Còn hơn 10 ngày nữa mới tới ngày ông Công, ông Táo nhưng trên nhiều tuyến phố tại TP Thanh Hóa, người dân đã bày bán nhiều gánh đồ phục vụ nhu cầu tâm linh.
Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân (còn được gọi là vua bếp hay ông Công, ông Táo) là vị thần giúp trông coi cuộc sống bếp núc. Vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân sẽ cưỡi cá chép lên trời và bẩm báo mọi việc dưới trần gian lên cho Ngọc Hoàng.
Những ngày này, nhiều người dân đã mang ông Công, ông Táo treo lên khung xe đạp, xe ba gác hay những đôi quang gánh đi dạo quanh thành phố vừa để bán, vừa như để báo hiệu một năm nữa sắp qua.
Dọc các tuyến phố Lê Lai, Lê Lợi, Lê Hoàn,… TP Thanh Hóa những chiếc xe đạp chở đầy một gánh ông Công, ông Táo vàng, đỏ đủ sắc màu. Việc đốt vàng mã bao gồm quần áo, mũ ông Công, ông Táo… là điều mà các gia đình đều làm.
Bà Nguyễn Thị Chung (TP Thanh Hóa) cho biết, năm nay các mẫu mã sản phẩm và chất lượng không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Giá cả thì tùy thuộc vào từng sản phẩm được làm từ nguyên liệu và kích cỡ như thế nào.
Qua khảo sát của Phóng viên, so với mọi năm, giá bán vàng mã năm nay không có nhiều thay đổi. Một bộ đồ cúng ông Công ông Táo đầy đủ sẽ bao gồm: quần áo Táo quân (3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày) và một mũ – áo – hia của Quan thần linh. Loại bình thường sẽ có giá dao động khoảng 80 – 100.000 đồng.
Với những bộ đẹp và cầu kỳ hơn với nhiều họa tiết, trang trí đặc sắc sẽ có giá cao hơn, vào khoảng 100 – 200.000 đồng. Tuy giá thành cao nhưng loại này thường được nhiều gia đình ưa chuộng và lựa chọn mua.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể mua lẻ bộ đồ ông Công ông Táo với giá từ 60 – 80.000 đồng. Bộ Quan thần linh bán lẻ khoảng 50 – 120.000 đồng tùy kích cỡ. Vàng mã: 10.000 đồng/tệp sẽ bao gồm tiền đô la âm phủ, tiền polyme âm phủ và tiền bạc âm phủ.
Tuy nhiên, vào những ngày này, tâm lý mua hàng của khách khá thoải mái và không ai mặc cả. Vì tâm lý đi mua đồ cúng không trả giá để lấy may.
Đồ cúng ông Công gồm có 2 mũ ông và 1 mũ bà. Mũ dành cho bà không cần cánh chuồn nhưng mũ dành cho ông cần 2 cánh chuồn.
Cúng ông Táo là truyền thống tốt đẹp có từ hàng ngàn năm nay của người dân Việt Nam. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời.
Đây là ngày ông Táo về Thiên đình thông báo sự việc trong gia đình trong năm qua với Ngọc Hoàng. Việc thờ cúng ông Táo nhằm thể hiện sự mong muốn, Táo Quân giúp giữ bếp lửa gia đình để luôn hạnh phúc và ấm áp.
Theo Congluan