Quảng Nam: Lễ hội Bà Thu Bồn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

9:26 | 17/03/2022

 

Ngày 14/3, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Bà Thu Bồn và chào đón Năm Du lịch Quốc gia “Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh”.

Lễ hội Bà Thu Bồn có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân vùng thượng lưu sông Thu Bồn, được tổ chức vào ngày 11-12 tháng 2 (âm lịch) hàng năm.

Lễ đón bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Bà Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên

Là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian được truyền lại qua bao đời nhằm thể hiện lòng thành kính, tôn vinh, tri ân công đức của Bà và các vị tiền nhân trong công cuộc mở cõi, lập làng, tạo cơ sở và điều kiện cho các thế hệ kế tiếp an cư lạc nghiệp, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội; thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Chăm, Cơtu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn.

Có rất nhiều truyền thuyết về hoàn cảnh xuất thân cũng như quá trình sinh sống của Bà Thu Bồn. Có truyền thuyết cho rằng Bà được sinh ra trong một gia đình giàu có tại làng Thu Bồn. Từ lúc lọt lòng mẹ, Bà đã có mái tóc dài ngang lưng, hàm răng trắng ngà, nước da trắng như sương và khuôn mặt đẹp tựa thiên thần.

Đặc biệt, Bà chỉ cười mà không cất tiếng khóc khi chào đời. Từ nhỏ, Bà đã có khả năng thiên bẩm về việc sử dụng các loại thảo dược để trị bệnh cứu người và động vật. Cho đến năm 50 tuổi thì Bà quy tiên đúng vào trưa ngày 12/2 âm lịch, hóa thân thành hoa sứ tỏa hương thơm ngào ngạt khắp cả một vùng.

Các bô lão tiến hành lễ đại tế tại Lăng Bà.

Dân làng thành kính cung nghinh cỗ quan tài đầy hoa sứ về thờ phụng, xây dựng lăng mộ trang trọng để đền đáp, tưởng nhớ công lao to lớn của Bà lúc sinh thời cũng như sự hiển linh của Bà sau khi mất.

Có truyền thuyết khác cho rằng, Bà Thu Bồn là nữ tướng người Chăm, có mái tóc dài rất đẹp. Khi bị lâm nạn, Bà đưa đoàn của Hoàng gia lánh nạn lên hướng Phường Rạng. Đến khi bị bao vây, Bà một mình một ngựa ở lại chống cự, khi bị ngã ngựa, mái tóc Bà vướng phải vào chân ngựa nên Bà bị tử nạn, xác Bà trôi về làng Thu Bồn, nhân dân vớt xác Bà đem chôn.

Năm đó, vùng Thu Bồn hạn hán mất mùa nhân dân đói khổ cơ hàn, Bà linh ứng về giúp dân chống đói, từ đó mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Đặc biệt, người dân vùng sông nước Thu Bồn ăn nên làm ra hơn, khi gặp sóng to gió lớn được Bà che chở, bảo hộ…

Dù có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn song tất cả đều hội tụ điểm chung. Bà là một cô gái xinh đẹp, có mái tóc dài, là hiện thân của lòng yêu thương con người, là người mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu thần bí, hiển linh, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình, là ý chí vươn lên để chiến thắng thiên tai địch họa và đói nghèo.

Lễ rước sắc trong lễ hội Bà Thu Bồn.

Sự hiển linh của Bà trong “Hộ Quốc Tý Dân” (Bảo vệ nước, che chở dân) được các vị vua Triều Nguyễn ban tặng 8 sắc phong: Một sắc phong thời Minh Mạng; 2 sắc phong thời Thiệu Trị; 2 sắc phong thời Tự Đức; Một sắc phong thời Thành Thái; Một sắc phong thời Duy Tân; Một sắc phong thời Khải Định.

Các sắc phong này cung cấp nhiều thông tin quý giá về phẩm cấp của Bà qua thời gian. Cấp bậc được thăng dần từ Bô Bô phu nhân tiết mông ban cấp Mặc phu Hiển tướng Trung Đẳng thần đến Bô Bô phu nhân Tư nguyên Trang huy Thượng Đẳng thần.

Để ghi nhớ công ơn của Bà, từ bao đời nay, dân làng Thu Bồn đã góp công, góp của xây dựng Lăng Bà và hàng năm tổ chức các hoạt động tế lễ vào 2 ngày 11-12 tháng 2 âm lịch để tạ ơn Bà đã che chở, phù hộ và đó là cơ sở, là nền tảng văn hóa tâm linh để hình thành nên các hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Lễ hội Bà Thu Bồn hội tụ những giá trị nhân văn vô cùng quý giá, mang đậm màu sắc tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa rất cần được bảo tồn, phát huy và khai thác để góp phần giáo dục lòng yêu thương con người, yêu quê hương đất nước, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn, …

Đông đảo nhân dân và du khách tham gia lễ hội.

Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – cho biết, lễ hội truyền thống Bà Thu Bồn là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới lập làng xã vào thế kỷ XV.

Sau đó giao thoa diễn biến văn hóa Champa, văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam để tạo nên tín ngưỡng thờ mẫu Bà Thu Bồn với những giá trị văn hóa đặc sắc, được bảo tồn phát huy cho đến ngày nay.

Sức lan tỏa, sự bám rễ sâu bền trong đời sống xã hội của tín ngưỡng thờ mẫu Bà Thu Bồn xuất phát từ chính nguyện vọng chính đáng của nhân dân luôn cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an, làng xã được ấm no, hạnh phúc; góp phần thắt chặt nghĩa đồng bào, khơi dậy hồn thiên, sông núi, xây dựng bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng tiêu biểu cho đời sống tín ngưỡng dân gian của cư dân miền Trung nói chung và cư dân tỉnh Quảng Nam nói riêng“, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu.

(theo Dân trí)

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG