NSND.TS Bạch Tuyết – gửi người tri kỷ

10:26 | 13/10/2021

16 tuổi là đào chính, chưa đầy 5 năm đã gặt hái tất cả vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất, là nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị Tiến sĩ Nghệ thuật học… Đó là đôi nét phác họa chân dung NSND.TS Bạch Tuyết – người con của vùng đất phù sa miền sông nước xã Khánh An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Soạn giả Điêu Huyền là người đầu tiên chính thức bắt nhịp cầu đưa Bạch Tuyết bước vào sân khấu, khởi đầu từ đoàn cải lương Kiên Giang lúc Bạch Tuyết vừa tròn 16 tuổi. Chỉ sau hai năm theo nghiệp hát, năm 1963, Bạch Tuyết đã giành được giải Thanh Tâm cho diễn viên triển vọng. Một năm sau, Bạch Tuyết về hát cho đoàn Dạ Lý Hương, được hợp tác với các soạn giả danh tiếng bấy giờ là Hà Triều, Hoa Phượng, nên tài năng ngày càng được khẳng định. Năm 1965, với vở diễn “Tần Nương thất”, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã giành huy chương vàng giải Thanh Tâm cho vai diễn xuất sắc nhất. Và trong một đêm tại rạp Quốc Thanh, sau khi xem Bạch Tuyết diễn vở “Xe cát Biển Đông”, soạn giả Hoa Phượng đã nói với soạn giả Kiên Giang: “Bạch Tuyết là cải lương chi bảo, cô này có biệt tài sáng tạo và thông minh, còn tiến xa nữa nếu diễn những vai khó hơn”. Và từ đó, biệt hiệu cao quý “Cải lương chi bảo” gắn liền với tên tuổi nghệ sĩ Bạch Tuyết.

Khi đang ở đỉnh cao nghệ thuật, nghệ sĩ Bạch Tuyết lúc đó đã 40 tuổi mới bước vào giảng đường đại học. Năm 1987, bà tốt nghiệp chuyên ngành Ngữ văn tại Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Bà tiếp tục theo học và tốt nghiệp đạo diễn của Viện Hàn lâm sân khấu và phim ảnh Sofia (Bun-ga-ri). Năm 1995, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại hai Hội đồng là Viện Hàn lâm Hoàng gia kịch nghệ Anh quốc và Viện Hàn lâm Phim ảnh – Sân khấu Sofia (Bun-ga-ri), với đề tài “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc của các quốc gia Đông – Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21”, trở thành nghệ sĩ Cải lương đầu tiên của Việt Nam có học vị Tiến sĩ.

NSND.TS Bạch Tuyết đã gắn liền cuộc đời với sân khấu Cải lương trong suốt 60 năm, tham gia khoảng hơn 400 vở diễn, trong đó có những vai để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem như các vở: “Kim Vân Kiều”, “Kiều Nguyệt Nga”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Đời cô Lựu”, “Hoàng hậu của hai vua”… Có thể nói, NSND.TS Bạch Tuyết đã góp phần định hình diện mạo Cải lương trong nhiều thập niên qua, với lối xử lý nghệ thuật điêu luyện nhịp nhàng, thống nhất cao độ: Ca trong diễn – Diễn trong ca.

Không chỉ có bề dày diễn xuất trên sân khấu nước nhà, với hàng trăm vở cải lương cùng rất nhiều bài ca vọng cổ độc chiếc hoặc tân cổ giao duyên trên đĩa nhựa, radio, cassette, truyền hình, phim ảnh video mà nghệ sĩ Bạch Tuyết còn đem chuông đi đánh xứ người trong nhiều quốc gia như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện… Bà là người đầu tiên độc diễn thử nghiệm hai kịch bản “Diễn kịch một mình” và “Hoàng hậu hai vua” của tác giả Lê Duy Hạnh được khán giả và báo giới phê bình đánh giá rất cao.

Với những cống hiến, đóng góp cho nghệ thuật Cải lương, nghệ sĩ Bạch Tuyết vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1988, NSND năm 2012.

