Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Tôi báo cho các đồng chí một tin vui, Bác Hồ sẽ đến thăm trước khi các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ”.
Khoảng giữa tháng 6/1956, chúng tôi có mặt tại trạm 66 trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) nhận quân trang và làm thủ tục để chuẩn bị lên đường đi học. Tối 28/6, đoàn học viên bay gồm 80 người nhận lệnh có mặt để nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ.
“Các chú phải lái máy bay phản lực chiến đấu về đấy”
Đại tướng nói: “Tôi báo cho các đồng chí một tin vui, Bác Hồ sẽ đến thăm trước khi các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ”. Cả hội trường lặng đi một lúc, rồi oà lên niềm vui. Một lúc sau, phía cuối hội trường có tiếng vỗ tay rầm rầm và tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bước vào.
Bác nói: “Lần này các chú du học bằng ô tô, tàu hoả, lúc về các chú phải lái máy bay phản lực chiến đấu về đấy”. Chúng tôi vỗ tay hoan hô vang cả hội trường.
Sau 8 năm miệt mài học tập, vượt qua rất nhiều kỳ thi, nhiều chuyến bay huấn luyện trong trời đông giá rét hay giữa trưa hè oi bức, đoàn học viên bay đã hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Ngày 3/2/1964, Thiếu tướng Trần Quý Hai đọc quyết định thành lập Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên 921. Đứng trong đội ngũ các phi công của Trung đoàn, tôi rất xúc động và hiểu rằng không lâu nữa chúng tôi sẽ được về Tổ quốc, sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu.
Chỉ 23 tiếng đồng hồ sau khi Không quân Mỹ tấn công miền Bắc ngày 5/8/1964, toàn bộ Trung đoàn 921 đã cất cánh bay về Nội Bài. Bay trong biên đội, tôi lại nhớ lời căn dặn của Bác và thầm báo cáo với Bác: “Bác ơi! Chúng cháu đã hoàn thành nhiệm vụ học tập Bác giao, chúng cháu đã trở về Tổ quốc trên máy bay chiến đấu MiG và sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu”.
Tấm huy hiệu Bác
Ngay trong ngày 6/8, tôi vinh dự được giao nhiệm vụ tham gia các biên đội trực ban chiến đấu đầu tiên của Trung đoàn (cũng là đầu tiên của Binh chủng Không quân tiêm kích Việt Nam). Đó là hai biên đội Hanh – Giấy và Lan – Chiêu. Đúng trong giai đoạn khẩn trương huấn luyện chiến đấu, chuẩn bị cho trận đầu cất cánh, ngày 9/11/1964, Trung đoàn vinh dự được Bác Hồ và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm tại sân bay Nội Bài.
Đây là lần thứ hai tôi được gặp Bác. Sau khi thăm nơi ăn ở, trực ban chiến đấu của phi công, Bác gặp gỡ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn. Tôi vẫn nhớ lời Bác dặn hôm đó: “Tổ tiên ta có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi, trách nhiệm ấy trước hết thuộc về các chú”.
Thực hiện lời dạy của Bác, các biên đội MiG-17 đã xuất kích và đánh thắng trận đầu trong 2 ngày 3-4/4/1965, mở mặt trận trên không thắng lợi.
Lần thứ ba tôi được gặp Bác là ngày 14/4/1966. Buổi tối hôm đó, tôi nhớ còn có các phi công ưu tú như Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh, Lâm Văn Lích, Nguyễn Hồng Nhị, Phan Như cẩn, Nguyễn Văn Bảy A, Ngô Đức Mai…
Tôi nhớ khi một phi công hỏi Bác: “Thưa Bác, Bác có được khoẻ không ạ?”, Bác quay lại ân cần nói: “Các chú cứ đánh giặc giỏi, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ là Bác khoẻ”, rồi Bác và chúng tôi đều cười rất vui. Sau đó, Bác nói: “Từ nay, Bác đề nghị mỗi khi bắn rơi máy bay Mỹ, phi công sẽ được nhận phần thưởng, đó là huy hiệu Bác”.
