Quà tặng, biếu xén, lợi hay hại?

15:20 | 13/01/2022

Thường thì trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, việc tặng quà cho nhau vẫn được xem là câu chuyện bình thường. Kể cả trong quan hệ bang giao, từ ngàn xưa cũng thế. Mà thường thì kẻ yếu thế hơn dâng quà biếu tặng kẻ mạnh, chứ ít khi ngược lại. Ngang hàng phải lứa thì là thực lòng trân quý nhau. Đọc thơ đi sứ của các cụ ta kể từ khi lập nước, đều thấy có chuyện tặng quà. Nước chư hầu gồng gánh sản vật quý hiếm sang biếu nước lớn, gọi là “cống phẩm”. Mỗi năm một lần gọi là “tuế cống”. Ngày nay tặng quà cho người nghèo, thì gọi là chia sẻ, “lá lành đùm lá rách”…Tuy nhiên, mục đích, ý nghĩa của “Văn hóa tặng quà”, biếu xén, hương vị của nó cũng có nhiều chỗ mặn nhạt khác nhau. Nếu thông qua “quà cáp” biếu tặng quan trên, vì mục đích tiến thân, thì đó là chuyện đút lót. Quan trên, quan dưới đều được hưởng lợi…Chuyện tặng quà, biếu xén thì muôn màu muôn vẻ, kể sao cho hết!


Ảnh minh họa.

Nguyễn Du có bài thơ chữ Hán MỘNG ĐẮC THÁI LIÊN. Chỉ là một giấc mơ đi hái hoa sen ở hồ Tây thôi. Trong bài thơ ấy có đọan:

“Hái, hái sen Tây Hồ,
Hoa và gương sen đều đưa lên thuyền.
Hoa sen để tặng người mình sợ,
Gương sen để tặng người mình thương”…

(Thái thái hồ Tây liên / Hoa thực câu thướng thuyền / Hoa dĩ tặng sở úy / Thực dĩ tặng sở liên).

Với cây sen, đương nhiên, hoa sen là phần quý nhất. Hương thơm và sắc hoa là biểu trưng của giá trị thẩm mỹ. Gương sen trong có hạt sen dùng để ăn, biểu trưng cho giá trị vật chất. Nhưng “Hoa sen để tặng người mình sợ” (Hoa dĩ tặng sở úy) thì nghĩa là sao?

Thực ra, chữ “sợ” (úy), với Nguyễn Du, có thể là “sợ hãi”. Nguyễn Du làm quan cho nhà Nguyễn, nhưng ông luôn khép nép, tỏ ra sợ hãi, chả mấy khi phát biểu chính kiến gì, đến nỗi Gia Long phải có lần quở trách. Thêm nữa, nhà thơ cũng vẫn phải e ngại đám công thần triều Nguyễn luôn hống hách ra mặt, coi thường đám “hàng thần lơ láo” từng làm quan cho nhà Lê-Trịnh hoặc Tây Sơn trước đây. Đã có một người anh trai của Nguyễn Du cũng đã phải chết trong nỗi uất ức như vậy. Đấy là một nghĩa.

Tuy nhiên, “người mình sợ” ở đây, có thể là một ai đó, những ai đó tài đức cao hơn mình, mà mình phải “kính sợ”. Kính sợ cái phẩm cách cao vời của họ, chứ không phải là sợ hãi. Một cách nói hàm nghĩa khiêm cung, tao nhã vậy!

Ở đời vua Trần Nhân Tông lại có câu chuyện biếu xén rất thú vị. Sách “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” chép đại ý: Năm 1288, sau chiến thắng Nguyên Mông lần thứ 3, vua ban chiếu đại xá thiên hạ. Bấy giờ, viên quan coi HÀN LÂM VIỆN là Đinh Củng Viên, có trách nhiệm soạn thảo văn thư chiếu chỉ. Bên cạnh là TY HÀNH KHIỂN, có trách nhiệm tuyên đọc chiếu chỉ của nhà vua. Lần này do viên hoạn quan Nghiêm Tòng Giáo đảm trách. Một bên soạn thảo văn bản. Một bên tuyên đọc văn bản, tựa như người phát ngôn chính thức của nhà vua.

Thường thì HÀN LÂM VIỆN phải giao văn bản cho TY HÀNH KHIỂN trước mấy ngày. Nhưng Đinh Củng Viên và Nghiêm Tòng Giáo vốn có hiềm khích gì đó với nhau. Củng Viên có dịp cố ý “chơi đểu” Nghiêm Tòng Giáo, cho nên cứ dây dưa, không chịu giao ngay văn bản cho Tòng Giáo. “Hôm ấy xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo cho Tòng Giáo”. Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, do học hành chửa ra đâu vào đâu, nên cứ ấp úng mãi. Vua gọi Củng Viên đứng đằng sau nhắc bảo âm nghĩa cho Tòng Giáo. Tòng Giáo thẹn lắm. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần, mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại cứ nhỏ dần đi. Mọi người chỉ nghe thấy tiếng “nhắc vở” của Đinh Củng Viên mà thôi. Chả là vì không được “nghiên cứu” văn bản trước, lại do ít học, ít chữ nghĩa, cho nên Tòng Giáo mới thiếu tự tin, đành “ngậm đắng nuốt cay” đấy thôi.

Vua về cung, gọi Tòng Giáo bảo rằng: “Củng Viên là sĩ nhân, ngươi là Trung quan, sao lại bất hòa đến thế? Ngươi làm Lưu thủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay), quýt vàng, tôm đất có đáng là bao mà không đem làm quà cho nhau để kết giao tình thân thiết”! Tòng Giáo theo lời vua Nhân Tông, đem quít vàng tôm đất đến nhà Đinh Củng Viên giao hảo. Sau, hai vị quan này lại thân thiết với nhau.

Đinh Củng Viên người làng Đông Sơn, Thanh Hóa. Ông nổi tiếng kiến văn sâu rộng, lại có tài văn chương. Củng Viên từng đi sứ sang nhà Nguyên, từng làm quan phục vụ 3 triều vua Trần (Nhân Tông, Anh Tông và Minh Tông). Ông là một nhà ngoại giao xuất sắc ở đời Trần.Tác phẩm của Đinh Củng Viên thất lạc hết, chỉ còn thấy 1 bài thơ vịnh tranh. Chắc chắn là giặc Minh đã tiêu hủy hết trong chiến dịch tàn sát nền văn hóa nước Đại Việt ta, năm 1407.

Chuyện biếu xén, tặng quà, thật lắm sắc nhiều màu. Có lẽ không bao giờ cạn được cái chuyện vui vẻ này chăng! Ngày nay, câu chuyện tặng quà đã được nâng cấp thành “Văn hóa tặng quà”, biến hóa tinh vi và vô cùng hấp dẫn!…

 

Theo SGGP

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học