Đây là vở mình rất chờ đợi để được xem, vở diễn thứ hai về danh nhân Lê Đại Cang tại Liên hoan. Vở ,”Người khiêng võng”, tác giả: Văn Trọng Hùng, chuyển thế: Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ, Nhà hát tuồng Đào Tấn quê hương Bình Định của mình dàn dựng tham dự..
Nếu “Hoạn lộ” của Nguyễn Sỹ Chức tập trung vào “đường làm quan” của Lê Đại Cang thì “Người khiêng võng” của Văn Trọng Hùng lại quan tâm rộng hơn, đến cả “phận làm người” của bậc Quốc sĩ này. Đề từ kịch bản của Văn Trọng Hùng cho thấy điều này:
Một đời vì trăm họ
Không thẹn với non sông
Đại quan hay lính võng
Cũng nhẹ tựa lông hồng
Cởi áo về cửa Phật
Kinh kệ sắc sắc không
Vẫn không thôi dân nước
Xanh ngắt một dòng trong
Bởi thế, mới có cả một cảnh nói về tập sách “Lê thị gia phả” nổi tiếng chứa đựng bao bài học làm người quý giá và giai đoạn cuối đời Lê Đại Cang về quê hương Tuy Phước lập am tu hành, mở Văn chỉ được coi như Văn Miếu của Bình Định. Văn Trọng Hùng cũng quan tâm mô tả mối quan hệ của Lê Đại Cang với sĩ phu Bắc Hà qua việc chấm thi cho Cao Bá Quát đỗ cao.
Như nhiều kịch bản khác của Văn Trọng Hùng, kịch bản này cũng giàu tính văn học và chiều sâu tư tưởng nhưng ít tính hành động, đặt ra những thách thức khó khăn cho ê kíp dựng vở, đặc biệt là đạo diễn. Không phải đạo diễn nào cũng có thể dàn dựng tốt kịch bản này.
Rất mừng vì cuối cùng chúng ta cũng được xem một vở diễn khá xúc động nữa về danh nhân Lê Đại Cang. Khi biết NSND Minh Ngọc đảm nhận vai Lê Đại Cang, tôi chắc chắn sẽ lại có một hình tượng Lê Đại Cang đầy sức cảm hóa trên sân khấu. Nhiều năm qua, Minh Ngoc đã được coi là một trong những nghệ sĩ tài năng toàn diện nhất của “kinh đô” tuồng Binh Định cũng như cả nước.
Thực tế, trong “Người khiêng võng”, Minh Ngọc đã thành công trong vai diễn Lê Đại Cang như các vai danh nhân đất nước mà anh đã thể hiện rất xuất sắc trước đây là Nguyễn Huệ (vở Trời Nam), Đào Duy Từ (vở Đi tìm chân chúa). Khán giả đã được xem nhiều cảnh diễn đầy “thần khí” của Minh Ngọc, nhất là cảnh diễn với NS Trần Thị Gái vai người vợ yêu, quận chúa Ngọc Phiên kiệt sức chết trên tay Lê Đại Càng hay cảnh Lê Đại Cang dặn dò con cháu trước khi quy tiên…
Đặc biệt thú vị là vở diễn “Người khiêng võng” đã đóng góp cho Liên hoan một trổ diễn rất độc đáo, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Đó là trổ diễn có thể đặt tên là “khiêng võng”. NSND Minh Ngọc trong vai Lê Đại Cang và NS Đình Trương trong vai đô thống Nguyễn Thiện, không hề có võng, có đòn khiêng, đã diễn cảnh kẻ trên võng và người dưới đòn khiêng đấy bất ngờ và ấn tượng, làm bật dậy những tràng vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng của khán giả Liên hoan.
Hôm qua, khi xem “Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư” tôi từng nhắc NSND Lê Tiến Thọ về vẻ đẹp của tinh ước lệ, cách điệu của nghệ thuật diễn viên tuồng thì sáng nay đã được xem trổ diễn thú vị này. Cám ơn, đạo diễn, NSND Lẻ Tiến Thọ cùng các cộng sự và hai nghệ sĩ Minh Ngọc, Đình Trương…cùng tập thể Nhà hát tuồng Đào Tấn vì một vở diễn tâm huyết với danh nhân quê hương và một sáng tạo biểu diễn rất đáng trân trọng…
Nguyễn Thế Khoa/VHVN