Quá trình tiếp nhận “Nhóm tri tân” (1941 – 1945) từ quan điểm của : Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943

15:58 | 25/03/2023

Tóm tắt: Bài viết phân tích bộ phận văn học và văn hóa trên báo chí nửa đầu thế kỷ XX, chỉ ra ý nghĩa của nó đối với việc nghiên cứu văn hóa trong quá trình khôi phục, nhìn nhận và đánh giá lại một cách nghiêm túc những giá trị văn hóa, văn học quá khứ. Trong bài viết này, tác giả bài báo đi vào khái quát một cách có hệ thống về diện mạo và chỉ ra những đặc điểm cơ bản của các thể văn trên Tri tân tạp chí; tìm hiểu quá trình hình thành, sự vận động của văn hóa những năm 40 của thế kỷ XX được Tri tân đón nhận và giới thiệu có đóng góp như thế nào đối với nền văn hóa Việt Nam. Từ đó xác định vai trò tiên phong của báo chí trong quá trình hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc, đồng thời mở ra một hướng tiếp cận có nhiều triển vọng: Nghiên cứu văn hóa hiện đại Việt Nam trong môi trường báo chí; đó cũng là yêu cầu thực tiễn và cấp thiết mà chuyên ngành nghiên cứu văn hóa đặt ra.


I. Đặt vấn đề

Có thể nói, tạp chí Tri Tân ra đời và phát triển trong cao trào cách mạng 1939 – 1945, mặc dù chịu sự kiểm soát ngặt nghèo của thực dân Pháp song tạp chí đã liên tục thay đổi, điều chỉnh sách lược để duy trì hoạt động xuất bản. Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, lại chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của thực dân Pháp, tạp chí có nội dung rất phong phú, phản ánh kịp thời diện mạo đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam trước năm 1945. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích hướng tiếp cận nhóm Tri Tân từ góc nhìn văn hóa, đặc biệt là định vị quan điểm tư tưởng tập trung của nhóm là: tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, và việc truyền bá giáo dục, văn hóa, nghệ thuật của văn minh phương Tây nhằm nâng cao dân trí, làm giàu kho tàng văn hóa dân tộc, chuẩn bị tinh thần tư tưởng cho tầng lớp thanh niên trí thức tham gia cách mạng khi thời cơ đến.

II. Nội dung

1. Vài nét về sự ra đời của nhóm Tri Tân và tạp trí Tri Tân

Tri Tân chủ trương: ôn cổ tri tân. Tờ Tri Tân số 1 ra đời tháng 6/1941. Chủ bút là Hoa Bằng – Hoàng Thúc Trâm với những cây bút: Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phúc, Tiên Đàm, Trúc Khê, Thiếu Sơn, Nhật Nham, Chu Thiên, Khuông Việt. Nghiên cứu lịch sử là một trong những mục đích chính của Tri Tân. Bởi họ quan niệm: Có biết rõ lịch sử mới hiểu được công khó của tổ tiên xây dựng nước nhà và tạo được tinh thần trách nhiệm quốc gia của người công dân. Mục đích của Tri Tân dưới thời Pháp thuộc rõ ràng là mục đích ái quốc ẩn trong văn hoá. Hoa Bằng viết: “Quốc sử không phải là một nắm hoang đường, mớ thần thoại. Quốc sử không phải là một tập phả ký của một hoàng gia. Quốc sử phải là những trang dưới ngòi bút thờ sự thật”1 (trích theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, trang 616).

Tri tân (1941-1946) là một tạp chí văn hóa lớn, có vai trò quan trọng trong đời sống báo chí và văn học Việt Nam những năm 40 của thế kỷ XX. So với nhiều tờ báo, tạp chí xuất hiện ở nửa đầu thế kỷ XX thì Tri tân tạp chí tuy chỉ tồn tại trong thời gian 5 năm (từ ngày 3/6/1941 đến ngày 16/7/1946) nhưng với 214 số ra đều đặn hàng tuần thì tự thân nó đã xác lập được vai trò vị trí và diện mạo văn hóa của mình.

Trong số những cơ quan báo chí có vai trò quan trọng đối với sinh hoạt văn hoá và học thuật Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, bên cạnh những tờ như Đông Dương tạp chí (1913 – 19), Nam phong (1917 – 34), Thanh nghị (1941- 45), người ta không thể không kể tới tạp chí Tri tân (1941 – 46). Tri tân xuất bản số đầu tiên vào ngày 3/6/1941 và ngay từ đầu đã tự xác định là tạp chí văn hoá ra hằng tuần (revue culturelle hebdomadaire); với 24 trang khổ 20×25 cm mỗi số, sau 5 năm liên tục, Tri tân đã ra được 214 số với trên 5.000 trang (gồm 212 số “Tri tân” /loại cũ/ từ số 1 đến số 212, ngày 22/11/1945, và 2 số “Tri tân loại mới”2, đánh số lại từ số 1, ngày 6/6/1946, đến số 2, ngày 16/6/1946, trên thực tế là số cuối cùng).

