Báo cáo của PVN cho rằng PVC đã bị mất kiểm soát trong việc thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình 2 do mất cân đối quá lớn về dòng tiền.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ LĐ-TB&XH về tình hình kinh doanh và đề nghị cơ chế tiền lương đối với người quản lý Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC, thuộc PVN).
Theo đó, trong năm 2018 PVC tiếp tục thua lỗ, lợi nhuận trước thuế toàn Tổng công ty ước lỗ 308,72 tỉ đồng, trong đó Công ty mẹ PVC ước lỗ 107,11 tỉ đồng (ước số lũy kế của Công ty mẹ PVC là 3.396 tỉ đồng). Do đó, nguồn kinh phí quản lý được tính từ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) không đảm bảo để chi cho hoạt động của Công ty mẹ PVC.
Bên cạnh đó, nhiều khoản công nợ dở dang tại một số đơn vị tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện quyết toán và thu hồi dứt điểm, dẫn đến việc PVC vừa phải lo thu xếp vốn cho các hoạt động SXKD và phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng, làm ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Công tác thoái vốn của PVC tại các đơn vị gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn của PVC đều thua lỗ, lỗ lũy kế lớn nên việc tìm kiếm các đối tác nhận chuyển nhượng có nhiều khó khăn.
Ngoài ra, PVC đã bị mất kiểm soát trong việc thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình 2, do mất cân đối quá lớn về dòng tiền (Công nợ phải trả đối với khách hàng của PVC lớn, đặc biệt là số phải trả các nhà thầu thi công tại dự án, tuy nhiên, do khó khăn trong việc thu xếp vốn, cân đối dòng tiền nên PVC không có kinh phí để thanh toán cho khách hàng). Nếu không nhận được giải pháp hỗ trợ kịp thời và đồng bộ từ các cơ quan có thẩm quyền thì dự án tiếp tục bị chậm tiến độ, thậm chí không có khả năng hoàn thành.
Đối với nghĩa vụ trả khoản vay ủy thác của PVN, PVC cho rằng đến nay, việc xử lý chưa đạt được kết quả mong muốn. Với thực trạng tài chính hiện nay thì PVC rất khó khăn trong việc duy trì hoạt động của PVC để hoàn trả khoản vay ủy thác này.
Bên cạnh đó, PVC cho rằng việc duy trì chế độ tiền lương cho người quản lý PVC là hết sức khó khăn.
“Vì vậy, PVC đề xuất nếu PVC hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, người quản lý PVC được hưởng theo mức lương cơ bản quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 52/2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh thì giảm tiền lương người quản lý PVC nhưng cao nhất không quá 20% mức lương cơ bản quy định tại Phụ lục II Nghị định trên”, PVN kiến nghị.
Được biết, từ năm 2009 đến tháng 5-2013, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức chủ tịch HĐQT PVC. Thời điểm này, PVC niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán PVX.
Không lâu sau, PVX trở thành một trong những mã nóng nhất khi khối lượng giao dịch lên đến hàng triệu cổ phiếu mỗi ngày. Đây cũng là cơ sở để PVC phát hành thành công thêm cổ phiếu vào đầu năm 2010, tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỉ đồng.
Nhưng ngay trong những năm tiếp theo, PVC có dấu hiệu đi xuống rồi lâm vào thua lỗ nghiêm trọng. Sau đó, ông Trịnh Xuân Thanh không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển.
Đầu năm 2018, ông Trịnh Xuân Thanh bị TAND TP Hà Nội tuyên án chung thân về tội tham ô tài sản, với vai trò là chủ tịch HĐTV PVC.
Theo PLO