Chia sẻ lại nhân 96 năm ngày mất của S.Esenin 10/1925 – 10/2021
Không như các tên tuổi lớn khác của thơ ca Nga cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hầu hết đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, S.Esenin đến từ một vùng quê hẻo lánh ở Riazan, trong một gia đình nông dân công giáo. M.Gorki kể rằng lần đầu tiên ông gặp Esenin vào năm 1915, khi Esenin đã rất nổi tiếng ở Petecbua, trông Esenin chỉ như một cậu bé nông thôn 15, 16 tuổi. Khuôn mặt đẹp như tranh, mái tóc quăn vàng rủ nhẹ trước trán, đôi mắt xanh trong sáng và ngơ ngác, khoác áo choàng và đội chiếc mũ kiểu nông dân Nga, trông giống như một thiếu niên thường múa hát trong các tiệc rượu làng quê. Lúc đó, M.Gorki không thể nào tin cậu bé này lại là tác giả của những câu thơ kỳ diệu đang làm bàng hoàng cả nước Nga…Nhưng thực sự đó là một nhà thơ lớn, một trong những nhà thơ lớn nhất và độc đáo nhất của nước Nga và của nhân loại trong thế kỷ 20, mặc dù ông chỉ sống được có hơn một phần tư thế kỷ (1895 – 1925).
Giới nghệ thuật đương thời đều coi S.Esenin là nhà thơ thuần Nga, nhà thơ “Nga nhất” trong các nhà thơ Nga. Ông là “một thứ cơ quan của thiên nhiên được sáng tạo ra chỉ để làm thơ” để thể hiện “nỗi buồn vô tận của ruộng đồng” và “tình thương yêu đối với mọi sinh vật trên trái đất và sự từ bi, thương xót mà con người đáng được hưởng hơn tất cả mọi vật” (M.Gorki).
Từ một làng quê vô danh, Esenin trở thành một tên tuổi lững lẫy trong giới thượng lưu ở Petecbua và Matscơva, kết hôn với Isadora Duncan, người Mỹ, một trong những nghệ sĩ ba lê nổi tiếng nhất mọi thời đại, đi dạo khắp Châu Âu, sang cả nước Mỹ, rất mê thơ của nhà thơ Ba Tư Sadi… Nhưng trước sau, Esenin vẫn là con người của thôn dã Nga, của tâm hồn Nga không dễ bị những thứ văn hóa ngoại lai và văn minh thành thị tha hoá. Với ông, Châu Âu văn minh mà người ta hết lời ca ngợi khi đó chỉ “toàn những điều hèn hạ, đơn điệu, nghèo nàn về mặt tinh thần đến mức muốn nôn mửa”, nước Mỹ công nghệ và khoa học đang làm loá mắt cả thế giới đối với ông chỉ là “một thứ mùi hôi, ở đó không chỉ nghệ thuật mà mọi say đắm tốt đẹp của con người cũng bị biến mất”…
Dĩ nhiên là Esenin phiến diện trong những đánh giá này, nhưng biết làm sao, vì đó là những đánh giá của trái tim ông.
Nhớ luôn em hỡi nhớ hoài
Mái đầu em tựa tóc ngời hào quang
Xa em giờ phải lỡ làng
Không vui cũng chẳng dễ dàng đâu em.
Anh còn nhớ mãi những đêm
Lào xào trong lá êm đềm bạch dương
Dẫu ngày khi ấy ngắn hơn
Choàng đôi ta ánh trăng xuân lại dài…
Những câu thơ trên của Esenin do Xuân Diệu dịch trong một bài thơ nổi tiếng của ông, bài “Tôi nhớ”, càng làm chúng ta hiểu những mối tình hào nhoáng và nhạt nhẽo chốn phồn hoa đô hội chỉ làm Exenin nuối tiếc khôn nguôi những kỷ niệm trong trẻo hồn nhiên nơi thôn dã.
Trong thơ Esenin, làng quê Nga, cảnh vật Nga hiện lên trong một thứ ánh sáng luôn tinh khôi, trong một tình yêu có sức mạnh cảm hoá lạ lùng: Cánh đồng luá xác xơ vừa gặt, con đường mùa đông tuyết phủ, ánh lửa của lò sưởi, tiếng kêu của chiếc cối xay gió, mùi thơm của tử đinh hương, sắc vàng của vầng trăng, màu đỏ của mặt trời quê hương, âm điệu day dứt mệt mỏi của tiếng đàn Baian.
I.Erenbua nhận xét: “Cái làm nên sức sống lâu bền vĩnh cửu của thơ Esenin chính là một nỗi buồn sâu lắng dịu dàng”. Có lẽ nên thêm đó là nỗi buồn hết sức chân chất, nhân hậu – nỗi buồn Nga. Có ai đó đã nói: nỗi buồn là đặc trưng của tâm hồn Nga, và vì thế là đặc trưng của nghệ thuật Nga. Văn hào Nga A.Sêkhốp từng nói: “những người tốt thường buồn”. Đó là nỗi buồn vì cái chưa hoàn hảo của cuộc đời, của con người và của bản thân mình, nỗi buồn của những con người trung thực, vô tư, thanh cao.
