Đọc Thời nắng xanh & những bài thơ khác của Trương Nam Hương, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022.
Tôi ấn tượng ngay với cái màu nắng xanh của nhà thơ Trương Nam Hương. Người ta hay nói nắng vàng, nắng hồng, cũng có cả nắng tía (Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa – Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ). Nhưng nắng xanh thì ít gặp. Phải chăng đó là màu nắng trong trẻo, trẻ trung, được nhìn bằng cặp mắt trẻ của tuổi xanh. Cái nắng tôi bắt gặp trong thơ Vũ Quần Phương của một cặp đôi trẻ không thể lẫn:
Chúng mình đi giữa người ta
Áo chan chan nắng môi ngà ngà say
(Hoài niệm)
Trương Nam Hương đã in 9 tập thơ, đây là tập thơ thứ 10. Không biết có phải là một tuyển thơ sớm hay không. Nhưng có một điều rất khó cho người bình là vì những bài thơ của Trương Nam Hương trong tập này không ghi ngày tháng năm, thành ra có muốn theo dõi sự phát triển của cảm xúc, sự thay đổi góc nhìn cuộc sống, hoặc nói về sự trưởng thành của bút pháp là chuyện gần như không thể. Thế là đành phải theo tác giả rong ruổi qua 145 bài thơ cùng với 2 phụ bản của Nguyễn Quang Thiều, một phụ bản của Nguyễn Chinh.
Tập thơ này có hai phần. Phần thứ nhất gồm 47 bài thơ 4 câu (bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ – tứ tuyệt – và lục bát) và phần thứ hai gồm 98 bài thơ nhiều hơn 4 câu. Bài dài nhất mang tên “Thời nắng xanh” đặt tên cho cả tập. Nhìn chung nhà thơ không viết kiểu cách tân rối rắm, khó hiểu, thách đố người đọc, chỉ có một số bài chia khổ ba câu khác với thông thường, nhưng vẫn dễ đọc dễ cảm. Có thể nói Trương Nam Hương tự tin vào nội lực của thơ mình, không chạy theo thời thượng. Đó la điều cần khẳng định ở một cây bút đã ở vào độ chín.
Có thể thấy nhà thơ đi nhiều vùng miền của đất nước. Từ Bạc Liêu, Cần Thơ, Đà Lạt, qua Huế, Hà Nội, Bắc Ninh, lên Lạng Sơn. Ở đâu anh cũng có bạn, và có “em” khiến cho “Đủ anh say trong mắt một người” (Ngẫu hứng Bạc Liêu) và rồi để lại những vần thơ nhớ nhung “em”, nhớ nhung miền quê đẹp. Đó là các bài thơ tình “Lỗi hẹn sông Cầu”, “Sông Tiền ngày xa em”, “Gửi Cần Thơ”, “Chiều ấy Hải Phòng”, “Chiều Đà Lạt”, “Vào quán với Cúc họa mi”, “Màu Huế”, “Biên Hòa bạn và em”, “Viết ở Nghi Tàm”.
Những câu thơ ắp đầy thương mến:
Ôi nỗi nhớ cứ đòi anh phải ướt
Để được cùng Tam Bạc hóa vào nhau
…
Ôi nỗi nhớ cứ đòi anh tan chảy
Để nhập vào sông Cấm dịu dàng thương
(Chiều ấy Hải Phòng)
Sài Gòn bất chợt tinh khôi
Là khi hoa cúc đến ngồi với anh
(Vào quán với Cúc họa mi)
Váy người ngắn đến mê li
Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài
Áo sương cúc gió lơi cài
Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm
(Viết ở Nghi Tàm)
Trương Nam Hương có khá nhiều bài viết về các nhân vật Lịch Sử và nhân vật Văn học. Anh viết về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Đồ Chiểu, Sơn Nam, Thảo Phương. Về các nhân vật văn học anh viết “Chử Đồng Tử”, “Gặp Kiều tiết thanh minh”, “Trăng Thị Nở”, “Ưu tư Thị Mầu”, “Tâm sự nàng Thúy Vân”, “Chí Phèo tự bạch”. Mỗi bài đều có những cm nhận dễ được đồng cảm. Đáng kể nhất là bài “Tâm sự nàng Thúy Vân”. Bạn đọc cho rằng nhà thơ đã thấy nỗi niềm đau khổ của cô Vân, lấy Kim Trọng theo sự ủy thác của Thúy Kiều. Nàng Vân một đời làm vợ hờ của chàng Kim, nhưng tình cảm của chàng chỉ dành cho Thúy Kiều. Bởi thế mà:
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!
Các bạn trẻ rất đồng tình với tác giả.
Tuy vậy, tôi có băn khoăn rằng thời của Thúy Vân, Thúy Kiều, chuyện “chị ngã em nâng” là chuyện bình thường. Một chàng trai như Kim Trọng là niềm mơ ước của bất cứ cô gái nào thời đó. Trong Kim Vân Kiều truyện, cô Vân còn xui Kiều lấy Kim Trọng rồi cho mình lấy chung “Chị đã vừa mắt và hợp ý, chi bằng lấy quách chàng ta và kéo luôn cả em đây nữa, chẳng cũng tốt sao?”. Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều đã bỏ chi tiết này, nhưng vẫn để cả hai chị em đều yêu mến chàng Kim. Có thế thì Vân mới đồng ý cho chị trao duyên. Vậy thì “luật sư” Trương từ quan điểm hiện đại mà bênh Thúy Vân, chứ cô Vân tuyệt đối không có ý “kiện cáo” gì bà chị!
