Một trong những tên tuổi lớn nhất của nghệ thuật múa Việt Nam, NSND, biên đạo múa Đặng Hùng đã qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM hồi 5h30 ngày 8/5/2022 sau một thời gian kiên cường chống chọi bệnh ung thư, thọ 87 tuổi.
NSND Đặng Hùng quê ở Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định. Thời trẻ ông tập kết ra Bắc, được đào tạo thành một trong những nghệ sĩ múa xuất sắc nhất của Đoàn Ca múa miền Nam (sau này là Đoàn ca múa Bông Sen), từng nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Từ những năm 1970, ông đã là một biên đạo múa tài năng, là tác giả của nhiều điệu múa hấp dẫn dựa trên chất liệu múa dân gian khu 5, Khơ me, Tây Nguyên. Sau năm 1975, ông trở về Nam làm Trưởng Đoàn ca múa Thuận Hải, bền bỉ trụ ở đây nhiều năm, được coi là ông vua múa Chăm, người khai thác và phát triển tài tình nhất di sản múa dân gian phong phú, độc đáo của dân tộc Chăm.
Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, Đặng Hùng đã là tác giả của hơn 300 tác phẩm múa nhiều thể loại. Ông đã có 2 huy chương vàng quốc tế, 41 huy chương vàng quốc gia, 32 huy chương bạc quốc gia, 21 giải thưởng của Hội nghệ sĩ múa VN.
Ông đã được tặng các danh hiệu NSUT, NSND, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, hiện ông có tên trong danh sách các tác giả được hội đồng quốc gia đề nghị nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022.
Tôi từng quen biết NSND Đặng Hùng từ năm 1971 khi ông đến dựng múa cho Đoàn ca múa giải phóng Trung Trung bộ mà tôi là cán bộ biên kịch. Khi ấy tôi đã mê mẩn và tự hào về ông anh đồng hương quá đẹp trai và tài hoa. Sau năm 1975, khi ông là trưởng đoàn ca múa Thuận Hải, tôi là trưởng đoàn ca múa Hải Đăng Phú Khánh, tôi có dịp được biết ông yêu và quyết bế quan tỏa cảng để độc quyền sở hữu di sản nghệ thuật Chăm như thế nào. Đó là khi dựng ca khúc Tiếng trống paranung của nhạc sĩ Trần Tiến, chúng tôi muốn có các nhạc cụ Chăm như trống ghinang, paranung, kèn saranai, nên vào Phan Rang đề nghị bà con người Chăm nhượng lại thì được các bạn phòng VHTT ở đây cho biết theo đề nghị của NSND Đặng Hùng, UBND Thuận Hải đã ra lệnh cấm bất cứ ai đưa các di sản nghệ thuật Chăm ra khỏi Thuận Hải. Chúng tôi phải nhờ một ca sĩ của Đoàn vốn người Chăm Phan Rang về quê tìm cách mua và bí mật chuyển các nhạc cụ ấy ra Nha Trang theo kiểu buôn hàng cấm mới xong. Sau này xem Tiếng trống Paranung của Hải Đăng khi hai Đoàn cùng phục vụ Đại hội Đảng 1986 tại Hà Nội, thấy trống ghinang, paranung, kèn saranai Chăm orgin 100%, Đặng Hùng biết chuyện buôn hàng cấm của chúng tôi, cười vui: “Các cậu láu cá thật, dám qua mặt tớ”. Đặng Hùng có nhiều đóng góp xây dựng Đoàn ca múa nhạc dân tộc Khánh Hòa và các đoàn tuồng và dân ca kịch Phú Khánh, Khánh Hòa…
Xin vĩnh biệt NSND Đặng Hùng, một nghệ sĩ lớn của đất nước, niềm tự hào của nghệ thuật múa nước ta, niềm tự hào của quê hương Bình Định, của dải đất khu 5, của tất cả những người quen biết ông.
Chúc ông mãi an lạc nơi vĩnh hằng.
Nguyễn Thế Khoa/ Văn hiến Việt Nam