Người Việt Nam hầu như ai cũng biết, nhiều người thuộc lòng Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du – bút hiệu Tố Như: Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh/Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng/Có nhà Viên ngoại họ Vương”…
Tố Như dựa vào một câu chuyện cổ Trung Quốc, qua một tác phẩm tầm thường là Thanh Tâm tài nhân, từ đó sáng tạo nên một kiệt tác đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, phản ánh cuộc sống xã hội và tâm linh người Việt.
Truyện viết bằng thơ lục bát quen thuộc, dễ ngâm dễ nhớ, nhờ vậy mau chóng lan truyền trong xã hội. Bà mẹ Việt hát Kiều ru con nằm nôi, chàng trai Việt qua mấy câu Kiều tỏ tình với cô gái. Truyện Kiều được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tiếp đó chuyển ngữ sang mấy chục thứ tiếng nước ngoài. Kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Du ra đời, Tổ chức UNESCO tôn vinh nhà thơ Việt Nam là danh nhân văn hóa. Truyện Kiều là rường cột của văn hóa Việt Nam, chứ đâu phải là văn hóa Trung Hoa.
Những người có biết ít nhiều tiếng Pháp đều không lạ vở bi hài kịch Le Cid của Pierre Corneille (1606-1684), tác phẩm chỉ ít lâu sau ngày công diễn đã trở thành mẫu mực của sân khấu cổ điển Pháp. Thời Pháp thuộc, bất kỳ học sinh nào ở nước ta học xong bậc tiểu học, muốn mon men lên cao hơn nữa, nhất thiết không thể không thành thạo vở Le Cid, mà cốt truyện cũng như danh xưng các nhân vật đều được trích từ một thiên sử thi huyền thoại Tây Ban Nha.
Năm 1919, Phạm Quỳnh chuyển tác phẩm của P. Corneille sang tiếng Việt, đăng trên tạp chí Nam Phong, Hà Nội dưới nhan đề “Lôi Xích”. Tại Huế, năm 1936, Ưng Bình Thúc Giạ Thị chuyển Le Cid thành một vở tuồng, gọi hát bội có lẽ đúng hơn, công diễn tại Huế và nhiều nơi khác ở miền Trung, đến đâu cũng được công chúng đón chờ. Tác phẩm in thành sách mang tên “Tuồng Lộ Địch”.
Le Cid là tác phẩm mà người Pháp cũng như văn học Pháp từ thế kỷ XVII đến hôm nay luôn lấy làm tự hào, chứ đâu phải là văn học Tây Ban Nha.
Bộ “Nghìn lẻ một đêm” của Antoine Galland mở đầu với câu: “Sử ký triều đại Sassanides, triều đại những nhà vua Ba Tư cổ từng mở rộng biên cương sang đất Ấn Độ cho tới nước Trung Hoa chép rằng…”. Vậy là đủ rõ. Qua bộ truyện “Nghìn lẻ một đêm”, người A Rập kể chuyện các nước Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ai Cập, Trung Hoa xưa…
Nhà văn Nga Maxime Gorki tại lời đề tựa bản dịch “Nghìn lẻ một đêm” xuất bản năm 1926 tại Leningrad viết: “Trong số các di tích tuyệt vời của sáng tác truyền khẩu dân gian, các truyện do nàng Scheherazade kể là di tích đồ sộ (…) Công trình dệt gấm bằng từ ngữ này thể hiện sức mạnh trong trí tưởng tượng của các dân tộc phương Đông – người A Rập, người Ba Tư, người Ấn Độ, phủ lên trái đất một tấm thảm từ ngữ đẹp đến lạ lùng”.
Nhà văn Pháp Antoine Galland (1646-1715) ngay khi xuất bản tập đầu Nghìn lẻ một đêm tại Paris năm 1714, đã ghi vào bên dưới đề sách Les Mille et Une Nuits, Contes arabes – truyện cổ A Rập. Tại sao người A Rập dám ẵm các truyện kể về nhiều nước thành tác phẩm của dân tộc mình? Viện sĩ Hàn lâm Pháp Jules Janin (1804-1874) lý giải: “Dân tộc A Rập là dân tộc của những nhà thơ kể chuyện. Thơ đến với họ từ lúc họ mở mắt chào đời, và trong suốt cuộc sống xen lẫn nghỉ ngơi và tất bật, họ không biết hưởng thú vui nào khác ngoài tình yêu, bằng một câu chuyện thật rối rắm, thật ly kỳ chồng chất đủ thứ đam mê phiêu lãng (…) Một câu chuyện kể cho ra kể, tức là kể sao cho thật lạ lùng, thật kỳ diệu. Chỉ cần có thế thôi là đủ cho người A Rập lắng tai buông mình vào cái nôi đu đưa của ngôn ngữ đầy nhạc điệu của họ”.
Nếu không có tài kể chuyện và thú đam mê nghe chuyện của người A Rập, có thể nhiều truyện truyền khẩu dân gian đã rơi vào quên lãng cùng dòng chảy thời gian. Nếu không có công lao của Antoine Galland chuyển từ tiếng A Rập sang tiếng Pháp rồi cho xuất bản, có lẽ các nước châu Âu và nhiều quốc gia thuộc các châu lục khác chưa có điều kiện sớm biết đến những truyện kể của người A Rập ở Trung Đông.
*
Trong thời đại ngày nay, triệu triệu người dân ra đời tại các nước khác nhau, trong đó có người Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân và mơ ước, qua nhiều phương tiện và thời điểm, đã tìm cách rời đất nước mình đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Người Việt Nam bất kỳ cư trú tại quốc gia nào, thành đạt hay gian nan, đều hướng về nguồn cội. Hầu như ai ai cũng coi mình đều là con Lạc cháu Hồng, “Dù ai buôn bán gần xa/Đến ngày Giỗ Tổ tháng ba thì về”. Do nhu cầu của cuộc sống, nhằm thích ứng với luật pháp quốc gia nơi cư trú và làm ăn, nhiều người Việt phải mang quốc tịch nước khác. Lại có những người đang kinh doanh thành đạt ở trong nước, vẫn muốn được thoải mái xuất nhập cảnh để rồi tha hồ vi vu qua nhiều xứ với những tính toán mỗi người một cách, không ít người bỏ bộn tiền ra “mua” quốc tịch nước ngoài.
Người Việt cư trú ở mọi nơi, trừ một số trường hợp cá biệt, ai ai cũng hướng về nguồn cội, ai ai cũng mong muốn tùy khả năng và hoàn cảnh, góp phần xây dựng nước Việt Nam độc lập tự do, dân giàu nước mạnh, vì hạnh phúc của mọi người. Thời gian trước đại dịch COVID-19, khi thế giới chưa phải hạn chế việc đi lại, cứ đến dịp đón Tết Nguyên đán cổ truyền là triệu triệu người Việt từ các nước khác ào ạt về thăm gia đình, bạn hữu, thắp nén hương lên bàn thờ tiên tổ, đón mừng năm mới tại quê hương.
“Quốc tịch” và “Cội nguồn” là hai câu chuyện khác nhau dù gắn kết với nhau. Người cẩn trọng thường nhìn trước ngó sau khi bàn về “quốc tịch” hay “cội nguồn” của một con người, một tác phẩm văn học, một công trình nghệ thuật, khoa học, công nghệ cổ cũng như kim.
Già Phan
Nguồn Báo Công Luận
https://congluan.vn/quoc-tich-va-coi-nguon-post199506.html