2. Tiếp nhận nhóm Tri tân từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943

Tiếp nối các loại báo chí nghiêng về khảo cứu văn hóa văn nghệ ở chặng đường đầu thế kỷ như Đông Dương Tạp chí (1913 – 1919), Nam phong Tạp chí (1917-1934), Thanh nghị (1941 – 1945), vào chặng cuối thời thực dân và đêm trước của Cách mạng tháng Tám 1945 đã xuất hiện thêm một cơ quan ngôn luận học thuật đặc biệt quan trọng là “Nhóm Tri tân” (1941 – 1945) đặt trong tương quan tinh thần Dân tộc – Khoa học – Đại chúng từ khi xuất hiện Đề cương văn hóa Việt Nam3 (1943).

“Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trường Chinh soạn thảo, được công bố năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam”.

Cơ quan ngôn luận của “Nhóm Tri tân” là tờ tuần san Tri tân Tạp chí, được ấn bản tại Hà Nội, khuôn khổ 20X26 cm, dung lượng phần nhiều 24 trang. Chủ nhiệm là ông Nguyễn Tường Phượng; chủ bút là nhà khảo cứu Hoa Bằng; thư ký tòa soạn là nhà phê bình văn học Phạm Mạnh Phan. Tòa soạn lúc đầu đặt tại số nhà 349 phố Huế; từ ngày 8-8-1941 chuyển tới số nhà 195 phố Hàng Bông; từ ngày 24-6-1943 chuyển đến số nhà 95-97 phố Chanceaulme (nay là Tô Hiến Thành). Số tạp chí Tri tân đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 3 – 6 – 1941 đến số cuối ra ngày 22-11-1945, cộng 212 số. Trên thực tế, tạp chí còn được “tục bản” với tên gọi Tri tân mới nhưng chỉ in được đúng 2 số (ra ngày 6 – 6 -1946 và 16 – 6 – 1946). Như vậy, trên thực tế tạp chí Tri tân đã xuất bản được tổng cộng 214 số.

Theo thống kê của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên trong công trình “Mục lục phân tích tạp chí Tri tân”4 (1941 – 1945), qua chưa đầy năm năm tồn tại, tạp chí Tri tân đã quy tụ được gần 300 tác giả với khoảng 1500 mục bài in. Những người có tiếng trên văn đàn như Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng – Song Cối Hoàng Thúc Trâm, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Đông Hồ, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Mạnh Phan, Chu Thiên, Vệ Thạch Đào Duy Anh, Nguyễn Triệu, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Khuông Việt Lý Vĩnh Khuông, Biệt Lam Trần Huy Bá, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nguyễn Đình Thi, Long Điền, Hoàng Thiếu Sơn, v.v…

Những người sáng lập, những thành viên chủ chốt và đội ngũ cộng tác viên cũng như tôn chỉ, mục đích của “Nhóm Tri tân”5 đều hướng tới đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống dân tộc, bản ngã dân tộc, sức mạnh dân tộc. Nhan đề tạp chí là “tri tân” (biết mới) nhưng cảm hứng, nội dung, chủ đề chính yếu lại là hoạt động khảo cứu, hướng đến “ôn cố” (ôn xưa), khơi gợi những giá trị tinh thần truyền thống dân tộc. Khuynh hướng sử học đậm đến mức bấy giờ có người chê là tập chí là nệ cổ: “Tri tân” mà cổ vũ cho cái cũ, “Tri tân” mà vọng chuyện đời xưa…