Đầy tâm huyết và trách nhiệm, nghệ sĩ Bạch Tuyết là tác giả chuyển thể Cải lương nhiều tác phẩm văn học như “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều, “Bút Quan Hoài” của Á Nam Trần Tuấn Khải, “Câu chuyện dòng sông” theo ý truyện cùng tên của Hermann Hesse. Các tác phẩm này được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, bà đã dựa theo tác phẩm “Nhật ký trong tù” viết “Trường ca Hồ Chí Minh”, đây là tác phẩm khiến bà rất tự hào khi viết về Người. Tác phẩm được hoàn thành và công diễn năm 2009 sau 14 năm ấp ủ. Qua tác phẩm này cho thấy, NS Bạch Tuyết bằng âm điệu, tiết tấu đẹp của nghệ thuật Cải lương, luôn dành tâm huyết, tình cảm kính yêu Bác Hồ, một người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bản trường ca là sự tổng hòa âm nhạc của cả ba miền đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của người xem.

NSND.TS Bạch Tuyết còn là tác giả một số vở Cải lương như: “Đài Trang”, “Tóc mai sợi vắn”, “Tình cũ nghĩa xưa”, “Mùa thu trong mắt mẹ”, “Tứ đại oán”… cùng rất nhiều bản vọng cổ lay động lòng người. NSND.TS Bạch Tuyết đã đạo diễn và biên tập nhiều kịch bản sân khấu, phim ảnh có giá trị nghệ thuật tiêu biểu được khán giả mến mộ như: Kim Vân Kiều, Đoạn Tuyệt, Tần Nương Thất.

Trong lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, ngày 31/5/2007, với Trường ca Kinh Pháp cú, nghệ sĩ Bạch Tuyết đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam tôn vinh là người đầu tiên chuyển thể kinh sách Phật giáo thành trường ca Cải lương. Bà cũng đã chuyển thể thành công các tác phẩm trường ca: Phật giáo với Dân tộc, Trường ca Tình ca Quán Âm – Kinh Kim Cương.

NSND.TS Bạch Tuyết không chỉ tạo dấu ấn đẹp với công chúng và đồng nghiệp bởi giọng ca ngọt ngào, quyến rũ, cách làm việc nghiêm túc và học hành thành đạt, mà còn là một tấm gương lớn về tài năng, nghị lực học tập và sáng tạo nghệ thuật Cải lương để các nghệ sĩ trẻ hôm nay học hỏi và noi theo, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống của nước nhà tiếp tục phát triển.

Hiện tại NSND.TS Bạch Tuyết vẫn miệt mài làm việc, những công việc ham thích về truyền thông, về nghiên cứu các vấn đề xã hội liên quan đến văn hoá, vẫn góp ý, dạy dỗ đào tạo nhiều diễn viên trẻ thành danh ở cả hai miền Nam – Bắc.

Đối với bà, đại gia đình lớn nhất chính là cộng đồng khán giả yêu thương, những bậc thầy cô, bạn bè, thân hữu gần xa luôn là niềm vui khích lệ, giúp bà lao động sáng tạo không mệt mỏi để đền đáp món nợ ân tình: “làm cho tròn sự trả vay hạt bụi của trời đất trong một cõi đi về này”.

Đầu năm 2021, NSND.TS Bạch Tuyết đã có một chương trình nghệ thuật mang tên “Gửi người tri kỷ” để chia sẻ và hát tặng những người bạn, khán giả tri kỷ, tri âm của mình trong hành trình nghệ thuật 60 năm theo nghiệp hát. NSND.TS Bạch Tuyết bộc bạch: “Tôi thấy mình may mắn vì được khán giả ưu ái, vì thế, tôi rất trân trọng những gì người và đời đã trao cho mình để được như ngày hôm nay, để đến một lúc nào đó tôi tự tin hơn để được trả ơn đời, ơn người, ơn đất nước”. Đây là ơn nghĩa rất sâu nặng, luôn đeo đẳng trong tâm hồn của một nghệ sĩ mà ngay từ lần xuất hiện đầu tiên trên sân khấu Cải lương đã làm cho công chúng yêu mến giọng ca, điệu hát.

Ngọc Anh

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