Vòm đá núi lửa có cấu trúc giống hệt thắng cảnh cổng Tò Vò được phát hiện vào năm 2014 ở độ sâu 13 m dưới đáy biển Lý Sơn. Theo nhận định của các chuyên gia, vòm đá này được hình thành trong quá trình phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm.
Năm 2014, các chuyên gia khảo cổ phát hiện một vòm đá núi lửa nằm ở vùng biển cách đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) khoảng 1 hải lý. Vòm đá này có cấu trúc giống hệt cổng Tò Vò (thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) nhưng lớn hơn nhiều lần. Tổng thể khối nham thạch tạo nên vòm đá kéo dài gần 100 m, trong đó phần mái vòm dài khoảng 20 m. Tính từ đáy biển lên, nơi cao nhất của vòm đá khoảng 5 m.
Theo nhận định của các chuyên gia khảo cổ, đây là vòm đá đẹp và kỳ vĩ nhất từng được phát hiện tại Việt Nam. Nhiều khả năng, vòm đá được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước. Trong quá trình núi lửa phun trào, nham thạch gặp nước biển đã đông cứng lại tạo nên vòm đá tương tự như cổng Tò Vò trên cạn.
Từ đầu năm 2018, huyện đảo Lý Sơn bắt đầu tổ chức hoạt động lặn ngắm vòm đá núi lửa dưới đáy biển đảo Bé. Tại đây, du khách được hướng dẫn lặn chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ thú của vòm đá với quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn.
Ngoài việc được ngắm vòm đá núi lửa kỳ vĩ, du khách còn được hòa mình vào hệ sinh thái biển phong phú của vùng biển Lý Sơn. Theo khảo sát, vùng biển Lý Sơn có 700 loài động, thực vật với gần 140 loài rong biển, 160 loài san hô, hơn 300 loài cá, 100 loài giáp xác và một số loài khác phong phú, đa dạng về chủng loại.
Cổng Tò Vò (thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm.
Theo Dân trí