Về nhân vật Thị Mầu, tôi cho rằng cách xử lí của Trương Nam Hương là đúng mực. Có quá nhiều người ca ngợi Thị Mầu dám yêu, mãnh liệt. Đó là bị ám ảnh bởi nhân vật Thị Mầu trên sân khấu. Cô Mầu khát tình, liều lĩnh với anh Nô, có thể thông cảm được. Nhưng đổ vạ cho Thị Kính, đem con bỏ cửa chùa là một hành động đáng lên án, phê phán. Thị Mầu là vai nữ lệch không thể khen được. Cho nên “Ưu tư Thị Mầu” là đúng mực khi nhà thơ viết:
Chị em mình phận đàn bà
Cỏ dù cao thấp vẫn là cỏ thôi
…
Tên em bồ hóng cửa chùa
Gỡ tai tiếng mãi đến giờ chưa bong
(Ưu tư Thị Mầu)
Hầu hết các bài thơ trong tập đều là những nỗi nhớ, những kỉ niệm về quá khứ, “thời nắng xanh” với Bà, với Mẹ người làng Quan họ, với cha người Huế, với bạn bè một thuở trẻ trung, hồn nhiên, không ít lơ ngơ, vụng dại. Nhà thơ có chủ định đặt những vần thơ về mẹ mở đầu tập thơ và bài cuối “Thời nắng xanh” viết về bà ngoại. Anh là người duy tình, đa cảm, luôn trở lại, quay về, hoài nhớ. Tình cảm đó thật đáng trân trọng. Những câu thơ thấm đẫm tình cảm và lòng biết ơn Hà Nội:
Một thời Hà Nội mộng mơ
Đắm mê hoa sữa đến giờ chưa tan
Một thời Hà Nội hiên ngang
Giữa bom rơi, hứng quả bàng chín rơi
Một thời Hà Nội cùng tôi
Mũ rơm, lọ mực, nếp xôi đến trường
Một thời Hà Nội thảo thương
Sẻ chia lát đậu, thìa đường, mớ rau
Một thời Hà Nội buốt đau
Khâm Thiên trắng xót mái đầu khăn tang
(Một thời Hà Nội)
Cũng không ít những bài thơ có giọng buồn buồn, gói ghém những nỗi buồn của đời thường.
Rưng rưng con thắp nỗi buồn vào thơ (Chùa Vĩnh Nghiêm)
Buồn từ lơ lắc nghiêng đâu cũng buồn (Hoa lau)
Niềm tin giương nỏ nỗi buồn trúng tên (Tạp nghĩ)
Chiều nay mùa thở đầy ta nỗi buồn (Tiếng thở của mùa)
Cũng có khi nỗi buồn từ một cuộc tình tan vỡ:
Bản dửng dưng ghế dửng dưng
Hai dưng dửng ấy đã từng yêu nhau
(Tình buồn)
Nỗi buồn ấy là có thật. Nhưng nó làm cho cuộc đời thêm gia vị, thêm màu sắc; nó góp phần thanh lọc tâm hồn để con người trở nên rộng lượng, bao dung.
Cũng không ít lần, bạn đọc bắt gặp nụ cười trong cái nhìn hóm hỉnh của một người yêu đời, vui tươi. Chẳng hạn:
Ngập ngừng hoa đại thơm rơi
Một chuông vừa dứt, hai môi chụm vào
(Vườn chùa)
Hoặc là:
Những giọt trong veo mở lòng mùa Hạ
Gió thiên đường cuồng dại dưới môi cong
(Cuối cơn mưa)
Đây nữa:
Cũng may đêm ấy trăng sao nhắc
Không lại dìm nhau xuống đáy thương!
(Cỏ và em)
Và đây nữa:
Bạn Cần Thơ có thơ đây
Sông văng vẳng hát Thơ hay mới Cần!
(Gửi Cần Thơ)
Cũng cần ghi nhận sự đóng góp vào kho từ vựng khi nhà thơ tạo ra những từ mới. Thoạt nhìn hay nghe thì thấy lạ, nhưng nằm trong trường nghĩa của câu thơ thì lại rất hợp lí, và độc đáo: Thu nhơm nhớm tím, trời đất ngây ngoai quá, hai dưng dửng ấy, buồn từ lơ lắc, Tiếng sông úng ớ, Thun thăn váy lá, cây khẳng khơ cô độc, bạn cười nhúm nhó, đường tình cong quẹo, Nhếch nhơ hè phố, nhấp nhoi phận người, Thôi mình thung thẳng bước bằng tin yêu,…
Trương Nam Hương là người viết bền bỉ và có nhiều thành tựu. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý của các tổ chức uy tín. Nhưng trong số các giải thưởng đó, tôi đặc biết chú ý giải thưởng của báo Người Lao động trao tặng anh: Nhà thơ được yêu thích nhất (1992). Tất nhiên, sẽ có những độc giả khó tính, không thích, hoặc không yêu vì gu khẩu vị. Nhưng thời điểm ấy, nhiều người yêu thích thơ anh. Đến bây giờ có thể thêm mà cũng có thể bớt đi không đáng kể. Trong số những người vẫn bền bỉ yêu thích thơ anh, có người viết những dòng này.
Hà Nội, 27 tháng 2 năm 2022
Vũ Nho