Việc nhìn nhận về tư tưởng văn nghệ của “Nhóm Tri tân” nửa đầu những năm 40 thế kỷ XX cần được soát xét trên cơ sở tính lịch sử cụ thể và tính khách quan, khoa học của toàn bộ quá trình tiếp nhận của học giới và độc giả trong suốt tám mươi năm vừa qua. Một trong những người sớm đánh giá lại giá trị của “Nhóm Tri tân”6 chính là đồng chí Trường Chinh (1907 – 1988). Trong bài viết Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này được viết vào ngày 13 – 9 – 1944 và hơn một năm sau mới chính thức đăng trên báo Tiên phong, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Trường Chinh nhận xét: “Các nhà văn trong nhóm “Tri Tân” (trí thức phong kiến) thiên trọng về khẩu hiệu dân tộc hóa, nhưng lại nệ cổ và không đếm xỉa đến hai khẩu hiệu khoa học và đại chúng hóa, nên đã bị công kích là thủ cựu, là gàn (…). Đáng lẽ phải tập trung mọi lực lượng văn hóa Việt Nam thành một mặt trận văn hóa đặng chống lại văn hóa ngu dân, văn hóa thoái hóa và trung cổ của bọn phát xít, chống thủ đoạn xâm lấn nguy hiểm của văn hóa Nhật, thì họ lại chia rẽ mặt trận văn hóa của dân tộc ta và bởi thế họ đã vô tình hay cố ý làm lợi cho lũ giặc nước. Thật thế, tại sao họ lại chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hóa vào các người văn hóa dân tộc (Tri Tân, Thanh Nghị), trong khi quyền lợi sinh tử của dân tộc bắt phải liên minh thân thiện với các người văn hóa ấy đặng chĩa ngọn lửa đấu tranh văn hóa vào phát xít Nhật – Pháp? Cái chiêu bài “tân văn hóa” của nhà Hàn Thuyên ở đó một số tờrốtkít đang hoành hành, chẳng đáng ngờ lắm sao?” … Việc hiểu cho đúng luận điểm của đồng chí Trường Chinh cũng như tư tưởng văn nghệ và toàn bộ thành tựu của nhóm Tri tân nhất thiết cần phải đặt trong tính lịch sử cụ thể và tiến trình phát triển chung của nền văn hóa văn nghệ cách mạng, lịch sử dân tộc những năm đầu thâp niên 40 của thế kỷ XIX.

Quán chiếu tinh thần Đổi mới (1986), giới nghiên cứu đã từng bước tiếp cận, khai thác trở lại các nguồn tư liệu nhằm dựng lại chân dung, diện mạo “bản lai diện mục” tạp chí Tri tân, từ đó xác định rõ hơn những đóng góp và hạn chế về tư tưởng văn nghệ của “Nhóm Tri tân”8.

Một trong trong những công trình đi đầu đặt lại vấn đề nhóm tạp chí Tri tân là Từ điển Văn học (1984) với mục từ “Nhóm Tri tân”: “Nhóm trí thức Việt Nam, gồm một số nhà nghiên cứu lịch sử, nhà thơ, nhà văn, có khuynh hướng phục cổ trong khu vực văn học hợp pháp trước Cách mạng tháng Tám, tập hợp quanh tuần báo Tri tân (…). Trong những bài bàn về văn nghệ, nhóm Tri tân cho rằng, “văn chương phải là một lợi khí làm sống lại cái tinh thần dân tộc” (Lê Thanh), phải tìm về “đặc tính của người mình, chống nô lệ nước ngoài (Hoa Bằng)… Nhưng ngoài những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng là có nhiều yếu tố dân chủ, tiến bộ, những sáng tác khác thường đậm tính chất hoài cổ và mang nội dung lãng mạn thoát ly”… Qua hai mươi năm sau, mục từ trên đã được nhận thức chuẩn mực hơn: “Nhóm trí thức Việt Nam, gồm một số nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn học, nhà thơ, nhà văn, có khuynh hướng tìm về di sản quá khứ trong khu vực văn học hợp pháp trước Cách mạng tháng Tám, tập hợp quanh tuần báo Tri tân (…). Trong những bài bàn về văn nghệ, Nhóm Tri tân cho rằng, “văn chương phải là một lợi khí làm sống lại cái tinh thần dân tộc” (Lê Thanh), phải tìm về “đặc tính của người mình”, chống nô lệ nước ngoài (Hoa Bằng)… Vì thế, những sáng tác về đề tài lịch sử của tờ báo, bên cạnh một vài yêu tố hoài cổ, hồi cố không tránh khỏi, đã có tác dụng kích thích người đọc tìm về lịch sử, dùng lịch sử soi chiếu cho hiện tại, đặc biệt có tác phẩm như Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng làthành tựu đột xuất, chứa đựng tinh thần tố dân chủ và một quan niệm nghệ thuật sâu sắc, đến nay vẫn còn giàu ý nghĩa thời sự” …Như vậy, tinh thần Đổi mới đã khơi nguồn cho việc vận dụng các nội dung Dân tộc – Khoa học – Đại chúng ngày một khách quan, toàn diện hơn, hướng tới định hướng bù lấp văn hóa sử, thực hiện khai thác, hội nhập di sản văn hóa quá khứ vào kho tàng văn hóa dân tộc và hiện đại.

