Một nội dung quan trọng trong Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII vừa ký ban hành, đó là: Công tác kiểm tra, giám sát phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung… Đây cũng là vấn đề đang được các cấp ủy đảng, chính quyền và dư luận đặc biệt quan tâm.
Chủ trương nhất quán của Đảng ta
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung không phải là vấn đề mới bởi từ khi ra đời Đảng ta đã ý thức rất rõ cán bộ là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của cách mạng. Thực tiễn đã chứng minh chỉ có quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, tạo điều kiện để cán bộ phát huy vai trò thì việc đề ra chủ trương, đường lối mới đúng đắn, phù hợp và việc tổ chức thực hiện mới nhanh chóng, chặt chẽ, hiệu quả.
Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta đều có các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ và có cơ chế bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ khẳng định mình. Đặc biệt sau khi nước nhà thống nhất, để bảo đảm cho Ðảng đủ sức làm tròn trách nhiệm lãnh đạo toàn dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, cùng với đặt ra yêu cầu thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, Đảng ta đã nhấn mạnh, cần đấu tranh loại bỏ tư tưởng: “Trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán…”.
Các nhiệm kỳ đại hội sau đó, Đảng ta tiếp tục đề cập rõ hơn về việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Chẳng hạn tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ V, sau khi thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh, nhiệm kỳ mới cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý”; cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.
Tuy cách thức thể hiện có khác nhau để phù hợp với tình hình cụ thể, nhưng ở các kỳ Đại hội VII, VIII, IX, X, XI và XII vấn đề phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ đều được Đảng ta coi trọng. Sau Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung… Tiếp tục tinh thần ấy, đến Đại hội XIII, Đảng ta một lần nữa khẳng định: Có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…
Thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung
Quy định 22 là một bước cụ thể hóa quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII. Quy định 22 yêu cầu: “Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung”, là rất đúng, rất trúng và kịp thời.
Từ phong trào hành động cách mạng những năm qua xuất hiện rất nhiều những tấm gương cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, trên thực tế tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ vẫn gặp không ít những rào cản. Đặc biệt là quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ gặp phải nhiều vướng mắc, dễ gây rủi ro về nguyên tắc và pháp lý bởi hệ thống các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước chưa hoàn thiện, thậm chí có những điểm chồng chéo, thiếu thống nhất hoặc không phù hợp với thực tiễn. Làm cán bộ lãnh đạo nhiều lúc như đi trên dây, bởi ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh. Nhiều khi cơ chế đặt cán bộ vào tình huống khó xử, không làm thì không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà làm thì rất dễ bị suy diễn, quy chụp là vi phạm nguyên tắc, trái pháp luật…
Để công tác kiểm tra, giám sát góp phần thúc đẩy, bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ thì một trong những vấn đề đáng quan tâm là phải hoàn thiện hệ thống nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo và thiếu rõ ràng. Một hệ thống nguyên tắc và pháp luật đồng bộ, thống nhất sẽ vừa bảo đảm được tính nghiêm minh của kỷ luật, pháp luật; vừa khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Công tác kiểm tra, giám sát ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng. Cùng với thực hiện chức năng tham mưu, cơ quan kiểm tra, cán bộ kiểm tra còn trực tiếp kiểm tra, giám sát và xử lý các vấn đề theo phân cấp. Do đó một trong những yêu cầu đặt ra với cơ quan kiểm tra và cán bộ kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là phải đảm bảo sự bình đẳng. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, không có ngoại lệ. Công tác kiểm tra, giám sát phải bảo đảm đúng quy trình, quy phạm, dân chủ, công khai, khách quan, thận trọng, đi đúng đường lối và phải thật sự nhân văn. Có như vậy công tác kiểm tra, giám sát mới bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, đồng thời thực sự là công cụ hữu hiệu ngăn ngừa sai phạm, tăng cường kỷ luật của Đảng, góp phần tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng và chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.
Nguyễn Phương (T/h)