Don Marx, sinh viên sinh học hải dương đến từ Cape Town bắt được con cá thợ mộc có rận ăn lưỡi ký sinh trong miệng khi đi câu gần mũi Cape Agulhas.
Don từng nghe nói về loài rận trên nhưng chưa từng trông thấy nó trong tự nhiên. Nhưng sau khi gửi ảnh cho giáo sư Nico Smit, nhà động vật học ở Đại học tây Bắc, Don rất vui mừng do phát hiện loài rận đặc biệt này chưa bao giờ được chụp ảnh trước đây.
“Là một nhà khoa học hải dương và đã câu cá từ nhỏ, tôi đã thấy khá nhiều động vật ký sinh trên cá và cá mập”, Don chia sẻ. “Nhưng không thứ gì có thể khiến tôi thực sự bất ngờ như khoảnh khắc mở miệng con cá thợ mộc và trông thấy đôi mắt xanh như người ngoài hành tinh đang nhìn tôi chằm chằm. Đây là loài rận ăn lưỡi chỉ ký sinh trong cá thợ mộc”.
Rận ăn lưỡi đã được biết tới suốt nhiều thập kỷ, nhưng trong những năm gần đây, giới nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu sâu về chu kỳ sống và hành vi của chúng. Họ cho rằng mọi loài rận ăn lưỡi đều bắt đầu vòng đời dưới dạng con đực, trôi dạt trong đại dương và tìm kiếm vật chủ để bám vào. Mỗi loài rận trong tổng số 280 loài rận ăn lưỡi đã được nhận dạng, dường như chỉ nhắm vào một loài cá.
Sau khi con rận tìm thấy vật chủ thuộc loài cá phù hợp, nó bơi qua mang cá và biến cơ thể con cá thành nơi ở. Nếu không có con rận khác ở sẵn từ trước, con rận mới sẽ tìm đường tới miệng cá, bám chặt vào lưỡi vật chủ. Sử dụng càng trước, nó cắt đứt mạch máu trong lưỡi, sau đó kiếm ăn bằng cách hút máu vật chủ.
Trong suốt thời gian này, con rận đực biến đổi thành giống cái, cơ thể nó lớn gấp vài lần cùng với những chiếc chân để bám vào miệng cá. Trong khi đó, đôi mắt của nó thu nhỏ do không cần định vị nữa. Khi lưỡi teo đi và rơi ra ngoài do thiếu máu, con rận bám vào cuống lưỡi và thay thế hoàn toàn.
Theo một nghiên cứu năm 1983, rận ăn lưỡi thay thế chức năng cơ học của lưỡi bằng cách giúp con cá giữ mồi ở vòm họng khi ăn. Đây là loài ký sinh duy nhất thay thế hoàn toàn chức năng của một cơ quan ở vật chủ. Rận ký sinh sẽ sống trong miệng cá cả đời, hút máu và chất nhầy của con cá, nhưng không gây thêm tổn thương nào khác.
Nếu tìm thấy một con rận cái đã ở sẵn từ trước, rận đực sẽ bám vào mang cá. Nó sẽ sống cả đời trong mang cá, thỉnh thoảng giao phối với rận cái, sinh ra con non bơi ra ngoài qua mang sau khi đẻ để tìm vật chủ của riêng nó. Một con cá có thể trở thành vật chủ của một con rận cái và vài con rận đực. Những con cá như vậy thường nhẹ cân do bị nhiều vật ký sinh hút máu.
Ở nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, rận ăn lưỡi chỉ rời khỏi miệng cá khi vật chủ chết, thường nó sẽ nán lại ở đầu hoặc thân con cá. Tuy nhiên, giới nghiên cứu không biết rõ điều gì xảy ra với rận ăn lưỡi nếu vật chủ của chúng chết trong tự nhiên. Nhiều khả năng cái chết của vật chủ cũng kéo theo cái chết của rận ký sinh.
Theo DailyMail