / Thì nơi đâu giàu có bằng biên cương”, (Sa mộc). Đúng như vậy.

Đến Sa Vĩ hiểu mình, hiểu người, hiểu được về giá trị. Tôi thầm cám ơn Đậu Minh Hằng, một người Nghệ, trong vô số người Nghệ đến Móng Cái, coi Móng Cái là quê hương, nâng niu mảnh đất này. Chị bảo: “Nhà em trổ cửa hướng Bắc đấy!”. “Nghìn năm trổ cửa hướng biên cương / Mỗi nếp nhà một chốt canh đứng đợi / Đêm biên thùy ký thác hừng đông”, (Sa mộc), tôi lại tự đọc cho mình nghe, trước khi chia tay Sa Vĩ./.

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024