Nike, đằng sau sự hào nhoáng và thành công hiện có, từng sở hữu một chương lịch sử đầy đen tối liên quan đến nạn bóc lột sức lao động. Nó khiến họ chìm sâu vào khủng hoảng và buộc phải tìm cách thay đổi.
Nike hiện tại là một cái tên đã quá nổi tiếng, nằm trong số các thương hiệu lớn nhất của làng thời trang thể thao thế giới, với mức lợi nhuận hàng năm đều là những con số khổng lồ. Nhiều xu hướng thời trang được ưa chuộng ngày nay cũng dựa trên các thiết kế và sản phẩm của Nike, điển hình như những đôi sneaker Jordan.
Dĩ nhiên chẳng thành công nào mà không có sự đánh đổi. Nike cũng có lúc thăng trầm, thịnh suy. Thậm chí, họ còn có những “lịch sử đen tối”, liên quan đến vấn đề đạo đức kinh doanh và bóc lột sức lao động của các nhân công “giá rẻ”.
Từ thập niên 1970, Nike bị buộc phải giải đáp những cáo buộc liên quan đến môi trường làm việc thiếu an toàn và bóc lột sức lao động của nhân công. Thời điểm ấy, các nhà máy của họ được đặt tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng khi phong trào nhân quyền và kêu gọi tăng lương được cải thiện ở 2 địa điểm này, họ chuyển nhà máy đến những nơi khác tại Trung Quốc đại lục và một số quốc gia ở Đông Nam Á, như Indonesia.
Năm 1992, sau chuyến thực địa tới Indonesia, tác giả và nhà hoạt động Jeffrey Ballinger đã đăng bài viết lên tạp chí Harpers Bazaar, với tựa đề “Nike kiếm lợi khủng trên lưng của người châu Á”. Trong bài viết này, ông đã đề cập đến mọi khía cạnh trong chuyến đi của mình, và đặc biệt chú trọng vào mức lương mà Nike đã trả cho các công nhân nữ. Bài viết không chỉ làm nổi bật tiêu chuẩn lao động thiếu nhân đạo mà Nike từng có, mà còn về sự bất bình đẳng trong thu nhập cho lao động là phụ nữ, với mức lương chỉ đủ để đáp ứng những nhu cầu tối thiểu.
Quá khứ bóc lột tàn tệ
Một trong những nhân vật trong bài viết của Ballinger là Sadisah. Người phụ nữ ấy có lẽ chưa từng nghe đến cái tên Michael Jordan, cũng chưa bao giờ có cơ hội được ngồi trước TV mà xem siêu sao trình diễn những cú úp rổ thời đỉnh cao tại Barcelona (Tây Ban Nha). Cô chỉ biết về công ty đã ký hợp đồng với anh – Nike.
Cũng giống như Jordan, Sadisah làm việc cho Nike. Nhưng khác ở chỗ, cô không xuất hiện một cách hào nhoáng như vậy, mà là một công nhân trực tiếp làm ra những đôi giày mang tên Jordan, và nhận lương tại một nhà máy tại Indonesia.
Thập niên 1980, nhà máy cuối cùng của Nike tại Mỹ (cụ thể là ở Saco, Maine) đóng cửa, theo sau là nhiều nhà máy khác được mở ra tại Hàn Quốc – nơi là trụ sở của Sung Hwa Corp, một trong những nhà sản xuất độc lập ký kết hợp đồng với Nike. Khi đó, đây được xem là một bước đi trong chiến dịch “toàn cầu hóa” của Nike, và nó khiến nước Mỹ mất đi khoảng 65.300 công việc trong ngành sản xuất giày dép vào giai đoạn 1982 – 1989. Họ hướng đến những nơi có nhân công giá rẻ, không yêu cầu mức lương tối thiểu 6,94 USD/h như ở Mỹ.
Đến cuối thập niên 1980, công đoàn lao động của Hàn Quốc nổi dậy, đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn cho nhân công. Lương lao động tăng sẽ ăn vào lợi nhuận của Nike, và họ quyết định tiếp tục chuyển nhà máy đến những nước “nghèo” hơn nữa, là Indonesia.
Thời điểm ấy, luật lao động của Indonesia rất sơ khai. Về cơ bản, quyền lợi của lao động gần như bị bỏ qua, trong khi mức lương chỉ bằng 1/7 của Hàn Quốc. Bằng cách này, Nike đạt được mức tăng trưởng đều đặn qua từng năm. Như năm 1991, tổng doanh thu của họ đạt 3 tỉ đô, với mức lợi nhuận cao nhất mọi thời đại.
Lại nói về Sadisah, qua tìm hiểu của Ballinger, chỉ kiếm được… dưới 14 cent cho mỗi giờ làm việc (khoảng 6 ngàn đồng tiền Việt hiện nay tính cả trượt giá). Mức thu nhập ấy thậm chí còn thấp hơn con số “đáp ứng nhu cầu cơ bản” do chính phủ Indonesia đưa ra. Cuộc khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thời điểm đó còn cho thấy 88% phụ nữ Indonesia làm việc với mức lương của Sadisah bị suy dinh dưỡng, và trên 80% lao động trong nhà máy ấy là phụ nữ.