Tâm hồn cực kỳ nhạy cảm của Esenin luôn quan tâm đến tất cả những gì liên quan đến đời sống của con người và muôn vật, tới cả những điều mà người khác dễ dàng bàng quan thờ ơ nhất: Những giọt nước mắt của con chó mất con, tiếng thở dài của những cánh rừng cuối thu, nỗi tuyệt vọng của một con ngựa đói… Dù cuộc đời ông là một chuỗi dài của những bất hạnh (I.Erenbua từng viết, ông chưa thấy ai phải chịu nhiều bất hạnh như Esenin) nhưng Esenin chẳng bao giờ khóc than, cay độc, ông vẫn “tin hạnh phúc là có thực” và “niềm vui cuối cùng sẽ đến ở tương lai”.
Nhưng thôi mà thôi nhỉ có sao đâu
Những gì tôi yêu tôi đều đã biết
Giờ tôi nhận cái rùng mình rẫy chết
Như một điều âu yếm mới thêm thôi.
(Bằng Việt dịch)
Có lẽ hiếm ai nói về cái chết nhẹ nhàng, thanh thản, chủ động như Esenin. Và đúng vào năm 30 tuổi, lúc đang ở đỉnh cao của danh vọng, vào giai đoạn chín muồi của tài năng, Esenin đã tự tìm đến cái chết bằng cách buộc một sợi dây vào lò sưởi rồi tự thắt ngang cổ mình, để lại một bài thơ viết bằng máu tươi, trong đó có hai câu thơ mà mọi người Nga đều nhớ:
Trên đời này, chết, chẳng có gì là mới
Nhưng mà sống, tất nhiên, nào có mới gì hơn.
Vì hai câu thơ oan nghiệt trên, mà lúc đó nhà thơ tài hoa bạc mệnh này bị coi là một tên Kulắc phản động nguy hiểm và Maiakốpxki đã phải viết cả một bản trường ca để ngăn chặn ảnh hưởng tai hại của nó.
Nhưng thời gian rất công bằng với mọi giá trị văn hoá, nhân văn. Đời Esenin, thơ Esenin, nỗi buồn Esenin thực ra là một ví dụ tiêu biểu cho điều kỳ diệu mà Chế Lan Viên gọi là “Kẻ dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ” . Ta không thể nào hình dung nổi thơ ca Nga, nền thi ca vĩ đại của nhân loại, nền thơ ca của hàng loạt những người khổng lồ: Putskin, Léc-man-tốp, Block, Pasternac, Sipasép, Akhmatova, Eptusenco, Vưxotxky… lại thiếu khuôn mặt trong sáng, giọng nói thủ thủ chân thành của S.Esenin. Nhân dân Nga yêu ông, tự hào về ông. Ông vẫn là nhà thơ được thuộc nhiều nhất của mọi thế hệ người Nga. Và dù thơ ông là loại thơ cực kỳ khó dịch vì nó quá gắn bó với tâm hồn Nga, thiên nhiên Nga, ngôn ngữ Nga, Esenin vẫn là một trong những nhà thơ Nga được đọc nhiều nhất trên thế giới.
Thơ Esenin đến với Việt Nam hơi muộn so với các tác giả văn học Nga khác. Những bài thơ đầu tiên của Esenin được giới thiệu rộng rãi với bạn đọc Việt Nam vào đầu những năm 60 qua các bản dịch của nhà thơ Xuân Diệu (từ Pháp văn). Ngay từ đấy, Esenin nhanh chóng trở thành người bạn đồng hành của nhiều thế hệ Việt Nam. Trong ba lô của nhiều người lính vượt Trường Sơn đi giải phóng đất nước những năm 70, có những bài thơ Esenin (hoặc một tuyển tập nhỏ tiếng Nga, hoặc là những bản chép tay lời dịch của Xuân Diệu, Thuý Toàn, Bằng Việt…). Kỳ lạ thay, những vần thơ đau buồn sâu thẳm của ông lại góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần của những người lính chống Mỹ.
Sinh thời, Esenin có một câu thơ rất hay: Những gì đã qua không bao giờ trở lại. Hay, nhưng chỉ đúng một nửa. Có những cái đã qua sẽ vĩnh viễn qua đi. Nhưng có những cái đã qua sẽ luôn luôn trở lại. Thơ Esenin nằm trong trường hợp thứ hai. Esenin đã mất từ hơn 90 năm trước, nhưng thơ ông thì còn trở lại mãi, với nước Nga, còn trở lại mãi, với nhân loại.
Nguyễn Thế Khoa