Việc thực hiện văn hóa an toàn lao động (ATLĐ) tại các doanh nghiệp là yêu cầu không thể thiếu, đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn và sâu sắc của người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp, ý thức tự bảo vệ mình của người lao động và giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành. Qua việc thực hiện tốt văn hóa ATLĐ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng hơn 7.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có khoảng 1.500 doanh nghiệp thực hiện tốt văn hóa ATLĐ. Tỉnh Quảng Bình có 02 Khu Kinh tế, 06 Khu Công nghiệp, với tổng số lao động đang làm việc tại các KKT và KCN là 5.679 lao động.
Công xướng may công nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Quảng Bình, qua kiểm tra thực tế tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ thì cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động còn xem nhẹ việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ. Cụ thể, chưa quan tâm xây dựng và ban hành nội quy an toàn, quy trình vận hành máy, thiết bị và niêm yết theo quy định; chưa thực hiện xây dựng kế hoạch ATVSLĐ; vấn đề trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, khám bố trí việc làm và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cũng như khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; chế độ bồi dưỡng cho người lao động, quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc.
Về phía người lao động, nhiều lao động chưa được đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ, làm việc còn theo bản năng, tính kỷ luật công nghiệp còn hạn chế, chỉ quan tâm đến thu nhập, chưa chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ và tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân.
Đáng lo ngại, vấn đề ATVSLĐ lại tập trung ở những cơ sở sản xuất công nghiệp, môi trường lao động tiếp xúc với bụi, nóng, tiếng ồn, hóa chất, nước thải và khí hơi độc hại, có nguy cơ gây ra những chấn thương về mặt thể lực, về tâm lý, về mặt xã hội, cũng như có thể gây ra tử vong đối với người lao động tại tỉnh.
Thống kê số vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh cho thấy: Năm 2020 xảy ra 46 vụ tai nạn lao động làm 48 người bị nạn, (trong đó số người chết là 15, bị thương nặng là 33); Năm 2021 là 37 vụ làm 37 người bị nạn (người chết là 11, số người bị thương nặng là 26).
Trước thực trạng đó, trong thời gian qua, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành và doanh nghiệp chú trọng, triển khai mạnh mẽ từng bước góp phần giảm thiểu những vấn đề liên quan đến ATVSLĐ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại tỉnh.
Nhằm đưa công tác an toàn trong lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, thường nhật của mọi người và trở thành văn hoá ứng xử trong lao động ở Công ty, bà Võ Thị Thanh Nhàn Phó Giám đốc Chi nhánh Quảng Bình – Công ty CP Dệt may Huế cho hay, hiện tại Chi nhánh có số lao động là 739, từ khi Nhà máy đi vào hoạt động, cùng với việc chú nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Chi nhánh luôn chú trọng công tác ATVSLĐ. Thông qua những việc làm cụ thể như: Xây dựng nội quy, quy chế, kế hoạch về ATVSLĐ, đồng thời tổ chức tốt khâu thực hiện, phân loại lao động, huấn luyện công tác an toàn, chăm sóc và thực hiện nghĩa vụ, các chế độ, quyền lợi đối với người lao động, thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện môi trường làm việc; tiến hành kiểm tra, kiểm định máy móc và thiết bị theo định kỳ, đảm bảo không để xảy ra những vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.
Tỉnh cũng thành lập Hội đồng ATVSLĐ, trên cơ sở đó thực hiện bám sát kế hoạch của Trung ương, chỉ đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp triển khai công tác ATVSLĐ theo chủ đề, có trọng tâm, trọng điểm, được phân theo từng nhóm đối tượng, chương trình phù hợp và triển khai đa dạng. Thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền: Tập huấn, huấn luyện trực tiếp, tuyên truyền qua các cuộc thi, hội thảo chuyên đề, thông qua báo, đài, tuyên truyền đối thoại với người dân, người lao động và doanh nghiệp,…
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện về ATVSLĐ do Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đề ra; tích cực phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ kinh phí cho người bị tai nạn lao động, quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe định kỳ; tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ.
Xác định việc triển khai văn hóa ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất kinh doanh, từng bước góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với vai trò quản lý Nhà nước, theo bà Đinh Thị Ngọc Lan Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Quảng Bình, hàng năm Sở tổ chức các lớp tập huấn, nội dung tập trung vào hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ cho doanh nghiệp; quản lý công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ; trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kiểm định, khai báo, sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; biện pháp bảo đảm ATVSLĐ; hướng dẫn xử lý sự cố gây mất ATVSLĐ; quteenf và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động,…
Có thể nói việc triển khai văn hóa ATVSLĐ tại Quảng Bình những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực đi vào nếp nghĩ, cách làm của mỗi cán bộ công nhân viên và người lao động, hình thành nên giá trị đích thực trong công tác an toàn lao động với mục tiêu rõ ràng: “An toàn lao động thực sự là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, doanh nghiệp, và của toàn xã hội”.
Thế Hiếu