Trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội Quan Thế Âm Đà Nẵng 2025 tại Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng diễn ra từ 16-3 đến 18-3-2005 (17 đến 19-2 Ất Tỵ), vào ngày 17/3 vừa qua, Ban Văn hóa Phật giáo TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm về Tuyển tập âm nhạc Phật giáo Hải Triều Âm, do Nhà xuất bản Tôn Giáo ấn hành (tháng 2/2025) với gần 100 ca khúc phổ từ thơ của các thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thích Huệ Hướng, Tuệ Sĩ, Thái Huyền, Trường Khánh… và nhiều nhà thơ khác.
Tại buổi Toạ đàm và ra mắt Tuyển tập âm nhạc Phật giáo Hải Triều Âm.
Bìa sách Tuyển tập âm nhạc Phật giáo Hải Triều Âm.
Tại buổi toạ đàm, tham luận của các nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh (Chi hội phó Hội nhạc sĩ Việt Nam tại Đà Nẵng), Cao Tâm (Ủy viên BCH Hội nhạc sĩ Đà Nẵng) đã đi sâu vào phân tích chuyên môn, giúp người nghe cảm nhận, thấu hiểu nhiều hơn về những hình ảnh rất đẹp, nên thơ, lời ca hòa quyện với giai điệu trong nhiều ca khúc của tuyển tập Âm nhạc Phật giáo “Hải Triều Âm”. Các nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm (Chủ tịch LH các Hội VHNT Đà Nẵng), nhà nghiên cứu Hoàng Dục (Hội nhà văn Đà Nẵng) qua các phần trình bày của mình khẳng định, đây không chỉ là một công trình nghệ thuật mà còn là một món quà tinh thần quý giá dành cho tất cả những ai yêu mến đạo Phật và âm nhạc, mà cụ thể: Đà Nẵng – một thành phố giàu truyền thống văn hóa và tâm linh – chắc chắn sẽ là một trong những trung tâm quan trọng trong hành trình lan tỏa âm nhạc Phật giáo.
Một tiết mục phụ diễn minh họa ca khúc từ Tuyển tập Hải triều âm.
Nhà thơ nữ Nguyễn Thuỵ Sơn (Hội nhà văn Đà Nẵng), tập trung phân tích đi sâu về các bài thơ phổ nhạc khẳng định: “Âm nhạc Phật giáo qua ngôn ngữ của nhà thơ những thiền sư NHật Hạnh, Thái Huyện, Tuệ Sĩ…, đã trở thành một phương tiện kỳ diệu để đưa Phật pháp vào đời sống, làm dịu đi những nỗi đau và thắp sáng con đường tỉnh thức. Nhà báo Trần Trung Sáng (Trưởng đại diện Tạp chí Văn Hiến VN tại Đà Nẵng) đã cập nhật những thông tin xuyên suốt dòng thời sự, từ ca khúc Phật giáo A di đà Phật của nhạc sĩ Thẩm Oánh đầu tiên góp mặt trong buổi đầu phát triển của nền Tân nhạc Việt Nam, đến những bài đạo ca của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư… , rồi đến những bài ngợi ca, đón mừng Vesak trong Tuyển tập Hải triều âm lần này như: Mừng đón Vesak của Trường Khánh, Vesak mừng Đại lễ của Thái Phú (phổ thơ Thái Huyền)…như là một đóng góp có ý nghĩa vào sự kiện Đại lễ Phật giáo Liên hợp quốc Vesak 2025 sắp diễn ra trong thời gian đến.
Trần Trung Sáng.