Tết Nguyên đán 2022 đã đến gần, nhiều gia đình tại Việt Nam đang quây quần tất bật chuẩn bị đón Tết. Trong khi đó, có những du học sinh phải đón Tết xa quê, với nhiều cảm xúc xen lẫn nhau.
“Xuân này con không về”
Đã 4 năm qua, chị Tạ Ngọc Phương Uyên (24 tuổi, quê tại TP. HCM) phải đón Tết xa gia đình. Chị Phương cho biết, chị là du học sinh tại Mỹ đã được 7 năm. Trước đây, mỗi dịp hè, cô gái 8X đều tranh thủ về quê thăm gia đình. Song, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Phương chưa thể về nhà trong 4 năm trở lại đây.
“Thời gian đầu mới qua Mỹ du học, nhìn những gia đình khác quây quần bên nhau đôi lúc tôi cũng thấy hơi tủi thân. Tôi nhớ nhà không cần dịp nào hết, lâu lâu ngồi không cũng nhớ, rồi bật khóc lúc nào không hay. Sau đó thì gọi về nhà, hay đi nấu ăn rồi tâm trạng cũng tốt lại, dần về sau cũng thành quen”, chị Phương kể.
Đồng cảm với cảm xúc của chị Phương, chị Chloe Hoang (du học sinh Canada) chia sẻ, cứ đến Tết là chị lại thấy nhớ nhà. Đây dường như là tâm trạng chung của hầu hết du học sinh trên thế giới chứ không riêng gì chị. Theo chị, nỗi buồn này không chỉ là nỗi nhớ nhà, mà còn là nhớ không khí tấp nập chuẩn bị Tết, nhớ tiếng gọi của bố mẹ gọi ra làm cỗ, nhớ tiếng í ới của em gái gọi đi thả cá, nhớ những bữa ăn liên hoan tất niên,… Tuy nhiên, tất cả điều đó dường như là thứ xa xỉ đối với một du học sinh.
“Không một ai dám bật bài nhạc Tết, có những người có né tránh cuộc gọi từ Việt Nam vì sợ sẽ không cầm được nước mắt, có những người lao vào đi làm để cho bản thân trở nên bận bịu và có những người đã chai sạn và vô cảm đi với chữ Tết. Không còn háo hức, không còn bồi hồi như năm nhất năm hai mới qua, tất cả mọi thứ vẫn cứ như ngày bình thường, chỉ có trong sâu thẳm bản thân mỗi người mới cảm nhận được thực sự mình thấy thế nào”, chị Chloe Hoang nói.
Đón Tết kiểu “du học sinh”
Mỗi năm đón tết xa nhà, chị chỉ lên mạng học nấu ăn, rồi làm mứt gừng mứt dừa, sau đó mở mấy chương trình giao thừa, mở nhạc cho có không khí Tết. Nếu có thời gian, chị Phương sẽ gọi về nhà cho gia đình, gọi nhắn chúc năm mới bạn bè thân thiết.
Thế nhưng, Tết Nguyên đán năm nay của chị Phương dường như đặc biệt hơn những năm trước.
“Hôm đó tôi phải thuyết trình luận văn nên cả tuần chỉ thấy áp lực, quên mất là Tết đã tới nơi. Thuyết trình khoảng 2 tiếng mấy, về tới nhà thì thấy nhà cửa sạch bóng, quần áo được giặt, gấp gọn. Nhìn lên tường thấy giấy được cắt, dán chữ ‘Tết’. Lúc này tôi ngạc nhiên, không kịp phản ứng vì cứ ngỡ đi nhầm nhà. Nhưng hóa ra là do người bạn đồng hành của tôi – một anh người Mỹ đã tự chuẩn bị hết mọi thứ. Bình thường chúng tôi hay chuyển nhà nên không có đồ trang trí Tết. Lâu lâu tôi cũng than buồn, không biết khi nào được về quê. Không ngờ anh ấy nghe được và âm thầm chuẩn bị những thứ này cho tôi vui. Nhờ vậy tôi cũng thấy được an ủi”, chị Phương cười nói.
Không để bản thân bỏ lỡ ngày Tết truyền thống quý giá, chị Chloe Hoang quyết định “tự mang Tết về”.
“Kinh nghiệm 2 năm rưỡi mò mẫm tự xem video rồi gói bánh, tôi lại muốn đem Tết tới cho bản thân và những người xung quanh. Năm nay, tôi còn rủ thêm bạn bè để cùng dạy nhau gói bánh nữa. Có người 20, 30 tuổi, ai cũng háo hức vì có lẽ đó là lần đầu tiên họ được làm bánh. Tự dưng cảm thấy có không khí Tết, cái không khí háo hức mà mình vẫn luôn chờ đợi khi xuân về”, cô gái chia sẻ.
Theo lời kể của chị Chloe Hoang, cứ Tết đến, chị cùng các bạn gói bánh chưng từ 6h tối, cùng ngồi canh nồi bánh 3-4 tiếng, nồi áp suất 6-7 tiếng. Tới 0h, chị và các bạn cùng nhau cắt bánh.
“Cảm giác được ăn miếng bánh nóng hổi lần đầu tiên tự nấu trong suốt 23 năm, dưới tiết thời lạnh âm 13 độ, chúng tôi thấy rất hạnh phúc. Đi du học vẫn có thể tận hường Tết. Thực sự Tết không ở xa, Tết ở trong chúng ta. Tết là những cảm xúc sum vầy mà chúng ta đã quen thuộc suốt bao năm. Kể cả khi bạn có ở Việt Nam nhưng Tết không ở trong lòng bạn thì mình cũng sẽ không cảm thấy được gì. Khoảng cách không ngăn được tình cảm và cảm xúc chúng ta muốn bộc lộ. Quyết định đi du học không cướp mất thứ cảm xúc đó đi mà nó chỉ giúp ta có một cách nhìn khác và cách tận hưởng khác về Tết.”, chị nói.
Bên cạnh những mong muốn có một mùa Tết an lành, chị Uyên Phương cho biết, mong ước lớn nhất của chị chính là được về nhà. Hiện tại, chị Phương đang thực hiện một triển lãm tranh về đường phố Việt Nam, bởi chị nghĩ, nếu không thể về quê được thì chị sẽ tự mang quê hương qua cho riêng mình.
“Nhớ nhất là lúc gọi về nhà, ba lúc nào cũng cầm máy đi vòng vòng khoe ba dọn dẹp trang trí Tết như thế nào, rồi khoe năm nay có món gì hay. Chỉ mong là được về nhà sớm với mọi người, còn dịp gì thì không quan trọng. Ngay lúc này nếu được về nhà, tôi sẽ ôm mọi người thật chặt, nhất là bà nội. Rồi rồi cả nhà sẽ mặc đồ thật đẹp, đủ màu, mang bánh trái ra cùng chụp một bộ ảnh. Ba tôi thích chụp ảnh gia đình lắm”, cô gái 8X cười nói.
Thuý Vy
Nguồn Báo điện tử Công Luận