Bữa cơm giản dị
Lần thứ 4 và 5 được gặp Bác là kỷ niệm rất đặc biệt với tôi. Vào khoảng tháng 6/1966, tôi cùng đoàn đại biểu cán bộ, chiến sĩ toàn quân dự một đợt học tập bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Khi kết thúc lớp học, Bác có đến nói chuyện. Lúc mọi người bước ra khỏi hội trường, đồng chí thư ký xin phép Bác chụp ảnh với hai đại biểu: Một là cán bộ lâu năm, hai là cán bộ trẻ nhất hội nghị. Đó là Đại tá Dương Đại Lâm và phi công Nguyễn Nhật Chiêu.
Bây giờ, bức ảnh tôi được chụp với Bác Hồ cạnh hội trường Ba Đình treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà tôi. Đó là bảo vật quý nhất không chỉ của riêng tôi, mà còn của cả gia đình, dòng họ và quê hương…
Khoảng cuối tháng 6/1966, khi vừa xách mũ bay về đến doanh trại, tôi có thông báo lên gặp chỉ huy Trung đoàn nhận nhiệm vụ. Xe của Đại tá Đặng Tính, Tư lệnh kiêm Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân đưa tôi đến Phủ Chủ tịch.
Chính uỷ ôn tồn nói: “Cậu xuống xe rồi đi cùng đồng chí thư ký, bây giờ cậu là khách của Hồ Chủ tịch đấy!”. Do quá run và cảm động, tôi bước mãi vẫn chưa hết bậc thang phía trước Phủ Chủ tịch.
Ngồi trong phòng khách được một lát thì cửa mở, người bước vào là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng nói: “Ta chờ một lát, Bác đang bận”. Thời gian với tôi lúc đó như ngừng trôi. Một lúc sau cửa lại mở, lần này là Bác Hồ. Tôi vội đứng lên giơ tay chào và báo cáo: “Thưa Bác, cháu là Đại uý Nguyễn Nhật Chiêu, phi đội trưởng thuộc Trung đoàn Không quân 921”. Bác bước đến bên tôi, ân cần ôm chặt tôi như người ông đón đưa cháu lâu ngày về nhà.
Sau một hồi nói chuyện về quê hương, đơn vị, cuộc sống của phi công, Bác quay sang đồng chí thư ký nói: “Bác cháu ta đi ăn cơm thôi chứ?”. Tôi lại một lần nữa rất xúc động, tôi chỉ là một chiến sĩ Không quân, bác là nguyên thủ quốc gia, mà mời tôi đi ăn cơm tình cảm như ông cháu trong nhà.
Tôi đi theo Bác và đồng chí thư ký sang phòng ăn. Giữa nhà là một chiến bàn ăn tròn xung quanh có 4 chiếc ghế. Bác ngồi xuống và chỉ tôi ngồi cạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí thư ký ngồi phía đối diện. Mâm cơm rất giản dị, có cá rán, trứng tráng, đĩa rau luộc và bát canh, riêng liễn cơm rất to…
Nguồn động viên mang theo vào trận đánh
Được gặp Bác lần này với tôi là cả một nguồn cảm hứng rất đặc biệt. Trên xe trở về đơn vị, tôi thầm hứa sẽ chiến đấu dũng cảm, mưu trí hơn nữa, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Trong giai đoạn không chiến ác liệt nhất, khi Không quân Mỹ tiến hành chiến dịch với 7 đợt đánh phá thẳng vào Hà Nội và các sân bay, tôi liên tục xuất kích trên máy bay MiG-21 và bắn rơi thêm 5 chiếc nữa. Cứ mỗi lần được nhận và đeo tấm huy hiệu Bác lên ngực, tôi lại thầm báo cáo với Người: “Bác ơi, cháu đã lập công dâng Bác, mong Bác mạnh khoẻ, sống lâu”.
Đối với phi công chiến đấu chúng tôi, mỗi lần được gặp Bác là vinh dự lớn lao, là cơ hội học được từ Bác những bài học giản dị mà sâu sắc.
Bác không bao giờ giao nhiệm vụ một cách cứng nhắc, nhưng cử chỉ quan tâm, câu hỏi về quê hương gia đình, sức khoẻ, về khó khăn trong nhiệm vụ chính là nguồn động viên tinh thần kỳ diệu nhất mà phi công MiG mang theo vào trận đánh và quyết tâm đánh thắng.
Nguyễn Phương