Vào thời điểm này hằng năm, nhiều làng hoa kiểng (hoa cảnh) ở miền Tây bắt đầu xuống giống để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều hộ dân đắn đo xuống giống cho vụ hoa Tết.
Nhiều người trồng hoa cho biết, hơn 2 tháng Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân không được ra đường. Mới đây, thành phố nới lỏng giãn cách nên một vài hộ đã chuẩn bị vật dụng, cây con để gieo trồng chuẩn bị cho mùa vụ mới. Với hơn 40 năm trồng hoa kiểng, ông Lương Tấn Tài (ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) cho biết, người dân trồng hoa sợ nhất là ảnh hưởng của thời tiết, nhưng giờ đây thời tiết không đáng sợ bằng dịch COVID-19. “Mọi năm, tôi trồng khoảng 3.000 giỏ cúc Đài Loan và cúc mâm xôi. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên tôi quyết định giảm một nửa, không dám mạo hiểm trồng số lượng nhiều”, ông Tài bộc bạch.
Ông Lê Văn Thanh (ngụ quận Bình Thủy) nói: “Giá cây giống năm nay tăng lên 1.000 đồng/cây thay vì 700 đồng/cây so với cùng kỳ. Giá tăng chủ yếu do vận chuyển qua lại khó khăn, phát sinh chi phí. Do đó, người dân chúng tôi không dám trồng nhiều, sợ dịch bệnh ảnh hưởng kinh tế, xã hội, mọi mặt đời sống, nhu cầu mua hoa giảm”.
Bến Tre, Đồng Tháp giảm sản lượng hoa
Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp là nơi cung ứng số lượng lớn hoa kiểng cho nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng năm nay sản lượng giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Bình (ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) nói: “Hằng năm, tôi trồng hơn 3.000 chậu cúc mâm xôi, nhưng năm nay giảm còn 1.000 chậu. Do cúc mâm xôi thời gian trồng khoảng 5-6 tháng, chi phí chăm sóc cao nên gia đình không dám mạo hiểm. Nếu tình hình thị trường gần Tết khả quan, tôi sẽ chuyển sang trồng các loại hoa nở ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập”.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho biết, hằng năm, Chợ Lách cung ứng cho thị trường Tết khoảng 8-9 triệu chậu hoa, cây cảnh, trong đó có khoảng 5 triệu sản phẩm hoa nở như cúc mâm xôi, vạn thọ… “Đối với vụ hoa Tết năm nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân giảm 50% sản lượng đối với hoa nở. Nếu sản xuất quá nhiều, cung vượt cầu thì sản phẩm ùn ứ, khó tiêu thụ. Do đó, việc giảm sản lượng chủ yếu giúp nông dân có lời”, ông Liêm nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc, cho biết, đã có công văn gửi UBND thành phố xem xét, chỉ đạo cho các xã, phường tuyên truyền, vận động người dân, các hộ sản xuất hoa kiểng, nhất là hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên Đán năm 2022, hạn chế xuống giống, chỉ tập trung chăm sóc các loại cây trang trí nội thất, cây công trình, bonsai để sẵn sàng cho việc tiêu thụ khi tình hình trở lại bình thường mới.
Khoảng tháng 7 âm lịch các năm trước, dọc tuyến đường Làng hoa Phó Thọ – Bà Bộ (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), người dân tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên làng hoa khá trầm lắng, mất đi không khí sôi nổi vốn có của làng hoa trăm tuổi.
Theo Tienphong