Việt Nam để quốc tang hai ngày tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Theo đó, trong hai ngày 26-27/9, các công sở, nơi công cộng sẽ treo cờ rủ và ngừng mọi hoạt động vui chơi giải trí.
Ngày 23-9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Thông cáo đặc biệt báo tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Tổn thất lớn
Theo thông cáo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sau một thời gian lâm bệnh, dù được Đảng, nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do bệnh nặng, ông đã từ trần hồi 10 giờ 5 phút ngày 21-9 (tức ngày 12-8 năm Mậu Tuất) tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong một lần tiếp xúc cử tri TP HCM hồi tháng 6-2018. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Suốt quá trình hoạt động, công tác, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ quyết định tổ chức tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang với nghi thức Quốc tang.
Nhiều cống hiến cho đất nước
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh ngày 12-10-1956; quê quán ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; thường trú tại nhà số 8, phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông vào Đảng ngày 26-7-1980; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII; Chủ tịch nước từ tháng 4-2016 đến nay; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV; Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Dưới đây là những mốc thời gian chính trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang:
Tháng 7-1972 đến 10-1975: Học viên Trường Cảnh sát Nhân dân, Trường Văn hóa ngoại ngữ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Tháng 10-1975 đến 6-1990: Cán bộ, Phó trưởng phòng, Trưởng Phòng Cục Bảo vệ Chính trị, Bộ Nội vụ.
Tháng 6-1990 đến 9-1996: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh rồi Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tham mưu An ninh, Tổng cục An ninh.
Tháng 9-1996 đến 10-2000: Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục An ninh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh.
Tháng 10-2000 đến 4-2006: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh – Bộ Công an. Được thăng quân hàm Thiếu tướng An ninh Nhân dân và phong hàm phó giáo sư năm 2003.
Tháng 4-2006 đến 1-2011: Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; được thăng quân hàm Trung tướng An ninh Nhân dân vào tháng 4-2007 và phong hàm giáo sư năm 2009. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 1-2011 đến 7-2011: Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị; Đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Tháng 7-2011 đến 12-2012: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an. Ông được thăng quân hàm Thượng tướng vào tháng 12-2011; Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Tháng 12-2012 đến 4-2016: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, được thăng quân hàm Đại tướng vào tháng 12-2012; Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Phó trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị vào tháng 1-2016. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ông được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV (tháng 7-2016), ông được bầu lại làm Chủ tịch nước.
Linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang quàn tại Nhà Tang lễ quốc gia – số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 00 phút ngày 26-9.
Lễ truy điệu tổ chức vào 7 giờ 30 phút ngày 27-9. Lễ an táng từ 15 giờ 30 phút cùng ngày tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Cùng thời gian trên, tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Hội trường UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Lễ viếng, Lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng được tổ chức.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, TP HCM và Ninh Bình.
Lãnh đạo nhiều nước chia buồn
Trước sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thay mặt Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã gửi điện chia buồn sâu sắc tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Điện chia buồn nhấn mạnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người đồng chí, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Ông có nhiều vun đắp trong việc kế thừa và phát triển tình hữu nghị Việt – Trung, tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.
Trước đó, chiều 21-9 (giờ New York – Mỹ), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước khi khai mạc phiên họp toàn thể thứ ba. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi lời chia buồn đến gia đình Chủ tịch nước và nhân dân Việt Nam. Ông Donald Trump khẳng định: “Chúng tôi sẽ không quên những đóng góp của ông cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như tiếng nói của ông cho một Việt Nam đầy tự hào và độc lập trên trường quốc tế”.
Hội đồng Nhà nước Cuba cũng thông báo quyết định để Quốc tang tưởng niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhiều lãnh đạo các quốc gia: Nga, Lào, Campuchia, Venezuela, Argentina, Mexico… đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự ra đi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nhà ngoại giao tài ba
“Trong các hoạt động đối ngoại, dù là các chuyến thăm cấp cao hay trong các hội nghị quốc tế lớn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thể hiện rõ bản lĩnh đối ngoại, làm nổi bật hình ảnh và vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế”.Đó là nhận định của TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược – Bộ Ngoại giao.
Chủ tịch nướcTrần Đại Quang và lãnh đạo các nước tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017Ảnh: TTXVN
Theo ông Thái, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược với tác phong tự tin và bản lĩnh, nhanh nhạy và khéo léo trong xử lý các tình huống về đối ngoại, nhất là trong quan hệ giữa các nước lớn. Ông đã cùng các lãnh đạo cấp cao khác xử lý thành công nhiều mối quan hệ đối ngoại phức tạp của Việt Nam, nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ quốc tế.
Có thể kể ra nhiều đóng góp quan trọng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong việc thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, Việt – Trung; trong ứng xử với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật; chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc; trong việc ra Tuyên bố Đà Nẵng và nhiều văn kiện quan trọng khác tại Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11-2017…
TTXVN dẫn lời TS Trần Việt Thái cho rằng Chủ tịch nước Trần Đại Quang không chỉ là một nhà lãnh đạo chính trị mà còn là một nhà ngoại giao tài ba. “Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quá trình đi đến phê chuẩn TPP có lúc tưởng như lâm vào bế tắc. Nhưng nhờ sự vào cuộc trực tiếp và quyết liệt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, 11 thành viên TPP còn lại đã dàn xếp ổn thỏa các khác biệt, vượt qua được tất cả sóng gió ngay tại Đà Nẵng, đưa TPP trở thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), qua đó góp phần rất quan trọng vào thành công chung của Năm APEC 2017” – ông nhớ lại. Ông Thái còn khẳng định: “Tôi nhận thấy ở ông có một đức tính quý là luôn không ngừng nỗ lực, làm việc không mệt mỏi cho đến những giây phút cuối cùng”.
Hà Giang/TTXVN