Đã rất lâu rồi không được xem Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa, một đơn vị từng rất thân quen với mình khi mình công tác ở Nha Trang hơn 30 năm trước. Nghe nói Đoàn hiện rất khó khăn, lớp diễn viên có nghề nghỉ, lớp thay thế còn quá non, lâu rồi không có vở hay, các liên hoan hội diễn những năm qua đều không có tiếng tăm gì…
Bởi vậy, “Phù vân” đã làm mình hoàn toàn bất ngờ. Đây là một kịch bản hay do một đạo diễn đẳng cấp, rất hiểu bài chòi dàn dựng ở một đơn vị nghệ thuật có dàn diễn viên vững vàng nghề nghiệp, trong đó có một số diễn viên trẻ đầy triển vọng, tạo nên một vở diễn chất lượng tại Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019 đang diễn ra tại Thanh Hóa .
Đã có rất nhiều kịch bản sân khấu về giai đoạn giao thời Lý Trần với sự cứng rắn phi nhân của Trần Thủ Độ, bi kịch khó thể chấp nhận của Chiêu Thánh, Trần Cảnh, Trần Thị Dung, Thuận Thiên…nhưng tác giả Nguyễn Sỹ Chức vẫn tìm ra một cách tiếp cận mới: đánh giá việc thay đổi triều đại được cho là cực kỳ tàn bạo của Trần Thủ Độ dưới góc nhìn nhân văn của tư tưởng Phật giáo VN, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm do chính Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông sáng lập. Câu chuyện kịch tập trung vào bi kịch của Trần Thái Tông và Lý Chiêu Thánh. Ngoài Trần Thủ Độ, “Phù vân” xây dựng hai nhân vật Trần Thái Tông – Lý Chiêu Thánh có chiều sâu nhân cách và sinh động, hấp dẫn.
Đã nhiều năm, do tập trung cho chức trách Hiệu trưởng Cao đẳng văn hóa du lịch Khánh Hòa, NSUT, TS Hoàng Minh Tâm không làm đạo diễn, một nghề anh được đào tạo chinh quy. Tuy vậy, anh cho thấy mình không hề xa lạ với sàn diễn bài chòi, nơi 30 năm trước anh từng là một ngôi sao sáng, và hiện nay vẫn trực tiếp tham gia đào tạo nghệ sĩ bài chòi ở chính ngôi trường của mình.
Hoàng Minh Tâm tỏ ra tâm đắc với kịch bản, đã tổ chức vở diễn khá thông minh và có văn hóa, đưa thông điệp của vở diễn vào lòng người xem khá nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nếu có gì đặc biệt ở đạo diễn kiêm nhà giáo này thì đấy là ý thức về sự điều độ, chừng mực trong dàn dựng, thái độ biết ẩn mình sau diễn viên và vở diễn chứ không phải ngồi xổm khoe mẽ giữa sân khấu.
Mình cũng rất ấn tượng về chỉ đạo, dàn dựng hô hát của anh. Các diễn viên trong vở, nhất là các diễn viên mới nhập môn sân khấu bài chòi chưa lâu, đã hát hay, thể hiện tâm trạng nhân vật rất nhuần nhụy, chắc chắn là do Hoàng Minh Tám đã bỏ ra nhiều thời gian tâm sức dìu dắt.
Điều đáng mừng nhất là sau những cố gắng liên tục bền bỉ, Đoán dân ca kịch Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đã có một lực lượng diễn viên phong phú, chất lượng, đủ sức thực hiện thành công một vở diễn rất khó, có nhiều đòi hỏi cao như “Phù vân”. Các nghệ sĩ Văn Huy, Bich Vương, Thu Trang, Lưu Vũ, Thanh Sơn, Ngọc Tâm…đã thể hiện rất tốt các vai diễn Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung, Thuận Thiên và một số vai khác.
Thú vị nhất là cả đoàn đã dành hai vai chính của vở, Trần Cảnh và Chiêu Thánh, cho cặp diễn viên trẻ nhất là Sơn Hà và Thanh Phương. Đây là hai diễn viên vốn được đào tạo ca sĩ nhạc mới được thầy Tâm và lãnh đạo đoàn phát hiện ra tiềm năng sân khấu và thuyết phục các em về Đoàn. Cả hai đã diễn khá hay hai vai diễn nặng và khó, nhất là Sơn Hà trong vai Trần Cảnh được dư luận đánh giá là một tài năng trẻ đầy triển vọng…
Thành công của “Phù vân”, một trong những vở diễn hay tại Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019, hy vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới của Đoàn Dân ca kịch Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hóa, một đoàn nghệ thuật từng có nhiều thành tựu những năm cuối kháng chiến chống Mỹ và thập niên đầu đất nước thống nhất…
Nguyễn Thế Khoa/VHVN