Tín ngưỡng Thờ Mẫu từ lâu đã trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng chúng ta tới lối sống “tốt đời đẹp đạo”, đồng thời thể hiện truyền thống yêu nước, tinh thần uống nước nhớ nguồn. Phủ Mẫu Mộc Hoàn nhiều năm nay đã phát huy được những giá trị về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và gìn giữ tín ngưỡng với nhiều nét đẹp văn hóa.
Cách Hà Nội khoảng 40 km, Phủ Mẫu Mộc Hoàn tọa lạc ở thôn Hoàn Dương, xã Mộc Hoàn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Nhiều người theo tuyến tâm linh lễ đầu năm thường tìm về đây và đền Lảnh Giang để xin lộc, cầu an cho gia đình.
Có mặt tại Phủ Mẫu Mộc Hoàn trong tiết trời xuân, mưa bay lất phất, cảnh nơi đây yên tĩnh như lạc vào chốn thiêng. Tĩnh tâm chiêm bái cửa Mẫu với lòng tin, hướng tâm tu hạnh ắt sẽ có cuộc sống tốt đẹp, lòng ta như gạt bỏ đi những muộn phiền, nghiệp chướng khổ đau của cuộc sống thường nhật. Nơi đây thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bà được Nhân dân tôn xưng là “Mẫu nghi thiên hạ’’, là vị Thánh trong “tứ bất tử’’ của thần linh – tín ngưỡng của người Việt. Bà được phong sắc phong với nhiều tên gọi khác nhau là “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương’’, “Thượng đẳng thần’’, “Mạ vàng công chúa’’. Bà theo đạo Nho, quy y theo Phật, là biểu trưng cho tự do, lòng nhân đạo. Một nhân vật phi thường nhưng vô cùng gần gũi với Nhân dân.
Đón chúng tôi là Cậu Hoàng Thương, người có công sức gây dựng và bảo tồn phủ Mẫu Mộc Hoàn khang trang như hôm nay. Cậu hoan hỉ cho biết: “làng Hoàn Dương từ lâu đời thịnh hành tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh Công chúa, vị thần của Đạo Mẫu nổi tiếng linh thiêng của cả tổng Mộc Hoàn và quanh vùng kể cả dân cư tỉnh Hưng Yên phụ cận. Là một tín ngưỡng dân gian, có lịch sử lâu đời, làng Hoàn Dương đã biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã hướng cuộc sống thực tại của con em địa phương có ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của bà con dân làng, mang lại sức mạnh, niềm tin và đã thu hút mọi tầng lớp trong gia đình và xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở địa phương cũng đã dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước”.
Thành tâm chiêm bái Phủ Mẫu Mộc Hoàn, nơi đây là tòa đài nguy nga lộng lẫy trên thế đất phong thủy hữu tình, cảnh hồ, khuôn viên bốn mùa hoa lá ngát hương. Phủ được bố trí từ cổng Tam quan vào toát lên sự từ bi lừng lẫy là gác chuông thờ Phật Quan Âm Thiên Thủ. Bước chân vào cửa chính đầu tiên là ban thờ Công đồng, tiếp đến cung Đệ nhị thờ Tam Tòa Quốc Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ Vị Chầu Bà, Tứ Phủ Thành Hoàng. Cung trong cùng là cung cấm thờ Mẫu Liễu Hạnh, hai bên tả hữu thờ Đức Thánh Trần Triều, động Sơn trang Lầu cô – Lầu cậu vô cùng trang nghiêm mới hiểu được công đức và tâm sức của những người gây dựng, trùng tu lại Phủ Mẫu Mộc Hoàn.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hoàn Dương gắn liền với sự phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ – Tứ phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ, Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành và gìn giữ. Để có được Phủ Mẫu Mộc Hoàn như hôm nay, theo cậu Hoàng Thương đó là một nhân duyên với Mẫu và thỏa sự nghiên cứu tìm tòi, gìn giữ và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu của cậu nhằm hướng mọi người thoát khỏi những lối mê tín, dị đoan hiểu sai lệch về tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng của người Việt, tránh tình trạng “buôn Thần bán Thánh”. Bởi đây cũng chính là một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất với tên gọi chính thức “tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được cả thế giới đặc biệt quan tâm, nhất là khi tín ngưỡng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.
Hàng năm, Phủ Mẫu Mộc Hoàn còn là nơi được nhiều thanh đồng gửi gắm, thực hiện những khóa hầu, giá văn… cầu an cho Nhân dân khắp nơi về thực hành tín ngưỡng và du lịch khai xuân. Nhiều khách thập phương về đây nhiều lần vẫn ấn tượng với giá văn “cô đôi Thượng Ngàn” gắn với một sự tích cô là con Vua Đế Thích trên Thiên Cung, được phong là Sơn Tinh Công Chúa, ra vào hầu cận Bơ tòa Vua Mẫu trong điện ngọc, nơi tiên cảnh. Sau cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái nhà một chúa đất ở chốn sơn lâm, khi hạ sinh, cô Đôi rất xinh đẹp: da trắng, tóc xanh mượt mà, mặt tròn, lưng ong thon thả.
“Bồng Lai là cảnh Thiên Thai tấu cô Đôi Thượng đại tài hái hoa, hầu Vua hầu Mẫu bơ, tiếng tăm lừng lẫy – về đồng đánh phấn soi gương lược ngà chải chuốt, khăn xanh vấn đầu”.
Ngoài giá trị kiến trúc, phủ Mẫu Mộc Hoàn còn bảo tồn nhiều cổ vật cổ như: Thư, tượng cổ, chuông đồng trồng cổ, sắc phong thần tích nghi thức diễn xướng hầu đồng dân gian đặc sắc trong hệ thống di tích thờ mẫu Tam Phủ của người Việt…. khiến Phủ Mẫu Mộc Hoàn càng trở lên linh thiêng, tráng lệ.
Hàng năm Phủ mẫu Mộc Hoàn tổ chức đại lễ tiệc Mẫu vào ngày 09/03 âm lịch và ngày rằm tháng 8 để tưởng nhớ Đức Thánh Trần những người có công lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước, bảo vệ Nhân dân, khi mất, hiển linh là chỗ dựa tinh thần cho dân chúng.
Từ nhận thức về tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ, cộng với tâm huyết và niềm tin thờ Mẫu, cảnh quan tâm linh tín ngưỡng trang nghiêm, tấm lòng mến khách của nhà đền Phủ Mẫu Mộc Hoàn đang là điểm du lịch tâm linh của người dân thập phương về chiêm bái, cũng là nơi phát huy và gìn giữ tín ngưỡng thờ Mẫu tốt đẹp của dân tộc Việt từ bao đời nay.
Theo Doanh nghiệp & Thương hiệu