Với trình độ học vấn dừng lại ở tiểu học, đa số công nhân trong nhà máy là trẻ vị thành niên hoặc mới chỉ ngoài 20. Và mức thu nhập như vậy chỉ giúp Sadisah trả tiền nhà mà không có điện và nước.
Trong một bảng khảo sát, Sadisah phải làm thêm tới 63h trong một kỳ trả lương, với mức nhận thêm là… 2 cent mỗi giờ. Nhà máy nơi cô làm việc chỉ chuyên sản xuất những đôi giày tầm trung của Nike, và mỗi đôi sẽ cần khoảng 0,84 nhân lực/ giờ làm việc để sản xuất. Sadisah mỗi ngày làm được trung bình 13,9 đôi giày. Cô làm 6 ngày/ tuần, mỗi ngày hơn 10,5 tiếng, và nhận về mức lương 37,46 USD/tháng – chưa bằng 1/2 giá trị của một đôi giày khi đó.
Nhìn chung, chi phí lao động cho mỗi đôi giày mà Nike bán ra tại Mỹ khi đó (khoảng 80 USD) rơi vào khoảng 12 cent – một biên độ lợi nhuận phải nói là khủng khiếp. Nếu so với Jordan, riêng một quảng cáo trên TV của anh cho Nike đã mang về 20 triệu USD. Nghĩa là, Sadisah cần hơn 44 ngàn năm làm việc không nghỉ mới kiếm được số tiền như vậy.
Khủng hoảng và thay đổi
Bài viết bóc trần thực tại của Ballinger đã khiến Nike gặp rắc rối. Năm 1992, một cuộc tuần hành phản đối đã diễn ra ngay tại Olympics tại Barcelona. Năm 1993, đài CBS đã làm một cuộc phỏng vấn với công nhân nhà máy của Nike, trong khi tổ chức hoạt động của Ballinger tìm cách gây ra làn sóng chú ý của truyền thông đại chúng, liên quan đến vấn đề bóc lột sức lao động.
Đến năm 1996, đến lượt thương hiệu thời trang của Kathie Lee Gifford cũng bị “sờ gáy”, với cáo buộc bóc lột sức lao động của trẻ em. Làn sóng phản đối lớn đến mức Gifford phải bật khóc trước công chúng để nói lời xin lỗi, trong khi các nhà hoạt động biến câu chuyện thành một vấn đề quốc gia. Điều này buộc Nike phải thành lập một ban mới, nhằm tìm cách cải thiện chất lượng sống và làm việc của các công nhân trong nhà máy.
Nhưng điều này không giúp họ thoát khỏi cơn khủng hoảng trầm trọng. Càng mở rộng danh sách cửa hàng, càng có nhiều tuần hành phản đối hơn. Truyền thông lúc này cũng bắt đầu nhắm đến Michael Jordan, cùng với đó là ngày càng nhiều báo cáo về nạn lạm dụng lao động xảy ra ở các nước thu nhập thấp, như Thái Lan, liên quan đến Nike.
Đến năm 1998, Nike đối diện với khủng hoảng doanh thu. Mọi công ty liên và người nổi tiếng liên quan đến Nike đều bị đem ra mổ xẻ. Và phải đến lúc này, Nike hiểu được rằng đã đến lúc cần phải thay đổi.
Sự thay đổi lớn nhất bắt đầu từ tháng 5/1998, khi CEO đương thời là Phil Knight đứng ra nhận trách nhiệm. Trong bài phát biểu của mình, ông cho biết Nike không những đã sai với thể thao, mà còn sai với cả thế giới, đồng thời thừa nhận công ty cần phải nâng độ tuổi lao động tối thiểu, cũng như tăng cường giám sát để cải thiện tiêu chuẩn lao động tại tất cả các nhà máy.
Sau phát biểu ấy, Nike bắt đầu thành lập Hiệp hội Công bằng Lao động vào năm 1999 và đặt ra tiêu chuẩn mới, bao gồm độ tuổi lao động tối thiểu, số giờ làm việc tối đa mỗi tuần. Đến thập niên 2000, công ty đã thực hiện kiểm toán cho hơn 600 nhà máy, và đặc biệt chú tâm đến những nơi bị báo cáo là “có vấn đề”.
Nỗ lực của họ đã được ghi nhận. Năm 2004, các nhà hoạt động nhân quyền thừa nhận rằng nỗ lực giám sát của họ ít nhất đã giải quyết được vài vấn đề được cho là kinh khủng nhất. Đến năm 2005, Nike đã trở thành thương hiệu đầu tiên hoàn toàn minh bạch về các nhà máy đặt ở nước ngoài với bản báo cáo dài 108 trang. Cho đến tận ngày hôm nay, họ vẫn duy trì sự minh bạch này, công khai dữ liệu kiểm toán và cam kết về tiêu chuẩn lao động
Một số người đánh giá rằng Nike không phải là công ty duy nhất, cũng không phải nơi bóc lột tàn tệ nhất. Vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng quan trọng là họ đã tìm cách thay đổi, và được xem là một trong những pha “thay đổi hình ảnh” thành công và vĩ đại nhất trong nhiều thập kỷ gần đây.
Tổng hợp