Phó Thủ tướng: ‘Không có chủ trương cải cách tiếng Việt’

21:11 | 12/09/2018

Việc tranh luận vừa qua chỉ là một phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học, không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.

Sáng 12/9, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều đại biểu nêu câu hỏi về vấn đề đang được dư luận quan tâm – chương trình giáo dục thực nghiệm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, thời gian qua có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một số thí điểm trong giáo dục, nhất là thí điểm trong cải cách tiếng Việt. “Tôi muốn biết quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ về vấn đề này”, bà Nga nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục dù tốt thì vẫn luôn cần đổi mới và khi đổi mới sẽ có thử nghiệm, thực nghiệm. “Nhưng tôi khẳng định Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt ít nhất trong vài năm tới”, ông nói.

Ông Đam cho rằng giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, khi có một sự kiện thì cả cộng đồng góp ý và “đó là điều rất tốt”. Gần đây rộ lên câu chuyện liên quan đến tài liệu dạy tiếng Việt cho trẻ lớp 1, năm trước là câu chuyện về công trình nghiên cứu của nhà khoa học Bùi Hiền. “Ngay lúc đó tôi đã nói Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết, việc tranh luận vừa qua về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục đã có ý kiến. Đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu dạy cách phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi dư luận có nhiều ý kiến về giáo dục thực nghiệm, “tôi băn khoăn khi thực nghiệm trở thành đại trà thì như thế nào”.

“Tôi đi tìm mua quyển sách giáo dục thực nghiệm ở các hiệu sách Hà Nội nhưng không được. Vậy sách này bán ở đâu, phụ huynh muốn mua học cùng con thì thế nào? Việc cung cấp loại sách này có độc quyền hay không?”, bà Hải đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, câu hỏi của bà Hải chưa nhận được câu trả lời.

Đề xuất báo cáo Thường vụ Quốc hội khi thí điểm chính sách mới

Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, giáo dục có phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội nên cần cẩn trọng khi quyết định thay đổi chính sách, nhất là liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình…

“Vì thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong giáo dục hời gian qua còn nhiều lúng túng, một số chương trình thí điểm gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội”, ông Bình nêu.

Thường trực Ủy ban đề nghị, bên cạnh việc quy định “Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học” như Luật hiện hành, cần bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Trong đó, cần làm rõ nội dung về quy trình, mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy mô, thời gian thực hiện thí điểm.

Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục – PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc “muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy”. Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.

Theo VnExpress


Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Đại hội Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 thành công tốt đẹp

Đại hội Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 thành công tốt đẹp

Ocean Edu Tân Yên: Vinh danh học viên xuất sắc quý I/2025

Ocean Edu Tân Yên: Vinh danh học viên xuất sắc quý I/2025

Hỏa trình (bài 8): Trên chuyến tàu SE6 xuôi ra phía Bắc

Hỏa trình (bài 8): Trên chuyến tàu SE6 xuôi ra phía Bắc

Hỏa trình (bài 6): Tận tâm trên mỗi chuyến tàu

Hỏa trình (bài 6): Tận tâm trên mỗi chuyến tàu

Hỏa trình (bài 5): Tàu SE21 biểu tượng mới của ngành đường sắt Việt Nam

Hỏa trình (bài 5): Tàu SE21 biểu tượng mới của ngành đường sắt Việt Nam

GS. ANH HÙNG HOÀNG CHƯƠNG MỘT NGHỆ SĨ, MỘT NHÀ KHOA HỌC NHÂN VĂN CHÂN CHÍNH

GS. ANH HÙNG HOÀNG CHƯƠNG MỘT NGHỆ SĨ, MỘT NHÀ KHOA HỌC NHÂN VĂN CHÂN CHÍNH

Hiệu quả vốn tín dụng chính sách cho vay xuất khẩu lao động ở Cư Kuin

Hiệu quả vốn tín dụng chính sách cho vay xuất khẩu lao động ở Cư Kuin

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết đảm bảo ATGT đường sắt trong học đường

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết đảm bảo ATGT đường sắt trong học đường