Phát triển Cải lương như thế nào trong thời đại công nghệ 4.0 luôn là trăn trở của những người làm nghề, đặc biệt là câu chuyện đào tạo thế hệ kế cận. Mới đây, tại buổi tọa đàm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Cải lương trong giai đoạn hiện nay do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, diễn viên đã nói lên tiếng lòng đau đáu của mình về sự “sống còn” của Cải lương trong bối cảnh đương đại.
Đào tạo từ trường lớp hay truyền nghề quan trọng hơn?
Là một trong những nghệ sĩ gắn bó với Nhà hát từ những ngày đầu thành lập, NSƯT Lê Thiện bày tỏ: “Rất mừng khi thấy bộ mặt Nhà hát giờ đây có nhiều đổi mới. Nhưng về mặt nào đó tôi lại thấy buồn vì sân khấu không đủ chỗ để các em làm nghệ thuật. Các thế hệ nghệ sĩ chúng tôi mơ ước có được một sân khấu – một nhà hát quy mô hơn, xứng tầm hơn để có thể thỏa sức sáng tạo”. Tâm tư về vấn đề đào tạo đội ngũ kế thừa, NSƯT Lê Thiện cho rằng, nghệ thuật dạy truyền nghề là rất quan trọng, lý luận học nhiều nhưng nếu thiếu thực tế thì rất khó diễn.
Nghệ sĩ trẻ Minh Trường, vừa tốt nghiệp khoa Đạo diễn Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM cũng đồng tình rằng, công tác truyền nghề rất quan trọng, bởi Cải lương có đặc thù khó hơn những lĩnh vực khác. “Nghệ sĩ vừa ca, vừa diễn, vừa vũ đạo và điều đó đòi hỏi nghệ sĩ phải đa năng, chính vì vậy, khi được các thầy cô truyền nghề, cộng với năng khiếu thì mình sẽ tiếp thu rất nhanh. Nhưng qua quá trình học tập, em cảm nhận cái mình thiếu hiện nay là các nghệ sĩ đi trước dù truyền nghề rất giỏi nhưng kiến thức lại chưa được hệ thống thành một chuỗi bài bản. Vấn đề em đang trăn trở là làm sao phải kết hợp được kiến thức ở nhà trường và kinh nghiệm của các nghệ sĩ đàn anh chỉ dẫn, để trong tương lai có được thế hệ nghệ sĩ vừa có trình độ, vừa có lý luận, lại vừa giỏi nghề”, Minh Trường tâm tư.
NSND Trần Minh Ngọc đồng ý với các ý kiến và phân tích, trong đào tạo hiện nay đang có hai khuynh hướng: Một của nhà trường theo phương pháp sư phạm, có lý luận, có khoa học và một là phương pháp truyền nghề, trên cơ sở kinh nghiệm của nghệ sĩ. “Tôi xin nói thêm một điểm nhỏ, việc truyền nghề hiệu quả hay không chủ yếu ở người học chứ không ở người dạy. Người học phải thiết tha, yêu nghề và phải thực sự có đam mê. Những dẫn chứng trong lịch sử sân khấu cho thấy, rất nhiều những nghệ sĩ thành danh là qua học “lỏm”. Cả hai phương pháp trên, mỗi bên đều có khiếm khuyết, cho nên tôi thấy cần có sự kết hợp giữa đào tạo theo phương pháp khoa học sư phạm với truyền nghề của Nhà hát. Đây là yêu cầu rất chính đáng, cần có kế hoạch dài hơi trong tương lai”, NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.
Còn theo TS Mai Mỹ Duyên, khi nói đến vấn đề đào tạo, chúng ta đào tạo một đội ngũ làm Cải lương không chỉ giỏi nghề mà phải có tư duy, tầm nhìn, trí tuệ tương xứng với nghề nghiệp của mình, thì Cải lương mới đi lên được. “Tôi cho rằng phương pháp truyền nghề rất khoa học và vì thế mà thế giới luôn coi trọng điều này, người ta rất trân trọng các nghệ nhân, coi đó là những “báu vật quốc gia”. Cho nên, chúng ta phải song song hai phương pháp, bên cạnh truyền nghề phải có đào tạo hàn lâm, bài bản quy mô từ thấp đến cao. Như vậy chúng ta sẽ có một thế hệ Cải lương, kể cả các nhà quản lý cho đến diễn viên, là một thế hệ có tư duy, có tầm cỡ và có nghề, như vậy mới thúc đẩy Cải lương đi lên được”, TS Mai Mỹ Duyên nói.
Cần một lực lượng khán giả cho tương lai
Theo đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát Dân tộc (khoa Cải lương), Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu Cải lương trong giai đoạn hiện nay phải bắt đầu bằng sự đổi mới thì chúng ta mới mong theo kịp thời đại. “Tôi muốn nói tới góc độ đào tạo khán giả. Tôi rất mừng khi được biết Nhà hát đang có kế hoạch xây dựng những vở diễn thiếu nhi, để từ đó Cải lương đi vào học đường, đi vào tâm thức của người trẻ, để chúng ta có một lực lượng khán giả cho tương lai. Đó là điều tôi tâm huyết nhưng chưa làm được, trong khả năng của mình, sắp tới đây nếu có cơ hội tôi sẽ tiếp tục làm vấn đề này”, đạo diễn Lê Nguyên Đạt bày tỏ và nói thêm: “Tôi nhận thấy hiện chúng ta đang cạn kiệt nhân lực về tất cả các chuyên môn như âm thanh, ánh sáng, sân khấu, thầy dạy hóa trang… Chúng ta thiếu những chuyên gia chuyên sâu về nghệ thuật Cải lương để có thể hoàn thiện một hệ thống sân khấu chuyên nghiệp. Vì thế, tôi đồng tình cần kết hợp thực hành truyền nghề và đào tạo theo phương pháp sư phạm. Bên cạnh đó, cũng cần ứng dụng công nghệ để tạo sự sinh động và hình thái mới cho sân khấu, để chúng ta có sự chuyển động phần nhìn, phần nghe và sự nhận thức bắt kịp thời đại”.
Trong vai trò đơn vị quản lý và cũng là một nghệ sĩ, NSƯT Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không chỉ khó khăn về nguồn nhân lực, về tài chính mà còn rất nhiều khó khăn khác phải đối diện để giữ vững loại hình nghệ thuật sân khấu Cải lương sáng đèn hằng đêm. Các cô chú, anh chị nghệ sĩ đã nhắc nhiều đến khái niệm “cánh chim đầu đàn”, tôi cho rằng, đối với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang hiện nay, danh hiệu này chính là một thách thức, bởi chúng ta sẽ phải luôn rèn luyện, luôn phấn đấu để phát triển và hướng đến việc hỗ trợ các đơn vị xã hội hóa trên địa bàn TP; phối hợp với các đoàn Cải lương tỉnh bạn, phải luôn học hỏi để nâng cao”.
Phó Giám đốc Sở VHTT TP cũng đề nghị, trong thời gian tới, Nhà hát cần nghiên cứu thêm không gian để xây dựng một nhà truyền thống cho sân khấu Nam Bộ nói chung cũng như của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang nói riêng. Nơi đó không chỉ chuyển tải những tư liệu, hiện vật hay những tác phẩm văn hóa nghệ thuật của Nhà hát mà của cả nền Cải lương của Sài Gòn – TP.HCM…
Theo Văn hóa