Vào năm 1997, công trình sưu tập thiên về sử học của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử – Sử ta so với sử Tàu được in lại (trong đó có bài Tựa của GS. Sử học Hà Văn Tấn xác định nhân sĩ trí thức yêu nước Nguyễn Văn Tố là “nhà sử học anh hùng”) đã xác nhận vai trò và ý nghĩa yêu nước của một công trình nghiên cứu so sánh lịch sử đại thành từng xuất hiện trước Cách mạng tháng Tám… Tiếp theo là công trình Tạp chí Tri tân 1941-1945: Phê bình văn học thực hiện tuyển chọn các tiểu luận nghiên cứu cơ bản nhất liên quan đến cả văn hóa – văn học truyền thống và đương đại, trong đó nhấn mạnh vai trò sáu nhà khảo cứu, phê bình văn học chủ chốt (Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Thiếu Sơn, Phạm Mạnh Phan). Từ đây, diện mạo tư tưởng văn nghệ “Nhóm Tri tân”9 được khẳng định mạnh mẽ hơn và được giới nghiên cứu đón nhận.

Rồi trong năm 2000 xuất hiện liên tiếp hai công trình sưu tập quan trọng. Thứ nhất, sách Tạp chí Tri tân 1941-1946: Các bài viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam sưu tầm và tuyển chọn những tiểu luận nghiên cứu lịch sử quan trọng nhất từng xuất hiện trên tạp chí Tri tân thiên về tính khoa học, hàn lâm. Thứ hai, công trình sưu tập, giới thiệu Tạp chí Tri Tân 1941-1945: Truyện và ký tập trung chọn lọc những tác phẩm truyện ký tiêu biểu, trong đó có nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử và văn hóa dân tộc, thiên về giới trí thức, văn nghệ sĩ, có phần đại chúng hơn. Tiếp theo, nhân 80 năm tra đời công trình tuyển soạn Tinh hoa du ký trên Tri tân Tạp chí, 1941-1942 góp phần khôi phục và khẳng định các ghi chép liên quan đến văn hóa du lịch của tạp chí…

Về khách quan, tạp chí Tri tân đã góp phần không nhỏ vào việc gây dựng tinh thần phụ hưng dân tộc, chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng cho thế hệ các nhà trí thức tham gia cách mạng và công cuộc đất tranh giải phóng dân tộc…

Trong khoảng hai mươi năm tính từ đầu thế kỷ XXI, hầu hết các vấn đề văn bản và khảo sát các lĩnh vực khoa học xã hội dựa trên di sản Tri tân Tạp chí cũng như ở phạm vi tư tưởng văn hóa của “Nhóm Tri tân” hầu hết đã được “bù lấp”10, khai thác, nhìn nhận trở lại một cách trân trọng, công bằng, khách quan, khoa học hơn. Đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu “bù lấp” chuyên sâu và các luận án, luận văn đi sâu tìm hiểu khai thác nhiều phương diện nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và đánh giá cao những đóng góp của “Nhóm Tri tân”, đặc biệt về tư tưởng văn hóa. Những ý kiến thậm chí có phần đơn giản, một chiều trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể trước đây đã dần được “bù lấp”, giải tỏa, giải hòa. Trong vận hội đổi mới, chắc chắn những giá trị tư tưởng văn hóa văn nghệ tiến bộ gắn với tinh thần dân tộc, vinh danh các giá trị lịch sử, đề cao truyền thống yêu nước và niềm tin vào sức mạnh dân tộc của “Nhóm Tri tân” sẽ tiếp tục được “bù lấp”, khôi phục, đồng hành cùng thế hệ trẻ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

3. Kết luận

Như vậy, trong quá trình tiếp cận Tri tân, tác giả nhận thấy: Đặc điểm riêng của tờ tạp chí này là chất khảo luận văn học nổi lên như một điểm nhấn làm cho khuôn diện của tạp chí Tri Tân không lẫn, không nhòa vào bất cứ một khuôn diện nào khác. Là một tạp chí văn hóa, Tri tân là địa hạt thuận lợi cho các nhà văn, nhà nghiên cứu thể nghiệm; tạp chí dành sự ưu ái cho các bài khảo cứu về văn hóa, văn học trong mối quan hệ với văn hóa, lịch sử dài kỳ; các bài  nghiên cứu, nhất là các bài phê bình văn học và văn hóa mới; tiểu thuyết lịch sử; các bài ký khảo cứu và các vở kịch lịch sử…đây là nguồn tư liệu quan trọng mở ra hướng tiếp cận sâu sắc, đa chiều và nghiên cứu liên ngành văn hóa Việt Nam.

