Thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngành, các cấp dốc toàn lực để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn có một số vấn đề khiến nhiều người bận tâm rằng việc làm đó có đúng với quy định pháp luật hay không. Đơn cử như việc đưa thông tin cá nhân, hình ảnh, clip của người bệnh, người vi phạm Chỉ thị 16 lên mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.
Bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền riêng tư của bệnh nhân mắc Covid-19
Vừa qua, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ban hành Công văn khẩn số 4690 gửi các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, khu cách ly y tế trên địa bàn TP.HCM và các cơ quan, đơn vị thuộc Sở Y tế, lưu ý người dân, cán bộ, nhân viên y tế nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền về bí mật riêng tư của bệnh nhân và các quy định về cung cấp thông tin, đăng tải thông tin lên mạng xã hội.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 từ trước đến nay, quyền riêng tư của bệnh nhân mắc Covid-19 chưa được quan tâm, thậm chí bị xâm phạm ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng đến đời sống của họ. Theo quy định tại Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh: Bệnh nhân có quyền giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Như vậy, việc tự ý đăng tải, lan truyền thông tin người nhiễm bệnh Covid-19 là hành vi trái pháp luật dù vô tình hay cố ý.
Thực trạng về tôn trọng hình ảnh, bí mật cá nhân đang ngày càng bị xâm phạm một cách dễ dàng là do bất kỳ người nào cũng có smartphone với đầy đủ chức năng quay phim, chụp hình, ghi âm dễ dàng đưa những thông tin hình ảnh được ghi lại lên mạng internet chỉ với một click. Một số báo còn vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm này kèm theo những cái tít giật gân đến nỗi người nhà bệnh nhân phải lên tiếng.
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật dân sự 2015, việc tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đưa lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý cho phép của người đó là vi phạm quyền nhân thân của cá nhân. Trường hợp cần sử dụng thông tin hình ảnh của cá nhân nhằm mục đích giáo dục, cảnh báo, phòng ngừa các hành vi gây hại cho xã hội chỉ được thực hiện khi có căn cứ đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục do pháp luật quy định.
Đưa hình ảnh, clip người vi phạm Chỉ thị 16 lên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhiều hình ảnh, clip do người thực thi công vụ ghi lại được phát tán trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người trong cuộc, khiến họ hứng chịu nhiều chỉ trích thậm tệ từ dư luận xã hội. Nếu người này là người nhạy cảm, dễ bị tổn thương, có khả năng họ sẽ bị sang chấn tâm lý, có những suy nghĩ, hành động tiêu cực. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin cá nhân phải được sự đồng ý của người đó.
Tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định quyền bất khả xâm phạm về danh dự, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được pháp luật bảo vệ và công nhận.
Như vậy, những cá nhân, tổ chức tự ý đưa hình ảnh, clip nói trên lên mạng xã hội là đang vi phạm pháp luật.
Chế tài cho người thực hiện hành vi vi phạm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm buộc phải chấm dứt vi phạm, tháo gỡ hình ảnh và xóa bỏ thông tin vi phạm khỏi mạng xã hội, đồng thời phải xin lỗi, cải chính công khai theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015, nếu hành vi vi phạm trên gây thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần thì người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị xâm phạm theo thỏa thuận của các bên.
Trường hợp không thỏa thuận được, mức bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật không quá 10 lần mức lương cơ sở. Nếu hành vi đó do người có thẩm quyền gây ra trong khi thi hành công vụ thì phải xem xét bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Người vi phạm buộc phải hoàn trả sau khi Nhà nước bồi thường cho người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp đối với hình ảnh, thông tin, bí mật đời sống riêng.
Đối với trách nhiệm hành chính, theo Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người nào có hành vi cung cấp, chia sẻ đường dẫn thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng. Người nào đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng.
(Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm, nếu hành vi vi phạm được thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt là gấp đôi).
Đối với trách nhiệm hình sự, nếu hành vi xâm phạm quyền hình ảnh, thông tin, bí mật cá nhân này gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật hình sự hiện hành. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Nguyễn Ngọc Phương(T/h)