Dù là bậc minh quân mở mang bờ cõi, nhưng chúa Nguyễn Phúc Khoát lại bị quyền thần Trương Phúc Loan lôi kéo, dần dần bỏ bê việc nước, khiến cơ nghiệp 8 đời chúa Nguyễn phút chốc bị sụp đổ.
Trương Phúc Loan là con thứ của Thái bảo Phan quốc công Trương Phúc Phan và Công nữ em gái của chúa Nguyễn Phúc Thụ. Vậy nên dù không lập công trạng gì nhưng Trương Phúc Loan rất thân cận gần gũi với Chúa.
Khi Thế tử Nguyễn Phúc Khoát lên nối ngôi thì thể hiện là một vị minh quân, người dân thường gọi là chúa Võ. Ông tiếp tục sự nghiệp của tổ tiên khai phá xuống phía nam, khiến Cao Miên liên tục dâng các phần đất còn lại ở Nam bộ là Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Năm 1758, cả một vùng đất Nam bộ đã thuộc về Chúa Nguyễn. Công cuộc nam tiến của các đời chúa Nguyễn đến đây cũng kết thúc. Cuộc sống người dân Đàng Trong rất thái bình và sung túc.
Tuy nhiên Trương Phúc Loan vì muốn nắm lấy quyền lực nên gần gũi rủ rê Chúa, khiến Chúa đi dần vào con đường tửu sắc. Và trong khi chúa Nguyễn Phúc Khoát vui chơi hưởng lạc thì Trương Phúc Loan giả ngỏ ý giúp đỡ Chúa, thuyết phục rằng việc nước cứ để ông ta xử lý giúp.
Từ đó Trương Phúc Loan trở thành quyền thần nắm hết mọi việc. Ông ta dần cho người của mình nắm hết các chức vụ quan trọng, thao túng Đàng Trong.
Năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, di chiếu truyền ngôi lại cho con là Nguyễn Phúc Luân (phụ thân của vua Gia Long) năm ấy 33 tuổi. Trương Phúc Loan thấy Nguyễn Phúc Luân đã trưởng thành, lại thông minh quyết đoán, cho rằng người như thế khó có thể thao túng được.
Trương Phúc Loan bèn bắt giam Nguyễn Phúc Luân, giết chết những người thân tín của ông, rồi lập chiếu chỉ giả đưa Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa hiệu là Định Vương. Nguyễn Phúc Luân bị giam thì lâm bệnh mà mất vào tháng 10/1765. Định Vương phong cho Trương Phúc Loan làm Quốc Phó.
Trương Phúc Loan dù nắm quyền lực, nhưng vẫn e dè một người là Nguyễn Cư Trinh vốn lập nhiều công trạng và được lòng dân.
Năm 1767, Nguyễn Cư Trinh qua đời, không ai có thể ngăn Trương Phúc Loan được nữa. Ông ta hại chết nhiều vị quan có tâm.
Trương Phúc Loan còn liên tục vơ vét quốc khố. Các nguồn thu chính cho quốc khố là thuế ở cảng sông cảng biển và nguồn thu tài nguyên khoáng sản. Trương Phúc Loan chỉ nộp quốc khố 1, 2 phần, còn lại thì bỏ vào túi riêng.
Ông ta cũng bán chức quan, chạy ngục để thu tiền, vì thế mà tài sản nhiều không kể xiết.
Tương truyền có năm nước lũ lên làm ngập một dinh thự của Trương Phúc Loan, khi nước rút ông ta đem vàng bạc ra sân phơi khiến sáng cả một góc trời.
Đàng Trong đang hưởng cảnh thái bình bỗng trở nên loạn lạc, quốc khố đầy ắp trở nên trống rỗng, người dân ca thán gọi quyền thần Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là gian thần hãm hại Nhạc Phi thời nhà Tống).
Lợi dụng tình hình đó, năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Khẩu hiệu ban đầu của quân Tây Sơn là diệt Trương Phúc Loan, phò hậu duệ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương (con thế tử quá cố Nguyễn Phúc Hạo), nhờ thế mà được người dân tham gia đông đảo. Nguyễn Nhạc cho quân chiếm được thành Quy Nhơn.
Nhận được tin báo, Định Vương cho quân đánh dẹp Tây Sơn nhưng đều thất bại. Người được làm tướng bấy giờ vốn là do bỏ tiền mà mua nên khả năng điều binh khiển tướng khó, lại thêm quốc khố cạn, binh sĩ bất mãn, dùng tiền trốn lính, v.v..
Đến năm 1774, danh tướng lúc đó là Nguyễn Cửu Đàm, Tống Phúc Hợp xuất quân mới kìm chế được quân Tây Sơn.
Lúc này ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh Sâm nghe tin tình hình Đàng Trong thì liền điều Hoàng Ngũ Phúc cùng một số tướng lĩnh xuất quân nam tiến, lấy cớ giúp chúa Nguyễn đánh Tây Sơn.
Hoàng Ngũ Phúc cho quân chiếm Bố Chính (Quảng Bình ngày nay), rồi vượt sông Gianh, đánh đâu thắng đó.
Tháng 11/1774, chúa Trịnh Sâm đích thân mang thêm quân đến Nghệ An trợ giúp Hoàng Ngũ Phúc. Đến đâu Chúa cũng nghe tiếng dân tình oán thán Trương Phúc Loan, liền thông cáo thiên hạ tiến quân vào nam là nhằm diệt trừ quyền thần Trương Phúc Loan để lợi dụng lòng dân.
Nhận thấy tình thế Đàng Trong lâm nguy, một số tướng bàn với Định Vương mời Trương Phúc Loan đến bàn việc nước rồi bắt luôn ông ta, nộp cho Hoàng Ngũ Phúc.
Tại dinh quân Trịnh, Trương Phúc Loan sai con là Trương Phúc Tuấn dùng vàng bạc châu báu đưa cho Hoàng Ngũ Phúc để mong cho mình được yên. Tuy nhiên Trương Phúc Loan vẫn bị giải về Thăng Long và chết trên đường đi vào năm 1776.
Của cải dinh thự của Trương Phúc Loan bị loạn quân cùng dân chúng xông vào cướp phá, nhiều không kể xiết.
Đó là cái kết của quyền thần khét tiếng Trương Phúc Loan.
Sau khi quân Trịnh rút về bắc, quân Tây Sơn đánh bại chúa Nguyễn, giết luôn cả Nguyễn Phúc Dương, người vốn được Tây Sơn có khẩu hiệu phò tá lúc ban đầu.
Gia tộc chúa Nguyễn cũng bị tàn sát hết chỉ còn sót lại con trai của Thế tử Nguyễn Phúc Luân là Nguyễn Phúc Ánh may mắn được người dân Nam Bộ giúp đỡ che dấu mà thoát chết.
Nguyễn Phúc Ánh mang trên vai gánh nặng khôi phục chúa Nguyễn, dù gian nan vất vả nhưng rốt cuộc ông cũng thành công khi đánh bại được nhà Tây Sơn. Nguyễn Phúc Ánh khôi phục lại được cơ đồ của tổ tiên, ổn định xã Tắc. Đến đời vua Minh Mạng thì Cao Miên và Ai Lao phải thần phục, biên giới đất nước rộng lớn gấp 1,7 lần so với hiện nay.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát ban đầu vốn là bậc minh quân, nối tiếp sự nghiệp của tổ tiên, khai phá vùng đất phương nam, mở rộng bờ cõi, sáp nhập vùng đất Nam bộ, định hình được bờ cõi như ngày nay. Nhưng chỉ một phút lơ là nghe theo Trương Phúc Loan, đam mê tửu sắc mà dần dần bỏ bê việc nước, khiến cơ nghiệp 200 năm của 8 đời chúa Nguyễn phút chốc bị sụp đổ. Bài học lịch sử ấy thời đại nào cũng cần ghi nhớ.
Theo https://danviet.vn/quyen-than-khien-co-nghiep-8-doi-chua-nguyen-sup-do-la-ai-20210102175550553.htm