Vu Ngoc Hung: The process of receiving the “Tri Tan group” (1941 – 9945) from the point of view of the “cultural outline” of 1943

The article analyzes the literary and cultural division in the press in the first half of the twentieth century, pointing out its significance for the study of culture in the process of recovering, recognizing and re-evaluating in a way seriously the cultural and literary values ​​of the past. In this article, the author of the article systematically summarizes the appearance and points out the basic features of the literary genres in Tri Tan magazine; Find out how the formation and movement of culture in the 40s of the 20th century was received and introduced by Tri Tan, and how it contributed to Vietnamese culture. Thereby identifying the pioneering role of the press in the process of modernizing the national culture, and at the same time opening up a promising approach: Researching Vietnam’s modern culture in the press environment; It is also a practical and urgent requirement that the cultural studies major sets out.

KeyWords: Reception, Tri Tan, Tri Tan group, cultural outline, Vietnamese culture,…

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hoành Khung: Nhóm Tri tân, trong sách Từ điển Văn học, Tập II. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984, tr.126.

2. Nguyễn Hoành Khung: Nhóm Tri tân, trong sách Từ điển Văn học (Bộ mới”. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.1276-1277.

3. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử. Sử ta so với sử Tàu (Hà Văn Tấn giới thiệu). Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nxb Hà Nội, 1997, 544 trang.

4. Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Hữu Sơn (Sưu tập, giới thiệu): Tạp chí Tri tân (1941 -1945) – Phê bình văn học. Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, 618 trang.

5. Nguyễn Quang Ân, Phạm Đình Nhân, Phạm Hồng Toàn (Sưu tầm và tuyển chọn): Tạp chí Tri tân 1941-1946: Các bài viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trung tâm Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam XB, Hà Nội, 2000, 592 trang.

6. Lại Nguyên Ân và Nguyễn Hữu Sơn (Sưu tầm và biên soạn): Tạp chí Tri Tân 1941-1945: Truyện và ký. Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000, 884 trang.

7. Xin xem Nhiều tác giả: Tinh hoa du ký trên Tri tân Tạp chí, 1941-1942 (Nguyễn Hữu Sơn – Trần Bá Dung sưu tập, giới thiệu). Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 396 trang.

8. Đinh Xuân Lâm: Lời giới thiệu, trong sách Mục lục phân tích tạp chí Tri tân 1941-1945. Sđd, tr.4.

9. Xin xem Phạm Thị Hà: Quan niệm về thơ trên tạp chí Tri tân. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Vinh, 2011…

10. Phạm Ngọc Mai: Một số vấn đề văn học trung đại trên tạp chí Tri tân. Khóa luận Cử nhân, Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH và NV thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012…

11. Nguyễn Thị Phương Lan: Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí. Luận án Tiến sĩ, Học viện KHXH thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, 2014…

12. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên: Mục lục phân tích tạp chí Tri tân (1941-1945). Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Xb, Hà Nội, 1998, 320 trang.

13. Trường Chinh: Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động tân văn hóa mới Việt Nam lúc này. Tiên phong, số 2, ra ngày 1-12-1945, tr.4.

14. Nhiều tác giả: Tinh hoa du ký trên Tri tân Tạp chí, 1941-1942 (Nguyễn Hữu Sơn – Trần Bá Dung sưu tập, giới thiệu), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 396 trang.

15. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: Đại Nam dật sử. Sử ta so với sử Tàu (Hà Văn Tấn giới thiệu), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nxb Hà Nội, 1997, 544 trang.

16. Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Hữu Sơn (Sưu tập, giới thiệu): Tạp chí Tri tân (1941-1945) – Phê bình văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, 618 trang.

17. Nguyễn Quang Ân, Phạm Đình Nhân, Phạm Hồng Toàn (Sưu tầm và tuyển chọn): Tạp chí Tri tân 1941-1946: Các bài viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Trung tâm Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam Nxb Hà Nội, 2000, 592 trang.

18.  Lại Nguyên Ân và Nguyễn Hữu Sơn (Sưu tầm và biên soạn): Tạp chí Tri Tân 1941-1945: Truyện và ký, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000, 884 trang.

TS. Vũ Ngọc Hưng (VHVN)

Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội

Điện thoại liên hệ: 0395998978

Email: ngochungvu1978@gmail.com


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth