Phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên – Huế

8:34 | 07/12/2022

Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên – Huế với hệ thống các di tích và hiện vật còn lại đã phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời, những giá trị đó là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một diện mạo vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc tại đây.


Ngày 6/12, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên – Huế”. Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề liên quan đến văn hóa Champa – một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Huế; các giá trị tiêu biểu của văn hóa Champa; quan hệ Đại Việt – Champa trong lịch sử. Đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng đã nêu lên một số giải pháp để phát huy giá trị văn hóa Champa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo.

Quang cảnh tại hội thảo.

Bệ thờ Vân Trạch Hòa, Bảo vật quốc gia tại trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tình Thừa Thiên Huế

Từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, khu vực miền Trung hiện nay xuất hiện nhiều tiểu vương quốc, trong đó có Lâm Ấp – Champa (vùng Bắc Trung Bộ ngày nay). Sự ra đời này được xem như là quá trình hội tụ và phát triển của văn hóa tiền – sơ sử Việt Nam mà trực tiếp là văn hóa Sa Huỳnh trên dải đất miền Trung.

Thừa Thiên – Huế là không gian một phần lãnh thổ vương quốc Champa trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ XIV (gần 12 thế kỷ), ở đây đã hình thành nên một di sản văn hóa đồ sộ. Từ năm 1306, vùng đất châu Ô, châu Lý được nhập vào lãnh thổ Đại Việt, sự có mặt của người Việt ở vùng đất này đã tạo tiền đề cho văn hóa Đại Việt ảnh hưởng mạnh hơn về phương Nam. Người Việt khi đến sinh sống, định cư ở vùng đất mới đã có lối sống ứng xử khôn khéo, tôn trọng, kế thừa và phát huy các thành tựu văn hóa mà cư dân Champa để lại.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, về di tích có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Champa, trong số này có 17 đền, tháp; 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ… Đặc biệt, có 3 địa điểm được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia gồm: tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà; tháp Phú Diên thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang và Thành Lồi thuộc phường Thủy Biều và phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

Về hệ thống hiện vật, trên địa bàn tỉnh, hiện có 251 hiện vật Champa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học; trong đó, có một hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Bệ thờ Vân Trạch Hòa đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế. Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên – Huế với hệ thống các di tích và hiện vật còn lại đã phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời, những giá trị đó là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một diện mạo vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc.

Văn hóa Champa ở Thừa Thiên – Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Hiện nay, hầu hết các di tích về Champa ở Thừa Thiên – Huế đã trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt nên đã trở thành phế tích.

“Chính vì thế, vấn đề cần thiết là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay”, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Tiến Dũng nhận định.

“Đối với các hiện vật Champa, tình trạng chung là đang do nhiều tổ chức, cơ quan quản lý, việc bảo quản có nhiều khó khăn tùy thuộc theo khả năng từng nơi đưa ra trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan. Do vậy, để bảo vệ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Champa trên địa bàn, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất việc quản lý hiện vật hiện nay do các tổ chức quản lý về một đầu mối”, TS Phan Tiến Dũng đánh giá và đưa ra đề nghị.

PGS. TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cần thiết nghiên cứu thành lập một bảo tàng văn hóa Champa đặt tại thành Hóa Châu cũng như xây dựng hồ sơ thành Hóa Châu là di tích quốc gia.

Thanh Hoài

Nguồn Báo Công luận

https://www.congluan.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-champa-tai-thua-thien–hue-post225571.html#p-0

Cùng chuyên mục

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

CSGT Quảng Bình nhận giải thưởng “Gương thanh niên CSGT tiêu biểu”

CSGT Quảng Bình nhận giải thưởng “Gương thanh niên CSGT tiêu biểu”